Phòng thay đồ mô phỏng của ông Troussier
Phong cách huấn luyện của Philippe Troussier tiếp tục có chất riêng đậm nét, nếu chúng ta khám phá sâu hơn nữa về cách ông triển khai một buổi rèn quân. Ngay cả ở giai đoạn đầu buổi tập mà nhiều người hiểu nhầm rằng U23 Việt Nam tập muộn, tức là không xuất hiện trên sân như thường thấy trước đó thì vốn dĩ, họ cũng đang rèn luyện theo quan điểm huấn luyện của Troussier.
Ví dụ như trong buổi tập diễn ra tối ngày 1/3, theo lịch tập luyện được thông báo trước đó, U23 Việt Nam sẽ tập vào lúc 20h00. Nhưng phải tới khoảng 20h40, các cầu thủ mới ra sân tập. Nhiều quan điểm cho rằng đội đã tập muộn 40 phút. Nhưng thực tế, trong suốt 40 phút đó, giai đoạn tập luyện của Troussier với U23 Việt Nam đã bắt đầu.
Phan Tuấn Tài, hậu vệ của U23 Việt Nam nói đó là làm nóng cơ thể. Nhưng hiểu một cách chi tiết hơn, ông Troussier muốn tạo cho cầu thủ cảm giác một buổi tập luyện cũng giống hệt như thi đấu. Hiểu đơn giản hơn, khi buổi tập bắt đầu vào lúc 20h00, cầu thủ sẽ từ phòng xuống nhận đồ tập. Đây là một điểm mới khi ông Troussier quyết định quản lý thiết bị tập luyện chung thay vì giao riêng biệt. Các cầu thủ sẽ làm nóng hoặc tập một số bài sức mạnh nhằm phòng tránh chấn thương. Cầu thủ nào cần bác sỹ hỗ trợ mát-xa, cuốn băng cổ chân,… thì sẽ vào phòng y tế. Ai muốn uống trà, ăn nhẹ thì tranh thủ dùng bữa. Tất cả sẽ có mặt ở một nơi mà ông Troussier gọi là “phòng thay đồ”.
Điều này tương đồng như một trận đấu bóng đá. Các cầu thủ cũng phải đến sớm, có mặt trong phòng thay đồ và thực hiện những khâu tương tự, trước khi ra sân khởi động theo quy định về thời gian của BTC. Sau cùng, đội mới ra sân thi đấu như cách mà người hâm mộ theo dõi trên truyền hình. HLV Troussier coi những buổi tập như một trận đấu thực thụ. Và cách mà ông tổ chức công đoạn tập luyện cũng diễn ra theo từng bước tuần tự như thế.
Yêu cầu đối với các thủ môn, cầu thủ trong xử lý bóng
Phan Tuấn Tài hay Nguyễn Văn Tùng, những học trò cũ từ thời U18 Việt Nam của HLV Philippe Troussier đều cho biết người thầy của mình khắt khe, nghiêm khắc và thậm chí là nóng nảy trong tập luyện. Bởi ông muốn các cầu thủ thực hiện đúng từng động tác mà mình hướng dẫn. “Never, never, never” (không bao giờ), HLV Troussier hét lớn khi các cầu thủ vô tình chuyền dài cho đồng đội. Ông yêu cầu họ phải thực hiện những tình huống chuyền bóng sệt thay vì động tác chuyền bổng như vậy.
Như Văn Tùng tâm sự, Troussier hướng tới lối đá ban bật nhỏ, kiểm soát bóng. Và yêu cầu từ những đường chuyền cũng là khởi đầu cho cách chơi mà ông xây dựng. Cũng trong bài tập phối hợp nhóm, HLV Philippe Troussier đã chỉ định các học trò phải di chuyển liên tục để tạo ra khoảng trống, từ đó có thể giúp các vệ tinh xung quanh tìm ra kẽ hở và tung ra những đường chuyền mang tính đột biến cao.
Bài đánh này từng xuất hiện trong giáo án của người tiền nhiệm là HLV Park Hang Seo, tuy nhiên dưới thời Phillipe Troussier, ông yêu cầu các cầu thủ phải chạy liên tục với cường độ cao.
Bên cạnh đó, thủ môn cũng tham gia bài tập phối hợp nhóm cùng toàn đội. Được biết, với lối chơi triển khai bóng từ phần sân nhà, HLV người Pháp đã yêu cầu các thủ môn phải sử dụng kĩ năng chơi chân thật tốt và tránh những tình huống xử lý quá nhiều chạm. Thậm chí, ông yêu cầu họ phải tư duy, quan sát thật nhanh và không để bóng trong chân quá 5 giây!