Tờ Gazzetta dello Sport số ra ngày 22/3 điểm lại 1 thập kỷ hàng công Milan. Thật sốc khi suốt 10 năm, Milan chỉ có một chân sút đóng góp đáng kể là Zlatan Ibrahimovic. Nếu không tính mùa này, trong hơn 2 mùa giải khoác áo đội bóng đỏ-đen, Ibra ghi được 60 bàn trên mọi mặt trận, bỏ xa các hậu bối. Carlos Bacca và Giacomo Bonaventura đứng thứ hai chỉ ghi được 34 bàn. Lần lượt xếp sau đó là Balotelli (33 bàn), Robinho (32), Cutrone (27), El Shaarawy (27), Pazzini (24), Suso (24) và Pato (22).
Milan đã mở đầu 1 thập kỷ một cách tuyệt hảo, với Scudetto trong mùa bóng 2010/11. Đó cũng là mùa giải họ có hàng công mạnh nhất xét trong 10 năm. Ibra, Pato và Robinho mỗi người ghi 14 bàn ở Serie A, đóng góp đáng kể vào thành công chung. Điều đó được duy trì ở mùa giải 2011/12, khi Ibra “nã” tới 28 bàn vào lưới các đối thủ ở Serie A.
Sự ra đi của Ibra kéo theo sự mất dạng của hàng công Milan những năm sau đó. Stephan El Shaarawy, Giampaolo Pazzini, Mario Balotelli, Jeremy Menez, Carlos Bacca, Patrick Cutrone cứ nổi lên một mùa rồi mất hút. Thành tích của người sau kém hơn người trước. Đến mùa này thì hàng công Milan thật sự là thảm họa. Ante Rebic là Vua phá lưới cũng mới ghi 6 bàn cho Milan tại Serie A. Xếp thứ hai là một... hậu vệ trái: Theo Hernandez, ngôi sao trẻ nổi bật với 5 bàn thắng.
Không có tiền làm sao mua tiền đạo giỏi, đương nhiên điều đó đúng. Nhưng sự thiếu kiên nhẫn của các nhà hoạch định chiến lược cũng dẫn đến sự “thay máu” hàng công liên tục. Trước khi sang Sevilla, Suso quay lại phàn nàn: “Khi tôi ở Milan, họ thay 3 chủ tịch, nhiều HLV và cả tá cầu thủ. Sẽ chẳng làm được gì với cái cách như vậy”. Piatek cũng cùng nhận định khi nói về đội bóng cũ: “Milan có sở thích thay tiền đạo sau mỗi mùa”.
Có thể với trường hợp của chính Piatek, Menez hay Cutrone thì quyết định “thay máu” hàng công là đúng. Bởi đây không phải những chân sút thật sự đẳng cấp để lĩnh xướng hàng công. Họ rời Milan và cũng mất hút luôn, chứng tỏ là đội bóng đã làm đúng chứ không sai. Nhưng trong các thương vụ bán El Shaarawy, Balotelli và đặc biệt là Bacca, thì đó thật sự là thiếu kiên nhẫn.
Bacca ghi tổng cộng 34 bàn trong 2 mùa giải liên tiếp 2015/16 và 2016/17. Tuy nhiên, anh bị bán chỉ vì mâu thuẫn cá nhân với HLV Vicenzo Montella. Ông Montella sau đó cũng chẳng thể ở lại Milan mà bị sa thải thẳng thừng. Đó cũng là câu chuyện xảy ra với El Shaarawy, người mất chỗ đứng sau sự ra đi của HLV Max Allegri. Balotelli cũng thật sự là một Milanista và muốn gắn bó lâu dài. Nhưng Milan đã sớm bán Balotelli đi, vì cho rằng anh là người không thể đào tạo.
Quá trình sa sút của các tiền đạo Milan được dự báo sẽ còn kéo dài hơn nữa, để vượt qua mốc 10 năm “chết chóc”. Ibrahimovic đã tái sinh Rebic, nhưng nhiều khả năng sẽ rời Milan cuối mùa giải này. Còn lại một mình, Rebic sẽ làm được trò trống gì? Milan cũng khó mua các siêu tiền đạo với tình hình tài chính hiện giờ. Họ sẽ chỉ tìm vận may ở các tiền đạo trẻ.
Milan có thể bán Theo Hernandez 35. 10 năm qua, tiền đạo đắt giá nhất mà Milan chiêu mộ là Piatek, với 35 triệu euro từ Genoa. Xếp thứ hai là Bacca từ Sevilla (30 triệu euro) và thứ ba là Ibrahimovic từ Barcelona (24). |
XEM THÊM
Những cầu thủ tăng cân chóng mặt sau khi giải nghệ