Lịch thi đấu, Kết quả, BXH Serie A
Từ thời điểm đó, Dybala luôn ăn mừng bàn thắng bằng cách đặt bàn tay lên mặt, ngón cái và ngón trỏ chẻ rộng ra mô phỏng chiếc mặt nạ võ sĩ giác đấu. Chính xác là đã có 64 lần pha ăn mừng được thực hiện kể từ ngày đó, tính cả cú sút phạt penalty ở trận đấu kế tiếp. Lối ăn mừng đặc trưng khiến cổ động viên nhận ra Dybala, nhưng cậu khẳng định “đó không chỉ đơn thuần là ăn mừng mà là thông điệp được truyền tải”.
Phóng viên Sid Lowe của The Guardian có buổi phỏng vấn Dybala, gợi ý cho ngôi sao của Juventus trải lòng từ nguồn gốc Ba Lan của tổ tiên, ý định từ bỏ bóng đá và những quan tâm đến từ Tottenham Hotspur và Manchester United.
Số 10 của Juventus có lối nói chuyện từ tốn nhưng tuyệt nhiên không hề giả tạo hay lấp liếm. Sid Lowe cảm thấy thuyết phục rằng đằng sau cách ăn mừng có rất nhiều ý nghĩa, ít nhất là với cá nhân Dybala. Cậu khẳng định mình lấy cảm hứng từ cú sút trượt penalty năm đó và bộ phim Võ Sĩ Giác Đấu; chắc chắn nó không nhằm mục đích bảo hộ hay làm lá chắn che giấu cảm xúc.
“Có rất nhiều lần, chúng ta trải qua những thời điểm khó khăn. Chúng ta phải đứng lên và chiến đấu với nó. Không chỉ trong bóng đá mà trong cuộc sống này cũng vậy”.
“Trong bất kỳ thời điểm nào trong cuộc sống, những điều tồi tệ cũng có thể xảy đến với tôi cũng mọi người, nhưng điều chúng ta phải làm là tiến lên: đeo chiếc mặt nạ như võ sĩ giác đấu đã làm, chiến đấu. Tất cả trận chiến ở ngoài kia. Đó là ý niệm mà tôi muốn truyền đi. Mọi người đã thích và hiểu nó”.
Cuộc phỏng vấn chuyển hướng sang một làng quê bình yên ở Ba Lan, có kết nối mật thiết với Dybala nhưng anh chưa từng đặt chân đến.
“Tôi muốn đến xem nơi mọi thứ đã bắt đầu như thế nào”.
Nơi đó là Krasoniow, ngôi làng nhỏ ở Ba Lan với chỉ vỏn vẹn 49 cư dân (số liệu 2011), nơi ông nội Boleslaw của Paulo Dybala ra đời. Trong thế chiến thứ hai, ông bị đưa vào trại lao động của Đức Quốc Xã rồi về sau lưu lạc đến Argentina. Ông suýt chết khi ngủ trong một ruộng ngô cho đến khi có người phát hiện ra. Sinh thời, Boleslaw không nói nhiều về quá khứ, còn Paulo thì muốn biết rất nhiều.
“Tôi muốn đến đó, ngay cả khi không còn thân thích nào ở đó”.
“Có vài phóng viên từ Ba Lan cho biết tôi còn một người cô ở đó, nhưng cô cũng đã qua đời. Còn vài họ hàng ở Canada nữa. Tôi có nói chuyện qua điện thoại nhưng chưa từng tiếp xúc ngoài đời. Dĩ nhiên tôi trông đợi điều đó. Tôi muốn xin hộ chiếu Ba Lan nhưng không thể tìm ra các giấy tờ tùy thân của ông nội. Thay vào đó, tôi có hộ chiếu Italia từ mẹ.
Một ngày nào đó tôi sẽ cố gắng thử xin lại lần nữa. Tôi thấy mình giống người Ba Lan nhiều hơn người Italia. Tính cách của cha và anh kế tôi cũng vậy. Có lẽ chúng tôi đều có chút tính cách lạnh lùng của người Ba Lan. Ở Italy, người ta sống giàu cảm xúc hơn”.
Paulo sinh ra và lớn lên ở Laguna Larga, Cordoba, một thị trấn như bao thị trấn nhỏ khác ở Argentina, với hai trạm xăng, một trường học, một viện bảo tàng và một quảng trường. Ở con đường chính dẫn vào đây, nút giao thông tiếp giáp ba tỉnh Santa Fe, Buenos Aires và Cordoba, một bảng hiệu được người dân góp tiền gắn lên hồi 2017. Nội dung thể hiện dòng chữ “Đây là thị trấn của Paulo Dybala”. Đó là dấu hiệu của một vương quốc mà Dybala là người cai quản.
‘Cậu út Paulo của nhà Dybala’ bắt đầu chơi bóng ở Sportivo, ít lâu sau thì được mời đến Instutito de Cordoba, CLB lớn hơn và đang đá giải hạng Hai Argentina. Những ngày đầu tiên lúc nào cũng khó khăn. Cha Adolfo phải đưa rước anh trên quãng đường dài 150 km đi về mỗi ngày cho đến khi ông bị chẩn đoán mắc chứng u não năm Paulo 15 tuổi. Anh được Instituto gửi cho mượn về Newell để tiện việc chăm sóc cha trong những ngày cuối cùng.
“Tôi còn quá trẻ và thời điểm đó thực sự khó khăn. Mẹ tôi vô cùng đau khổ. Các anh trai cũng vậy. Tôi nhìn thấy nỗi đau hiện hữu nhưng vẫn phải tiếp tục sống. Tôi không phải người đầu tiên và chắc chắn cũng không phải người cuối cùng. Thật buồn vì nó là vòng quay của cuộc đời. Nhưng kể từ đó, trên trời cao sẽ có người luôn dõi theo và giúp đỡ chúng tôi”.
Nhưng bỏ lại gia đình trong không khí tang thương như thế là điều không dễ dàng.
“Tôi từng nghĩ: ‘Mình phải chấm dứt (sự nghiệp bóng đá) thôi’”.
“Chấm dứt nghĩa là không rời gia đình để quay lại Cordoba đá bóng. Tôi không muốn điều đó nữa. Tôi sẽ tiếp tục chơi bóng trong thị trấn này nhưng sẽ không theo đuổi giấc mơ (chuyên nghiệp) thêm một lần nào nữa”.
Điều gì khiến Dybala quay lại? Sự nghiệp bóng đá mang đến một mối bận tâm mới, một nơi trú ẩn cho tinh thần?
“Là gia đình. Nơi trú ẩn tốt nhất là gia đình. Khi Instutito gọi lên, tôi không hề có chút cảm giác muốn rời đi. Tôi quay lại vì bóng đá là đam mê còn gia đình muốn tôi theo đuổi đam mê. Nếu không có gia đình, tôi chỉ nghĩ đến bỏ cuộc”.
Dybala cũng đã không còn phải đi đi lại giữa Laguna Larga và trung tâm Cordoba nữa. Anh và đồng đội được bố trí sống trong nhà một cặp vợ chồng lớn tuổi gần sân vận động.
“Chúng tôi là nhóm 4 người ở trong 2 căn phòng. Họ lúc nào đối xử với chúng tôi như khách quý, từ những bữa ăn được chuẩn bị kỹ lưỡng và sự ấm áp lan tỏa trong gia đình. Nó rất khác biệt so với việc ngủ trong các căn phòng nằm dưới khán đài sân vận động” – Pablo Burzio, người ở cùng Dybala, nhớ lại.
“Nhưng dù điều kiện thế nào thì Paulo cũng sẵn sàng chấp nhận để hoàn thành giấc mơ và cũng là lời hứa với cha cậu ấy”.
‘Paulo Dyballa, 1993, số chín’. HLV Dario Franco của Instituto đã mắc sai sót khi điền tên anh vào đội một tham gia tập huấn trước mùa giải 2011/2012, nhiều hơn một ký tự ‘l’. Tháng tám 2011, mùa giải vừa bắt đầu thì HLV Franco gặp vấn đề về lực lượng. Bản hợp đồng đắt giá nhất bị treo giò, còn hai tiền đạo khác gặp chấn thương. Ông quay sang các tài năng trẻ đã gây ấn tượng với mình trong kỳ tập huấn, sử dụng cả ba tân binh Dybala, Burzio và Nicolas Lopez Macri ra sân từ đầu. Điều thú vị là tóc của ba anh chàng đều cắt rất sát, như vừa từ quân đội bước ra.
“Không phải trùng hợp đâu. Đó là nghi thức diễn ra trước mùa giải. Chúng tôi để cho mấy anh lớn trong đội cạo đấy. Lopez Macri từng để tóc ngắn trong thời gian dài nên không vấn đề gì, còn tôi và Dybala thì hơi khó coi. Phong cách của cậu ấy trước giờ luôn là một mái tóc dài. Lúc đó nhìn chúng tôi chẳng khác gì vừa trốn trại vậy”.
Dybala chơi tới 71 phút trong chiến thắng 2-0 của Instituto trước Huracan, nhận thẻ vàng đánh dấu trận đấu chuyên nghiệp đầu tiên. Mùa giải 2011/2012 cũng là lúc bóng đá Argentina hướng sự chú ý vào giải hạng Nhì vì sự góp mặt của River Plate. Biểu tượng bóng đá Nam Mỹ rớt hạng lần đầu tiên trong lịch sử. Nhưng tất cả đều bị lu mờ vì màn ra mắt ấn tượng của Dybala, ghi 17 bàn, vượt qua kỷ lục của Mario Kempes lập nên cách đó 39 năm, bao gồm 2 hat-trick.
Tài năng của anh được thừa nhận. Một tổ chức đầu tư đến tiếp cận Instituto và mua được Dybala với giá 3 triệu euro. Ít lâu sau, họ bán lại anh cho Palermo với giá gần gấp 3 lần. Tuy nhiên, những trải nghiệm đầu tiên ở châu Âu không mấy tích cực, cũng là bài học vỡ lòng cho anh trên con đường chuyên nghiệp: Palermo rớt hạng.
“Nhưng tôi vẫn cảm thấy hạnh phúc. Từ giải hạng Nhì Argentina đế Serie A là bước chuyển rất lớn. Tôi cảm thấy hoàn toàn được thuyết phục. Gia đình cũng chuyển đến và cuộc phiêu lưu ở Palermo mới bắt đầu. Năm đầu tiên không mấy thuận lợi. Mọi thứ đều mới mẻ. Thực tế mà nói thì phòng thay đồ rất khó chịu. Một đội hình lớn tuổi hơn (Instituto) trở thành gánh nặng khi mọi thứ diễn ra không như ý muốn.
Chúng tôi cố gắng xoay sở nhưng kết quả vẫn thảm hại. Tôi chỉ là cậu bé, tới lúc đó mới thấy được nhiều điều. Giờ thì tôi thấy biết ơn vì trải nghiệm đó trở thành trải nghiệm đắt giá về sau. Mọi thứ hoàn toàn đối lập với ‘luôn luôn chiến thắng’ ở Juventus hiện tại. Mùa giải thứ hai với Palermo khá hơn nhiều. Chúng tôi vô địch Serie B. Với cá nhân tôi thì nó rất ổn”.
Khi Dybala đến Palermo, chủ tịch Maurizio Zamparini hồ hởi tuyên bố đã giật được ‘Aguero mới’ ngay trước mũi Paris Saint Germain, Inter Milan và Chelsea. ‘Aguero mới’ chỉ là một trong số những lời khen (và kỳ vọng) dành cho Dybala, không thiếu người gọi anh là ‘Messi mới’, ‘Sivori mới’ hay ‘Tevez mới’.
“Nếu tôi tin điều đó, nó sẽ trở thành gánh nặng”.
“Tôi không hề muốn mình là ai đó mới cả. Tôi muốn mọi người nói về các bàn thắng, về cách tôi di chuyển, là của ‘Paulo Dybala’, không phải là bất kỳ ai khác. (Lionel) Messi, (Omar) Sivori, và (Sergio) Aguero đều đã giành được những thứ phi thường. Tôi muốn giành được những thứ của mình. Không phải của họ.
Có những người chỉ trích vì mức giá hơn 8 triệu euro cho cầu thủ mới 17 tuổi, phí chuyển nhượng cao nhất trong lịch sử đội bóng. Rồi tôi rời đi với giá 40 triệu euro. Điều đầu tiên người Turin hỏi tôi cũng là về mức phí chuyển nhượng. Anh nghĩ xem cái giá lúc này là bao nhiêu…”
Mọi thứ diễn ra quá nhanh với Dybala. Anh rời khỏi nhà khi còn là cậu nhóc 14 tuổi, quay về năm 15, và lại lên đường lần nữa khi 16. Lên 17, Dybala ra mắt bóng đá chuyên nghiệp. Đến 18 thì chuyển đến Italy. Năm 19, rớt xuống Serie B, rồi giành vé thăng hạng năm 20 tuổi. Năm 21 tuổi, Dybala gia nhập Juventus. Tuy vậy, đội tuyển quốc gia vẫn là một mục tiêu khó khăn. Anh thừa nhận những điều đã làm được “vẫn chưa đủ”, rằng phong độ ở CLB không được tái hiện trong máu áo đội tuyển và rất khó để giành một vị trí bên cạnh Messi.
Và đột nhiên, cả hai nói về tuổi 26 của Dybala.
“Thật điên rồ. Mới đây thôi có người nhắc tôi rằng đã chơi năm mùa giải với hơn 200 trận cho Juventus. Tôi nghĩ: ‘Nhưng tôi mới đến đây hôm qua thôi mà’. Nếu mọi thứ tiến triển thuận lợi, tôi còn khoảng 10 năm phía trước, nhưng mọi thứ đã diễn ra quá nhanh”.
4 chức vô địch Serie A, 3 cúp Quốc gia, một lần vào đến chung kết Champions League: thành công của Dybala bị xem nhẹ, hầu như không được thừa nhận.
Mùa giải trước lẽ ra là một bước ngoặt. Dybala kết thúc mùa giải chỉ với 10 bàn thắng, 5 trong số đó ở Serie A. Hiệu suất kém xa những mùa trước đó. Từ nước Anh, Tottenham Hotspur và Manchester United đã đến gõ cửa. Juvents cũng đồng ý cho một sự thay đổi.
“Tôi gần như đã chuyển đi. Ít nhất thì CLB cũng nghĩ vậy. Tôi biết đều đó. Tất cả đều chờ đợi”.
Sau cùng thì Dybala ở lại nhưng anh thừa nhận bị hấp dẫn bởi Premier League: “những sân vận động đầy ấp người” và “sự cuồng nhiệt”. Sân cỏ nước Anh có nhiều khoảng trống hơn, có lẽ sẽ phù hợp với Dybala. Anh gợi ý cho cơ hội khác đến trong tương lai gần.
“Tôi vẫn còn hai năm trong hợp đồng. Không ngắn và cũng không dài. Chúng ta cùng chờ xem kế hoạch của Juventus thế nào, liệu họ có muốn tôi lại ra đi hay sẽ giữ lại. Đó là quyết định của CLB. Thật khó để biết vì mỗi thứ thay đổi trong từng giây”.
“Nhưng ở đây, CLB vẫn đối xử rất tốt với tôi. (Maurizio) Sarri chuyển đến đã giúp ích cho tôi. Ông ấy muốn tôi ở lại. Nó tiếp thêm sức mạnh khi chúng ta đều không thể biết điều gì sắp xảy ra. Tôi tin chắc ông ấy có thể chỉ dẫn tôi phát huy những gì tốt nhất của bản thân”.
Hành động ý nghĩa hơn lời nói. Dybala đã ghi 11 bàn, kiến tạo 7, nhiều hơn thành tích của cả mùa trước. Anh đã có thứ ưa thích nhất: quả bóng.
“Không có nó, tôi cảm thấy rất chán chường. Nếu không được chạm bóng trong thời gian dài, tôi cảm thấy mình như lạc lối. Tôi sẽ đánh mất sự tập trung vào trận đấu. Tôi rất may vì đang là một phần của đội bóng đề cao kiểm soát, mọi người đều có kỹ thuật tốt, chơi dâng cao và rất nhiều cơ hội chạm bóng. Bạn sẽ không phải nghĩ rằng: ‘ta chỉ có một hay có lẽ là hai cơ hội mỗi trận, vì vậy phải thực hiện mọi thứ thật tốt’. Không. Bạn mất bóng thì phải giành bóng trở lại. (Miralem) Pjanic chạm bóng 120 lần mỗi trận.”
Mới cách buổi phỏng vấn một ngày, Dybala chạm bóng 97 lần. “Và hầu như tất cả đều ở trong phần sân đối thủ, có nghĩa là ít không gian hơn nhưng nhiều cơ hội hơn”.
“Ý tưởng của Sarri giúp ích cho tất cả cầu thủ. Một, hai chạm. Phối hợp. Luân chuyển bóng thật nhanh. Việc phòng ngự cũng được hệ thống hóa, không để lọt bất kỳ khoảng trống nào. Nhưng khi có bóng gần khung thành, chỉ cần một phần nghìn giây để suy nghĩ, mọi thứ phải hết sức uyển chuyển”.
“HLV của tôi ở Instituto cũng có ý tưởng giống như vậy. Vậy nên tôi đã được trang bị sẵn từ trước”.
Ở nơi Dybala trưởng thành, có một ý niệm bóng đá gọi là ‘fútbol de potrero’ hay ‘bóng đá đường phố’.
“Nó đã biến mất khá nhiều. Giờ rất khó để thấy những đứa trẻ chơi bóng trên những bãi đất trống lấy các hòn đá làm cột dọc. Bóng đá đã thay đổi. Công nghệ đưa những đứa trẻ đi khắp nơi. Chúng tôi đánh mất sự tinh ranh, những động tác ngẫu hứng và lắt léo. Mọi thứ đều phải mang tính cấu trúc, hoàn thiện. Có lẽ chúng ta đang dần mất đi những cầu thủ kiểu như vậy. Tôi hoàn toàn không hy vọng điều đó xảy ra”.
“Khi lớn tuổi hơn, bóng đá trở nên nghiêm túc hơn, chuyên nghiệp hơn. Bạn nhận ra một phần bóng đá nào đó trong bạn đã mất đi. Đôi khi HLV đối phương để cho bạn có khoảng trống. Với tiền đạo, đó là điều tuyệt vời nhất có thể xảy ra. Nhưng tôi luôn cố gắng chơi bóng như đã từng, với trái bóng trong chân”.
“Chúng ta không nên quên rằng đây là một trò chơi. Khi chúng ta còn nhỏ, chúng ta đã chơi vì niềm vui nó mang lại. Đó là khởi nguyên của bóng đá, là thứ thể hiện chúng ta là ai. Chúng ta đều có những đứa trẻ bên trọng mình và đừng bao giờ để nó mất đi”.
Và câu hỏi không thể tránh khỏi, liệu Dybala cảm thấy ai là người giỏi hơn giữa Cristiano Ronaldo và Messi?
“Tôi là cầu thủ duy nhất ở cùng phòng thay đồ với họ. Cái công chúng thấy chỉ là phần nhỏ trên tảng băng chứ không phải là hàng tấn khối công việc họ đã làm trước đó. Họ không giành tất cả chỉ vì họ may mắn”.
“Tôi biết mọi người đều muốn hỏi nhưng chắc họ đều biết điều tôi sẽ nói ra”
Nhưng coi nào, ai giỏi hơn? Dybala phóng tầm mắt về phía cửa sổ, nhìn về hướng dãy Alps.
“Tôi không thể trả lời” - rồi phá lên cười.
Dybala chia sẻ về mọi thứ với sự cởi mở và chân thành, nhưng khi cần đưa ra nhận xét, cậu trở nên điềm tĩnh hơn. Cuộc phỏng vấn chuyển hướng thành thảo luận các vấn đề mang tính thời sự như việc trái đất đang nói lên – “chúng ta phải thay đổi. Đây là nơi duy nhất chúng ta có để sinh sống” – về quyển sách đang đọc (Ngôn Ngữ Cơ Thể của Allan và Barbara Pease) và về sự chịu đựng – “chúng tôi là con người: mỗi ngày 10 bình luận tích cực nhưng cái duy nhất khiến chúng ta bận tâm là bình luận tiêu cực”...
XEM THÊM
Ashley Young và 10 cầu thủ người Anh từng 'công phá' Serie A
Vượt Mueller, Ronaldo vào top 5 cây săn bàn vĩ đại nhất lịch sử
Ronaldo bắt kịp kỳ tích của Trezeguet, tạo ra 1 nhưng giải quyết cả trăm vấn đề