Diego Maradona đem lại những gì cho Napoli, đấy là câu chuyện đã được nói nhiều trong suốt mấy chục năm qua. Sẽ thú vị hơn nếu như chúng ta bắt đầu từ khía cạnh ngược lại: Maradona được gì ở Napoli?
Anh đã vang danh hơn nửa thập kỷ, kể từ khi khoác áo ĐTQG Argentina lần đầu tiên vào năm 1977. Anh lập kỷ lục thế giới về giá chuyển nhượng khi đến Barcelona vào năm 1982. Dưới màu áo Barcelona, Maradona trở thành cầu thủ đầu tiên trong lịch sử được cổ động viên của cả hai đội đứng dậy hoan hô, trong một trận El Clasico (sau này, Barcelona cũng chỉ có Ronaldinho và Andres Iniesta làm được như thế).
Nhưng tóm lại, Maradona chỉ nổi tiếng... một cách chung chung. Anh không được gọi vào đội tuyển, khi Argentina vô địch World Cup 1978 trên sân nhà. Anh thất bại tại World Cup 1982. Còn khi khoác áo Barcelona, Maradona chưa bao giờ vô địch La Liga. Trên sân cỏ Tây Ban Nha, Maradona bị “gã đồ tể” Andoni Goikoetxea triệt hạ thô bạo - phải nghỉ 3 tháng vì chấn thương mà vẫn phải mừng vì tưởng phải giải nghệ!
Bàn về chuyên môn thuần túy, đúng là sự nghiệp bóng đá của Maradona chỉ thật sự thăng hoa sau khi đến Napoli, lại với kỷ lục thế giới về giá chuyển nhượng lần nữa (Maradona là cầu thủ duy nhất trong lịch sử từng 2 lần phá kỷ lục thế giới về giá chuyển nhượng). Có lẽ, vì tác động về mặt xã hội quá lớn của Maradona, mà đề tài chuyên môn về sự tiến bộ của chính anh ít được bàn kỹ.
Ở Napoli, một đội bóng yếu trước đó chỉ lo trụ hạng, Maradona mới lần đầu tiên trải nghiệm tầm quan trọng của một “máy kéo”, cả về tinh thần lẫn lối chơi, đối với toàn đội. Anh học được cách đối phó với các hậu vệ hay nhất thế giới, khi thường xuyên chiến đấu trong môi trường Calcio? Nói thế chưa đủ. Anh được biết thêm: khái niệm catenaccio, vào loại nổi tiếng nhất trong lịch sử bóng đá, còn là một tinh thần chứ không chỉ là lối chơi.
Trong nền bóng đá luôn được xem là số 1 thế giới về chiến thuật, Maradona hiểu thêm thế nào là một đường chuyền quyết định toàn cục. Chính những điều quá quan trọng này đã giúp Maradona sau đó gần như một mình kéo cả đội tuyển Argentina lên ngôi vô địch World Cup 1986 và vào chung kết World Cup 1990. Sau khi đến Napoli, Maradona không còn là một ngôi sao đơn thuần nữa. Anh đã trở thành một thủ lĩnh, cực kỳ xuất sắc trong việc dìu dắt đồng đội. Còn trước đó? Maradona thậm chí không có quyền ăn nói, giữa những Daniel Passarella, Mario Kempes, Ossie Ardiles, Alberto Tarantini, Ramon Diaz...
Sự tương đồng giữa xã hội Naples với xuất thân của Maradona cũng là chi tiết đáng bàn, giúp anh hòa nhập rất nhanh tại Napoli. Có hơi thô thiển, khi sách báo thậm chí phim ảnh nhắc mãi cái chuyện Maradona chào đời trong một khu vực nghèo nàn ở Argentina - kiểu ca ngợi “con nhà nghèo học giỏi”. Vấn đề ở đây là những quan niệm, tinh thần, cách sống, hơn là chuyện giàu nghèo.
Cái suy nghĩ “luôn sẵn sàng trốn thuế nhưng không bao giờ ăn cắp của hàng xóm” mới là điều quan trọng. Maradona hòa đồng và dễ dàng chia sẻ suy nghĩ của người dân Naples, về sự thua thiệt mà họ đương nhiên phải chịu, do bị chèn ép bởi các cộng đồng thượng lưu, sang trọng ở miền bắc Italia. Trong bóng đá cũng như trong đời sống thường nhất.
Cả thành phố Naples hân hoan chào đón Maradona, nhưng hầu như không ai thắc mắc về giá chuyển nhượng cụ thể, không quan tâm tìm hiểu đội bóng làm ăn thế nào, lấy đâu ra tiền để mua lại “đấng cứu thế” từ một Barcelona giàu mạnh. Đấy mới là chỗ cốt lõi. Kỳ thực, họ “đến với nhau” trong niềm hạnh phúc, hơn là kết hợp với nhau để chinh phục. Các danh hiệu lớn của Napoli chỉ đến vài năm sau đó, một cách hết sức tự nhiên.
Không thể thắng tình yêu đất nước của CĐV Italia Chưa mua xong, Napoli vẫn sớm đăng ký Maradona 7,5. Sân nhà San Paolo của Napoli hiện có sức chứa gần 55.000 chỗ. Nhưng hồi Diego Maradona ra mắt Napoli năm 1984, có đến hơn 7,5 vạn CĐV trên các khán đài, ngước mắt xem chiếc trực thăng chở Maradona đáp xuống vòng tròn giữa sân. |
XEM THÊM
'Bất chấp dịch Covid-19, Messi có thể tới Inter Milan vào cuối năm nay'