Áp lực đỉnh cao
Năm 2018, bóng đá Việt Nam trải qua hết thành công này đến đỉnh cao khác, từ Đông Nam Á cho tới đấu trường châu lục. Điều đó thật sự là tự hào. Những gì mà lứa cầu thủ Quang Hải, Công Phượng, Văn Đức đã làm mang đến rất nhiều kỳ vọng cho người hâm mộ bóng đá Việt Nam. Dẫu vậy như một lẽ tất nhiên, thành công của thế hệ trước luôn là áp lực cho những đàn em phía sau họ. Bản thân chính lứa cầu thủ sinh năm 1997 như Tiến Dũng, Đức Chinh, Quang Hải… từng phải trải qua cảm giác như thế trước sự rực sáng của lứa U19 Việt Nam gồm Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường thuở nào.
U22 Việt Nam là đội kế tiếp sau ĐT Việt Nam tham dự một giải đấu trong năm 2018. Và khi ĐTQG được dẫn dắt bởi HLV Park Hang Seo vào đến tận vòng tứ kết của Asian Cup 2019 thì rõ ràng áp lực thành tích đặt lên vai HLV Nguyễn Quốc Tuấn với đội tuyển mà nòng cốt là 15-16 cầu thủ ở độ tuổi mười chín, đôi mươi tại giải U22 Đông Nam Á là không hề nhỏ.
U22 Việt Nam không thể có một lực lượng ưng ý khi bước vào giải U22 Đông Nam Á 2019
Khó khăn nối tiếp khó khăn. Lực lượng mà U22 Việt Nam có thể mang sang Campuchia tham dự giải đấu lại không phải là tập hợp của những cái tên mà HLV Nguyễn Quốc Tuấn đã kỳ vọng. Thậm chí nếu so sánh nhân tố của U22 Việt Nam ở thời điểm trước và sau Tết Nguyên Đán, những cầu thủ như Thanh Bình, Mạnh Dũng rồi cả Tấn Sinh, Bá Sang… đều đã không thể góp mặt vì chấn thương cũng như bị CLB chủ quản giữ lại nhằm thi đấu tại V.League 2019.
Trong một sự chắp vá trên nhiều yếu tố, U22 Việt Nam thực tế chỉ được LĐBĐ Việt Nam giao chỉ tiêu vào đến vòng bán kết. Và với nỗ lực của mình, U22 Việt Nam đã hoàn thành được mục tiêu đề ra. Thậm chí Ban huấn luyện cũng đã rất kỳ vọng rằng U22 Việt Nam có thể đi đến trận đấu cuối cùng. Nhưng đáng tiếc thay, U22 Việt Nam lại không thể vượt qua một U22 Indonesia đầy khó chịu.
Hướng về tương lai
Thực tế, việc đưa nhiều cầu thủ sinh năm từ 1999 trở về sau là nhằm mục đích giúp họ tích luỹ thêm kinh nghiệm, chuẩn bị hành trang cho mục tiêu “săn vàng” tại môn bóng đá nam SEA Games được tổ chức ngay ở nước nhà sau đây 2 năm nữa. GĐKT Juergen Gede đã nhấn mạnh nhiều lần về 2 từ tương lai. Ông khẳng định: “Giải U22 Đông Nam Á là cơ hội để các cầu thủ chứng minh giá trị. Đó cũng là cơ sở để họ có thể được tuyển chọn cho các ĐTQG sau này, đặc biệt là ở đấu trường SEA Games 2021”.
HLV trưởng Nguyễn Quốc Tuấn chia sẻ: “Căn cứ vào lực lượng U22 Việt Nam, mục tiêu cho SEA Games 2021, LĐBĐ Việt Nam đặt chỉ tiêu cho đội là vào vòng bán kết. Và U22 Việt Nam đã làm được điều đó khi đứng đầu bảng A. Bản thân Ban huấn luyện chúng tôi cũng đặt thêm mục tiêu là vào đến trận chung kết nhưng rất tiếc là khi gặp U22 Indonesia sở hữu lực lượng hùng hậu và có sự chuẩn bị rất tốt, đội U22 Việt Nam đã không giành được thắng lợi, qua đó lỡ hẹn với trận tranh cúp vô địch”.
Một số cầu thủ cho thấy được tiềm năng và có thể phát triển thêm trong tương lai gần
Bên cạnh tương lai 2 năm nữa là SEA Games 2021, trước mắt, một số cầu thủ của U22 Việt Nam thi đấu nổi bật tại giải đấu trên đất Campuchia cũng sẽ có cơ hội được triệu tập lên đội U23 Việt Nam chuẩn bị cho vòng loại U23 châu Á 2020 vào cuối tháng 3 tới.
HLV Nguyễn Quốc Tuấn nhấn mạnh: “Sau giải đấu này, chúng tôi sẽ có những báo cáo lên Lãnh đạo LĐBĐ Việt Nam cũng như Ban huấn luyện U23 Việt Nam về từng vị trí, cầu thủ của U22 Việt Nam. Ban huấn luyện sẽ có những đánh giá và giới thiệu một số em lên Ban huấn luyện U23 Việt Nam”.
Rõ ràng, U22 Đông Nam Á là một bước đệm với nhiều cầu thủ U22 Việt Nam. Bởi một tương lai tươi sáng đang chờ đợi họ ở trước mắt sau sự cố gắng tại giải đấu lần này.