Bóng Đá Plus trên MXH

Bùi Tiến Dũng: Áo rách, cây luồng, ngôi sao băng đến đấu trường World Cup
20:15 ngày 11/07/2018
Moscow, quảng trường đỏ, bán kết World Cup 2018, thủ môn Bùi Tiến Dũng đang ở đó trong một niềm phấn chấn đến tột cùng.
    Anh sẽ được mặc áo đẹp, được bắt tay với siêu sao hàng đầu thế giới, có thể của Anh, cũng có thể là Croatia. Sao cũng được. Vì với Tiến Dũng, có nằm mơ nhiều lần tuổi còn thơ, anh cũng chẳng dám nghĩ mình có cơ may như vậy. Bởi khi ấy, anh vẫn còn mặc áo rách, nghĩ từng bữa ăn, thậm chí là tay tứa máu kéo cây luồng từ trên đồi cao để có tiền đóng học… 

    Tiền nợ nhiều lắm 
    Tôi vẫn nhớ như in những gì mà bố mẹ, ba chị em tôi đã cùng nhau trải qua trong những ngày khốn khó. Cả nhà chỉ có hai cái chăn mà phải chia nhau dùng. Quần áo chúng tôi mặc lúc nào cũng rách rưới. Hồi bé, tôi, Dụng - em tôi toàn mặc đồ rách thôi. Bố mẹ quanh nằm chỉ làm nông, lên nương rẫy. Có những hôm bố mẹ phải đi từ sáng sớm để kiếm ăn. Cả nhà chỉ còn 3 chị em tự lo cơm nước. Nhà không có tiền, chị em tôi chỉ còn biết cách tìm kiếm đồ gì ăn được quanh vườn, hoặc ra nương, ra rạch để tìm con cua, con cá. 

    Tôi lớn lên một chút, bố quyết định làm chủ thầu mía. Để có thể đi lại, bố vay tiền mua lại chiếc xe máy của một chú trong làng. Thời đấy, chiếc xe máy đấy có giá 24 triệu. 10 năm sau, nhà tôi mới trả hết số tiền vay để mu axe máy đấy. Nhưng công việc của bố tôi không suôn sẻ. Mọi thứ đều phải vay tiền để trang trải cuộc sống. Xây nhà xong cũng nợ. Mỗi lần tôi và Dụng đi về lại nghe thấy tiếng khách đến đòi những khoản nợ mà nhà tôi đã vay. Kể cả là Tết, vẫn có người kéo đến đòi tiền. Tôi biết, gia đình đã nợ rất nhiều. Như tôi đã nói, có những khoản nợ mà 10 năm, nhà tôi mới có thể trả hết. 


    Ba chị em tôi ngồi tính trộm với nhau. Số tiền nợ của gia đình vào khoảng 300 triệu. Với nhà quê chúng tôi, để trả một số tiền ấy cũng thật viển vông. Vì tất cả chi phí, không trừ một cái gì hết, bố mẹ tôi làm cả năm cũng chỉ khoảng 30 đến 45 triệu. Từ ăn uống, đi học, bố mẹ tôi không còn giữ được để trả nợ nữa. Thậm chí đến Tết, bố mẹ còn phải đi vay tiền để sắm tết cho ba chị em. 

    Năm 2013, tôi và Dụng thấy nhà người ta sắm nhiều đồ lắm. Họ còn treo cả bóng nháy trên cành đào. Lúc đấy, hai anh em tôi chỉ mong ước nhà có một dàn bóng nháy như thế. Nhưng nhà làm gì có tiền để sắm. Cả nhà cả cửa chỉ gói vỏn vẹn trong 200.000 đồng. Mẹ phải ra tiệm may, may nợ quần áo cho ba chị em tôi. Còn 200.000 kia, nào là mua thịt lợn, nào là mua bánh kẹo. Mọi thứ đều phải tằn tiện, phải chia nhỏ ra để có được một cái Tết. 

    Tôi nhớ lúc còn nhỏ, cũng chẳng nhớ rõ là khoảng thời gian nào nữa, chỉ biết trời đã về đêm. Tôi chỉ nhắm mắt để đấy. Tai tôi nghe rõ tiếng bố mẹ nói chuyện. Nhiều lúc còn gắt với nhau vì tiền nong, về chi phí hàng ngày rồi công việc chủ thầu múa không được suôn sẻ của bố. Có lúc mẹ còn nghĩ rằng phải thoát ly, phải tìm kiếm công việc nào đấy ở dưới xuôi. Mẹ tôi từng buôn bán sắt vụn, đi bốc mía thuê, làm tất cả công việc để có được tiền. 

    Vã mồ hôi, tay tứa máu vác cây lường kiếm tiền đóng học 
    Lúc tôi còn đi học, chưa tập bóng đá, nhà trường có thông báo đóng tiền xây dựng trường đầu năm. Nhà tôi không có tiền, dù số tiền cần đóng chỉ là 50.000 đồng thôi. Bố mẹ tôi phải đi vay hàng xóm, nhưng vay mãi mà chẳng ai cho mượn. Tôi còn nhớ như in khoảnh khắc ấy. Mẹ phải dậy sớm để chạy vạy ngược xuôi để vay tiền. Thế là tôi quyết định cầm con dao, lên đồi chặt cây luồng. Tôi chặt hai cây. Lúc đấy tôi còn khá nhỏ, kéo hai cây luồng từ đồi xuống vất vả vô cùng. Mồ hôi tôi nhễ nhại khắp người. Tay tứa máu. Tôi kéo vào quán, bán được hơn 50.000 đồng. Lúc đấy, tôi đã có tiền đóng cho nhà trường đầu năm. 

    Khi tôi bắt đầu đi đá bóng, tôi cũng hy vọng rằng biết đâu một ngày nào đó, anh em tôi sẽ trở thành cầu thủ chuyên nghiệp. Ước mơ của tôi chỉ đơn giản là kiếm đủ tiền để trả hết số nợ cho bố mẹ thôi. Tôi và Dụng từng nói rằng: “Anh em mình phải cùng nhau cố gắng. Làm thế nào đến năm 2016, chúng ta phải trả hết số nợ cho gia đình”. 


    Tôi bắt đầu tập luyện ở vị trí trung vệ. Rồi đến một ngày, đội vắng thủ môn. Thầy kêu tôi: “Dũng, xuống bắt gôn tạm hôm nay”. Tôi thực lòng khá là không thích. Nhưng thầy nói, tôi nghe. Rồi cứ dần dần, cảm giác cản phá được một trái bóng, được nghe tiếng vỗ tay tán thưởng làm tôi cũng dần thích vị trí này. Mà tôi cũng không có nhiều sự chọn lựa. Bởi tôi hiểu rằng, chỉ đá bóng mới giúp tôi trả được số nợ cho bố mẹ thôi. Một khi tôi xác định rằng mình phải phát triển bằng cái nghề này thì tôi hiểu rằng mình phải cố gắng rất nhiều, hơn các đồng đội, các đàn anh của mình xung quanh. 

    Nhờ Dụng hỏi xin các thầy ở PVF, rồi các thầy ở đó có lời giới thiệu, tôi được Thanh Hóa nhận. Khi tôi xuống Thanh Hóa tập, điều kiện của tôi không bằng được như người ta. Vì tôi là quân cho mượn mà. 5 giờ sáng, tôi dậy trước mọi người. Các bạn dậy muộn hơn, đi ăn sáng rồi đi học. Còn tôi không đi học. Tôi tập luyện. 9 giờ sáng, tôi lại ra tập tiếp. Đến buổi chiều, tôi được tập cùng với đội. 


    Mùa hè nóng, các bạn trong đội có quạt để thổi mát. Còn tôi, tôi không có tiền để mua quạt. Tôi nằm nóng. Các bạn không đắp chăn bông. Họ cất vào tủ. Tôi xin họ mượn chăn làm đệm để mình ngủ tạm. Tôi nhiều lúc tự hỏi mình rằng: “Dũng ơi, sao mày khổ thế, trớ trêu thế này”. Tôi khóc, tủi thân lắm. Tôi có lúc muốn bỏ tất cả để về nhà. Nhưng tôi hiểu rằng bây giờ về nhà, tôi sẽ chẳng còn con đường nào khác để chọn lựa nữa. Tôi không phải người thông minh trong học hành. Mà đã như thế thì làm sao thoát nghèo được. Chỉ có bóng đá mới giúp được tôi. Nghĩ thế, tôi lại đứng dậy đánh răng, vươn vai vài cái rồi tự động viên mình sáng mai dậy, rồi ra sân tập luyện cho sớm.

    Cứ ròng rã hơn 1 năm trời như thế, các thầy ở Thanh Hóa thấy tôi có chút tố chất. Họ xin chế độ cho tôi. Lúc đấy, tôi mới có tiền ăn sáng, mới có chế độ ăn cùng mọi người trong đội. 

    Ngôi sao băng  
    Dụng được gọi lên đội U19 Việt Nam. Thằng em tôi thành công hơn tôi nhiều. Nó cùng các đội trẻ PVF dành nhiều danh hiệu lớn nhỏ cấp giải trẻ quốc gia. Được lên đội tuyển, tôi cũng mừng cho nó. Tôi mong mình thể hiện một giải đấu tốt để được gọi lên sát cánh cùng em trai nhưng tôi chỉ dám mơ ước thôi. 

    Lúc ở nhà, tôi hay ngước lên trời, tìm kiếm một niềm hy vọng. Ngôi sao băng bất chợt vụt qua. Tôi chỉ ước đúng một điều rằng sau này mình sẽ được gọi lên đội tuyển. Lúc nào tôi cũng chỉ ước đúng câu đấy thôi.


    Rồi đùng một cái vào mùa hè năm 2016, tôi có giấy gọi lên triệu tập U21 Việt Nam chuẩn bị cho giải giao hữu quốc tế. Các bạn bảo: “Dũng, mày được lên tuyển đấy”. Lúc đấy tôi không tin đâu. Tôi tự nhủ bản thân mình rằng: “Dũng, mày là quân cho mượn. Mà đội mình còn bị loại ngay từ vòng bảng giải U19 quốc gia thì làm sao mà có cửa”. Thế rồi sau đó các thầy thông báo chính thức, tôi mới vỡ òa. Sao băng, cuối cùng điều ước đã là thật! 

    Cảm ơn, bóng đá 
    Mọi thứ thay đổi mà tôi có ước cũng chẳng dám nghĩ đến. U23 châu Á đã đem đến quá nhiều những điều tốt đẹp cho tôi và gia đình. Anh em tôi trả được hết nợ cho gia đình. Ngày trước, nhà tôi không có tủ lạnh, tivi nội địa thì xem chán lắm. Nhưng bây giờ, nhà tôi có tivi đẹp, có tủ lạnh to và nhất là có máy giặt cho mẹ đỡ phải giặt tay, có máy mát xa cho bố nữa. Bố mẹ tôi không ngờ rằng có thể được như thế. Ngày trước quá khó khăn. Còn bây giờ, so với thời trước, quá là sung sướng rồi. 


    Số tiền có được, tôi và Dụng đã làm cho bố mẹ một cuốn sổ tiết kiệm. Hai anh em tôi cũng cố gắng tập cho mình kinh doanh nhỏ để có thêm thu nhập ngoài bóng đá. 

    U23 châu Á, bóng đá thay đổi cuộc đời của anh em tôi, của gia đình tôi. Nhưng tôi biết rằng khó khăn vẫn còn chờ mình ở trước mắt. 
    Hương Trà • 20:15 ngày 11/07/2018

    Bài viết hay? Ấn để tương tác

    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Đăng nhập
    hoặc

    Email:

    Mật khẩu:

    Quên mật khẩu?


    Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay