Lịch thi đấu, Kết quả, BXH Serie A
Atalanta đã thắng Valencia 4-1 trong trận đấu hôm đó, tiền đề cho kỳ tích lần đầu góp mặt ở tứ kết Champions League. Nhưng thật đáng buồn, kỳ tích lại đi cùng dịch Covid-19, và ngẫu nhiên trở thành “trận đấu chết chóc” mà bản thân đội bóng này và người Italia không hề hay biết.
Do sân Atleti Azzurri d’Italia không đáp ứng được yêu cầu tổ chức của UEFA, Atalanta phải mượn sân San Siro của Milan để thi đấu ở Champions League. 4 vạn CĐV đã di chuyển từ Bergamo đến Milan (cách nhau khoảng 40 km) để chứng kiến trận đấu lịch sử của Atalanta.
“Không loại trừ khả năng, trận đấu này đã thúc đẩy quá trình lây lan Covid-19 tại Italia”, nhà nghiên cứu về miễn dịch Francesco Le Foche đặt vấn đề trên tờ Corriere dello Sport. “Một tháng đã qua kể từ sự kiện ấy và khoảng thời gian đó trùng khớp với diễn tiến phát triển dịch bệnh. Sự kiện thu hút đông người, đứng cách nhau chỉ vài centimet, ôm nhau la hét, những hành động thúc đẩy quá trình lây lan”.
Các chuyên gia cho rằng, rất đông CĐV Atalanta và Valencia đã mang mầm bệnh trong người, chưa phát bệnh hoặc đã có biểu hiện sốt nhẹ, nhưng vẫn đến cổ vũ trận đấu. Thời điểm đó, cũng khó trách các CĐV, khi nhà chức trách tại châu Âu chưa đưa ra cảnh báo cụ thể. Tuy nhiên, với việc 35% thành viên đội Valencia dương tính với Covid-19, trong đó có 3 cầu thủ là Ezequiel Garay, Jose Gaya và Eliaquim Mangala, thì đây được xem là giả thiết đáng tin cậy.
Rất may mắn, Atalanta chưa ghi nhận trường hợp cầu thủ nào dương tính với Covid-19. Nhưng thành phố Bergamo, thủ phủ của đội bóng, nơi các CĐV về nhà sau khi xem trận đấu, đã trở thành tâm dịch. 533 người chết ở Bergamo từ khi dịch bệnh bùng phát (số liệu đến hết ngày 21/3).
Riêng ngày 20/3, có 93 ca tử vong vì Covid-19. Người ta tính rằng cứ 6 phút lại có một cuộc gọi đến các công ty mai táng tại Bergamo. Hình ảnh dàn xe quân đội hộ tống 60 quan tài chở các thi thể ra khỏi thành phố trở thành nỗi ám ảnh với người dân Ý những ngày này.
Nhưng cũng không thể chỉ vì một trận bóng đá mà dịch bệnh bùng phát. Một phần nguyên nhân được cho là vì sự “gần gũi” trong quan hệ kinh tế giữa các xưởng may tại thành phố Prato (giáp Tuscany, miền Trung Italia) với người Trung Quốc. 100.000 công nhân may tại Prato (cả hợp pháp lẫn phi pháp) là dân di cư từ Vũ Hán (Trung Quốc). Để đến thành phố này, họ chỉ có một con đường là qua sân bay quốc tế tại Milan, sau đó di chuyển bằng đường bộ hoặc tàu hỏa tới Prato. Quá trình đi lại của những công nhân này cũng được xem là nguồn gốc lây lan dịch bệnh tại Ý.
Các chủ xưởng may tại miền Bắc và miền Trung Italia hầu hết giao thương với người Hoa. Thậm chí, rất nhiều xưởng thuộc về người Trung Quốc. Đây là phần liên quan chặt chẽ đến chính sách phát triển kinh tế và ngoại giao của Italia, nằm ngoài địa hạt bóng đá đơn thuần.
Dẫu thế nào, nhà nghiên cứu Le Foche cũng đánh giá cao phản ứng của các nhà làm bóng đá ở Italia và châu Âu khi có dịch bệnh. Serie A là giải đấu đầu tiên thuộc 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu quyết định hoãn, còn UEFA ngay lập tức yêu cầu trận lượt về vòng 1/8 Champions League giữa Valencia và Atalanta phải đá trên sân không khán giả. “Nó là quyết định thể hiện sự chung tay phòng chống đại dịch của bóng đá với toàn xã hội”, ông Le Foche kết luận.
Ilicic tặng bóng cho bệnh viện ở 4 - Ngay sau trận đấu với Atalanta, 4 CĐV của Valencia đã dương tính với Covid-19 và lập tức bị cách ly, sau khi trở về Tây Ban Nha. |
XEM THÊM
Sao Juventus phá lệnh phong tỏa ở Italia để về thăm mẹ ốm nặng