Bóng Đá Plus trên MXH

60 năm cúp C1/Champions League: Những gương mặt đáng nhớ không chỉ vì tên tuổi
09:18 ngày 12/09/2015
Cúp C1/Champions League luôn hấp dẫn không chỉ vì đấy là trận địa số 1 thế giới tầm CLB về đẳng cấp chuyên môn, năng lực tổ chức hoặc quy mô nhà nghề.
    Giải này càng hay bởi thi thoảng người ta vẫn được chứng kiến những chiến thắng kỳ lạ, hy hữu, cảm động, hoặc... đau đớn. Sau đây là các nhà vô địch sẽ được nhớ mãi, kể cả khi người ta không bàn về khía cạnh chuyên môn trên đường lên đỉnh vinh quang của họ.

    Celtic: Chỉ dùng “cây nhà lá vườn”
    Anh là nền bóng đá duy nhất có đến 5 nhà vô địch Cúp C1/Champions League. Nhưng đội bóng đầu tiên thuộc Vương quốc Anh đăng quang ở đấu trường này lại không phải là bất cứ đại diện nào của Anh. Đó là đội Celtic của Scotland. Nhưng đấy chưa phải là chi tiết đáng chú ý nhất.

    Nói rằng Celtic chỉ dùng “hàng nội”, e rằng chưa đủ. Trong toàn bộ danh sách 15 cầu thủ Celtic đoạt Cúp C1 mùa bóng 1966/67, có đến 14 người sinh trưởng trong vòng bán kính... 10 dặm quanh SVĐ Celtic Park. Bobby Lennox là cầu thủ có nơi sinh xa nhất - cũng chỉ cách Celtic Park 30 dặm! 


    Tuyệt đại đa số không có tên tuổi đáng kể. Tính chung cả sự nghiệp, chỉ có 2 cầu thủ trong lực lượng này (thủ quân Billy McNeill và Jimmy Johnstone) từng được khoác áo đội tuyển Scotland trên 20 lần. Đã không nổi tiếng, các cầu thủ Celtic lại chỉ may số vào quần (khi ấy, họ không dùng số áo), khiến giới quan sát và những người hâm mộ trung lập chẳng biết ai vào với ai!

    Mà Celtic thắng Inter, chứ đâu phải đùa. Đấy là Inter của các huyền thoại như Sandro Mazzola hoặc Giacinto Facchetti, từng đoạt Cúp C1 ở 2 trong 3 mùa bóng trước đó!

    Red Star Belgrade: Thắng rồi... giải tán
    Phân nửa đội hình Red Star Belgrade lập tức ra đi sau chức vô địch lịch sử vào năm 1991 (thắng Marseille bằng loạt sút luân lưu trong trận chung kết). Những người còn lại cũng chỉ nấn ná thêm đúng 1 năm. Red Star tan rã hoàn toàn vào năm 1992. Cũng chẳng bao giờ người ta gặp lại đội bóng nổi tiếng này nữa, từ khi Champions League ra đời.


    Chiến tranh làm tan nát cả một thế hệ vàng đáng gọi xuất sắc nhất trong lịch sử bóng đá Nam Tư (chứ không riêng gì Red Star). Dejan Savicevic chuyển sang Milan để rồi lại vô địch Champions League trong màu áo đội này. Darko Pancev thì sang Inter. Robert Prosinecki sau này trở thành một trong số ít ngôi sao từng đá cho cả Real Madrid lẫn Barcelona. Sinisa Mihajlovic trở thành ngôi sao của Serie A trong hơn chục năm, qua màu áo nhiều CLB lớn.

    Họ là người Macedonia, Montenegro, Croatia, Serbia. Họ là “anh em” hay “kẻ thù” với nhau, tùy suy nghĩ. Chỉ biết, dù là anh em đi nữa, người ta vẫn có thể chĩa súng vào nhau vì chiến tranh. Mà cuộc nội chiến ở Nam Tư cũ lại là cuộc chiến khốc liệt nhất tại châu Âu kể từ sau đệ nhị thế chiến. Khó mà hình dung: Red Star Belgrade còn có thể hùng cứ châu Âu đến mức độ nào nếu không có chiến tranh. Thế hệ của Prosinecki và Savicevic được nhớ đến bởi tài năng chuyên môn. Nhưng sự nuối tiếc cho họ, vì những chuyện ngoài chuyên môn, xem ra lại còn lớn hơn.

    Steaau Bucarest: Duckadam kỳ bí và chiến tích lịch sử
    Chỉ có hơn 100 “cổ động viên” theo chân Steaua Bucarest sang TBN dự trận chung kết Cúp C1 châu Âu 1986 với Barcelona. Khoảng 2/3 số đó là các nhân viên mật vụ đi để giám sát đội bóng, còn lại là các... quan chức Romania. Trong nội bộ đội bóng, người này có nhiệm vụ theo dõi người kia, khi về nước sẽ phải gửi báo cáo cho giới chức trách về thái độ và những câu nói của đồng đội. Đấy là hoàn cảnh kỳ lạ của Steaua trong thập niên 1980.



    Là đội bóng của quân đội, Steaua luôn được (hoặc bị) xem là kình địch của Dynamo Bucarest trong làng bóng Romania. Không phải nói thêm, Dynamo là đội bóng của ngành mật vụ. Khoan nói chuyện bị theo dõi sát sao khi ra nước ngoài thi đấu, họ còn bị đối thủ dễ dàng... nghe lén trong các cuộc họp chiến thuật trước mỗi trận derby. Nhưng bất chấp hoàn cảnh bất lợi, Steaua không chỉ thống trị bóng đá Romania. Họ còn trở thành CLB Đông Âu đầu tiên đoạt Cúp C1.

    Thắng Barcelona trong trận chung kết ngay tại TBN đã là hào hùng. Thủ môn Helmuth Duckadam lại còn đi vào lịch sử khi anh đỡ được toàn bộ 4 quả 11m, giúp Steaua thắng 2-0 trong loạt sút luân lưu. Bí ẩn ở chỗ, Duckadam bỗng nhiên... biến mất sau trận đấu xuất thần ấy.  Người ta đồn đoán: anh bị cảnh sát và chính quyền Ceausescu tra tấn đến hỏng bàn tay vì thái độ kiêu hãnh sau chiến công hiển hách. Nhiều năm sau, Duckadam mới xuất hiện trở lại, ở một đội bóng nhỏ. Anh nói mình bị một chứng bệnh làm hỏng tay, không thể tiếp tục bắt gôn sau trận chung kết Cúp C1 năm 1986!

    Manchester United: Đúng 10 năm sau...
    Tháng 2/1958, chiếc máy bay chở đội M.U trên đường trở về từ một trận tứ kết Cúp C1 với Red Star Belgrade gặp nạn sau khi được tiếp nhiên liệu ở Munich. Đấy là một trong những thảm họa nổi tiếng nhất trong lịch sử bóng đá đỉnh cao. 8 cầu thủ thiệt mạng. 2 cầu thủ khác không bao giờ chơi bóng được nữa. HLV Matt Busby bị khủng hoảng tinh thần sau nhiều tháng nằm viện. Thế là đội bóng cực kỳ xuất sắc, trẻ trung và đồng đều, nổi tiếng với biệt danh “Busby Babes” coi như tan vỡ.



    Vậy mà chỉ 10 năm sau, M.U đã trở thành CLB Anh đầu tiên đoạt Cúp C1. Cảm động đã đành, đấy còn là một bài học hay cả chuyên môn lẫn ý chí vươn lên. Được vợ động viên, Busby đã vượt qua stress để xây dựng lại một thế hệ xuất sắc khác cho M.U. 

    Kỳ này, thầy trò Busby còn tiến xa hơn thế hệ tuyệt vời của 10 năm trước. Bobby Charlton và Bill Foulkes là hai cầu thủ hiếm hoi còn sót lại từ tai nạn Munich 1958. George Best và Denis Law là hai cá nhân xuất chúng của thế hệ mới. Họ thắng 4-1 trước Benfica của Eusebio lừng danh thuở ấy (Benfica vào chung kết 5 lần, vô địch 2 lần trong giai đoạn 1961-1968).

    Nottingham Forest: Đẳng cấp là vĩnh cửu
    Để phản bác câu nói huyền thoại của Alex Ferguson, nhiều người thường chỉ vào Nottingham Forest: đẳng cấp gì mà chìm vào quên lãng, suốt hơn chục năm chưa ngóc đầu lên nổi! Thì đấy, ngài Alex càng có lý chứ sao. Forest chính là trường hợp tiêu biểu nhất nói lên thành công chói lòa, kỳ lạ của một đội bóng không đáng được đưa vào hàng ngũ có đẳng cấp cao. Dù sao đi nữa, đấy mới là chỗ đáng nhớ của đội này.

    Trước kỷ nguyên Champions League, Cúp C1 chỉ dành cho các đội bóng VĐQG. Trong suốt lịch sử, Forest chỉ vô địch Anh đúng 1 lần. Vậy mà họ lại có đến 2 chiếc Cúp C1. Mọi Real, Bayern, Milan... đều phải chào thua Forest về hiệu suất này. 



    Chuyện về Forest càng lạ ở chỗ: xuất phát điểm của họ chỉ là... giải hạng Nhì. Ở mùa bóng 1976/77, Forest thăng hạng. Ngay lập tức, họ đoạt chức vô địch Anh mùa bóng 1977/78. Rồi Forest đoạt Cúp C1 mùa bóng 1978/79, ngay trong lần đầu tham dự. Khi ấy, họ không giữ được danh hiệu trong nước, nhưng vẫn dự Cúp C1 năm sau nhờ tư cách ĐKVĐ, và họ lại chiến thắng.

    Đồng tác giả của câu chuyện “hoang đường” ấy là HLV Brian Clough và một vài ngôi sao trong làng bóng vương quốc Anh như Trevor Francis, Peter Shilton, Viv Anderson, Martin O’Neill, Archie Gemmill. Vâng, thật “hoang đường”. Forest chưa hề trở lại Premier League từ đầu thiên niên kỷ mới đến nay. Hồi năm 2004, Forest còn trở thành cựu vô địch châu Âu đầu tiên phải chơi bóng ở giải hạng Ba!


    Khương Duy • 09:18 ngày 12/09/2015

    Bài viết hay? Ấn để tương tác

    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Đăng nhập
    hoặc

    Email:

    Mật khẩu:

    Quên mật khẩu?


    Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay