Sau Vua giải trẻ có Vua phá lưới giải trẻ
Năm 2015, “vua giải trẻ” Nguyễn Quang Hải - gạch nối giữa hai lứa cầu thủ 1995 - 1997 và 1997 – 1999 trở thành mảnh ghép cho đội U19 Việt Nam tiếp bước lứa đàn anh Công Phượng. HLV Hoàng Anh Tuấn đã dày công tuyển chọn, xây dựng lực lượng, thi đấu cọ xát để giúp các học trò của mình trưởng thành hơn theo thời gian.
Một năm sau đó, lực lượng U19 Việt Nam tham dự VCK U19 châu Á 2016 thiện chiến hơn hẳn. Trước khi đến Bahrain tham dự giải đấu, Quang Hải đã chơi 25 trận tại V.League cho Hà Nội FC. Tiến Linh ghi 2 bàn sau 15 trận ra sân cho B.Bình Dương ở giải đấu đấy. Đa số những gương mặt còn lại được cọ xát ở hệ thống giải U19, U21 Quốc gia hay tại hạng Nhất. Đó là nền tảng để U19 Việt Nam từng bước trưởng thành, trước khi có một kỳ U19 châu Á quá ấn tượng với tấm vé dự U20 World Cup 2017. Cột mốc ấy cũng là khởi đầu cho 5 năm vang dội
7 năm sau, U20 Việt Nam (tiền thân là U19 Việt Nam) tập hợp lứa cầu thủ sinh năm 2003 trở về sau. Những Quốc Việt, Thanh Nhàn, Văn Khang, Văn Trường, Đức Việt,… vẫn được phát hiện thông qua màn trình diễn tốt tại giải trẻ quốc gia từ cấp độ U17, U19 và U21. Trong đó, Quốc Việt cũng nổi lên như “Vua phá lưới giải trẻ” khi dẫn đầu danh sách ghi bàn từ giải U17 quốc gia, U19 Quốc gia cho đến U21.
Qua tay 5 người thầy và kinh nghiệm giải trẻ châu Á
Bên cạnh đó, kinh nghiệm thi đấu ở V.League của nhiều gương mặt trẻ trong đội hình U20 Việt Nam lúc này cũng có sự tương đồng, thậm chí còn nhỉnh hơn so với lứa đàn anh Quang Hải. Bùi Vĩ Hào đã thi đấu 24 trận qua 2 mùa giải V.League cho B.Bình Dương. Tương tự, Xuân Tiến, Văn Cường cũng được SLNA tạo điều kiện thi đấu ở V.League từ 19-20 trận.
Văn Khang, Văn Trường có thể chưa được Viettel và Hà Nội FC cho ra sân chơi ở V.League nhiều như thế nhưng bù lại, họ lại được cọ xát ở một đấu trường lớn mang tên VCK U23 châu Á 2022. HLV Gong Oh Kyun khi ấy chỉ mất 5 phút xem video để quyết định chọn Văn Khang, Văn Trường vào danh sách U23 Việt Nam sang Uzbekistan thi đấu. Thậm chí xuyên suốt hành trình vào đến tứ kết của giải, bộ đôi này còn chơi trên 200 phút, với Văn Khang thi đấu 3 trận còn Văn Trường được trao cơ hội ra sân cả 4 trận của U23 Việt Nam. Dấu ấn của giải trẻ U23 Việt Nam ấy giúp cho Văn Khang được HLV Park Hang Seo triệu tập lên ĐTQG, trong giai đoạn chuẩn bị cho AFF Cup 2022. Ngay ở lần đầu tiên ra sân thi đấu giao hữu cho ĐT Việt Nam, Văn Khang lập tức “nổ súng”, trong thắng lợi 4-0 trước Singapore.
Ngoài Gong Oh Kyun, Park Hang Seo, đa số các cầu thủ sinh năm 2003-2004 trong đội hình U20 Việt Nam cũng từng được đào tạo bởi chính HLV Philippe Troussier cách đây 3 năm, khi vị chiến lược gia người Pháp dẫn dắt U18 Việt Nam. Thêm vào đấy, xuyên suốt quãng thời gian tập trung, rèn luyện, thi đấu VCK U19 Đông Nam Á 2022 và vòng loại U20 châu Á 2023, dàn cầu thủ thuộc thế hệ 2003 - 2005 cũng đã được nhào nặn, rèn giũa bởi Đinh Thế Nam - HLV gạo cội về bóng đá trẻ tại Việt Nam.
Trên cơ sở được dẫn dắt bởi nhiều HLV giỏi về bóng đá trẻ, được tạo cơ hội ra sân thi đấu từ V.League đến các giải trẻ châu Á, lứa cầu thủ 2003 - 2005 đang có một xuất phát điểm về phát triển thậm chí còn tốt hơn cả thế hệ vàng Quang Hải, Văn Hậu, Tiến Linh. Đó sẽ là nền tảng để bóng đá Việt Nam không chỉ nghĩ về U20 World Cup 2023 trong ít ngày tới mà xa hơn là giấc mơ World Cup 2026 tại Mỹ, Mexico!