Bóng Đá Plus trên MXH

Chuyện đằng sau cánh cửa phòng bác sỹ U22 Việt Nam
09:20 ngày 27/02/2019
1019 - Đó là số phòng mà hai bác sỹ Nguyễn Đình Đức và Trần Huy Thọ của U22 Việt Nam ở tại khách sạn Phnom Penh. Suốt 9 ngày diễn ra giải đấu, căn phòng ấy gần như không có thời gian nào ngơi nghỉ...
    Khởi đầu ngày bận rộn 
    Nhiệm vụ của bác sỹ tại một đội tuyển bóng đá là gì? Chắc hẳn sẽ nhiều người vội vàng trả lời là điều trị chấn thương cho các tuyển thủ quốc gia. Điều đó tất nhiên là đúng nhưng chưa đủ. Bởi có ở cùng đội tuyển, sinh hoạt với đội tuyển và có cơ hội tuyệt vời là được ở ngay bên cạnh phòng 2 bác sỹ của U22 Việt Nam, tôi mới hiểu rõ được cụ thể nhiệm vụ của những vị bác sỹ không khoác lên mình chiếc áo blouse trắng. 

    6h30 sáng thường ngày, tiếng nhạc rộn ràng từ chiếc laptop tựa cạnh tường phát lên. Hai bác sỹ Huy Thọ và Đình Đức đã ngồi trước cửa phòng, với một chiếc cân điện tử ở cạnh bên. Trong nửa tiếng đồng hồ trước khi đội tập thể dục, họ lần lượt chờ các cầu thủ đến cân rồi ghi chép một cách cẩn thận vào bảng thống kê trên máy tính. Điều đó nhằm mục đích theo dõi xem các cầu thủ có bị xuống cân đột ngột, lên cân bất thường hay không nhằm có biện pháp điều chỉnh khối lượng tập luyện và ăn uống sao cho phù hợp. 

    Giờ ăn sáng, bên cánh tay trái của bác sỹ Nguyễn Đình Đức luôn là một chiếc lọ cỡ lớn với vitamin C tổng hợp. Họ đưa tận tay cho các cầu thủ trẻ, dặn dò kỹ lưỡng việc uống đúng giờ giấc. Khách sạn Phnom Penh phục vụ các bữa ăn theo hình thức tự chọn (buffet), nhưng không phải món ăn nào cầu thủ cũng vô tư lựa chọn. Bác sỹ Trần Huy Thọ luôn đi một vòng xung quanh để khuyên các cầu thủ tránh một số món ăn trước giờ thi đấu, trong đó đặc biệt là mít - loại hoa quả có thể gây đầy bụng, khó tiêu.  


    Tất bật với những bệnh binh 
    Tại giải U22 Đông Nam Á 2019, U22 Việt Nam thường xuyên thi đấu giữa trời nắng nóng trên nền cỏ nhân tạo vốn rải rất nhiều cao su. Lẽ tất nhiên, nhiều cầu thủ như Thanh Hậu, Anh Tỷ, Văn Đạt… bị rộp chân. Không những thế, sau những trận đấu là những ca chấn thương diễn ra liên tục. Từ Danh Trung, Hoàng Nam, Tiến Dụng… danh sách bệnh binh cứ lần lượt thay nhau đến phòng bác sỹ. 

    Những buổi nói chuyện sau bữa ăn là thời điểm mà HLV Quốc Tuấn rất quan tâm đến tiến trình hồi phục chấn thương của các học trò, để ông có sách lược phù hợp về nhân sự cho trận đấu kế tiếp. Và khi ấy, sự tư vấn cùng báo cáo tình hình chấn thương từ bác sỹ Huy Thọ đóng một vai trò quan trọng trong buổi họp ngắn trước trận. 

    Ngày ngày, cứ từ 20h00 đến 22h00, căn phòng 1019 lại tấp nập người ra kẻ vào. Đôi tay của hai bác sỹ Huy Thọ, Đình Đức cùng với thêm phụ tá Tuệ Đăng hoạt động liên tục, từ mát xa, siêu âm cho đến băng bó. Những cuộn chân, băng tay, thuốc men… cứ ngày một vơi dần trong căn phòng ấy. Nhưng may mắn thay, những ca chấn thương cũng ngày một bình phục trước khi U22 Việt Nam bước vào trận đấu cuối cùng. 

    Nửa ngày trước mỗi trận đấu, tôi lại thấy hai bác sỹ hì hụi bóc từng chai nước, pha từng chai vitamin C, protein, C4… (những loại nằm trong danh mục được cho phép sử dụng) để giúp các cầu thủ vững vàng hơn trước những đối thủ của giải đấu. 

    Vậy đấy, vai trò của các bác sỹ tại đội tuyển bóng đá không đơn thuần chỉ dừng lại ở việc chữa chấn thương cho các cầu thủ. 
    TRÍ CÔNG (từ Phnom Penh, Campuchia) • 09:20 ngày 27/02/2019

    Bài viết hay? Ấn để tương tác

    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Đăng nhập
    hoặc

    Email:

    Mật khẩu:

    Quên mật khẩu?


    Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay