Vốn dĩ, Champions League (hay C1 trước đây) là giải đấu “của những nhà vô địch” (Champions Cup, hoặc theo tên chính gốc bằng tiếng Pháp khi giải ra đời vào năm 1955 là Coupe des Clubs Champions Europeéns). Các đội VĐQG của những nước châu Âu sẽ thi đấu với nhau để xác định nhà vô địch châu Âu tầm CLB!
Thoạt nghe, rõ ràng là quá hấp dẫn. Đội đăng quang có thật sự thuyết phục với danh hiệu vô địch châu Âu tầm CLB hay không, thì đấy lại là tranh cãi muôn thuở. Bóng đá là môn thể thao mà đội chiến thắng không nhất thiết phải là đội chơi hay hơn. Đội vô địch không nhất thiết phải là đội mạnh nhất.
Ngày xưa, ở những nền bóng đá lớn như Ý, Anh, TBN, yếu tố quan trọng nhất để một CLB đoạt cúp C1 châu Âu (vâng, xin gọi tắt như thế về cúp vô địch châu Âu tầm CLB) không phải là việc đoạt cúp, mà là làm sao để được dự giải.
Suốt 20 năm (từ sau mùa bóng 1932/33 đến trước mùa bóng 1953/54), Real Madrid nào biết cảm giác VĐQG là gì. Barcelona, Atletico Madrid, Valencia, Sevilla mới là các đội mạnh nhất TBN thời ấy. Khi Real trở lại ngôi cao thì thật đúng lúc: cúp C1 ra đời. Chỉ có nhà VĐQG ở mỗi nước được dự cúp C1. Nhờ có tư cách ấy, Real dự giải và thẳng tiến đến ngôi vô địch châu Âu, mùa đầu tiên 1955/56, bằng cách lần lượt vượt qua Servette Geneve (Thụy Sĩ), Partizan Belgrade (Nam Tư), AC Milan (Ý), Reims (Pháp).
Đứng dưới cả Athletic Bilbao lẫn Barcelona ở La Liga trong mùa bóng 1955/56, nhưng Real tiếp tục được dự cúp C1 mùa bóng 1956/57 nhờ tư cách ĐKVĐ, và lại vô địch. Kiểu này thì khoan nói đến Real vốn đã nổi tiếng, ngay cả đội Nottingham Forest của Anh cũng liên tiếp đoạt cúp C1. Vừa được thăng hạng, Forest đã đoạt chức vô địch Anh mùa bóng 1977/78. Mùa sau, họ dự và đoạt cúp C1. Nhờ tư cách ĐKVĐ, Forest lại dự và đoạt cúp C1 ở mùa kế tiếp. Kỳ tích của Nottingham Forest: chỉ lên ngôi VĐQG 1 lần trong suốt lịch sử, nhưng có đến 2 lần đoạt cúp C1 tức là vô địch châu Âu!
Ý kiến khác: bóng đá là môn thể thao của những trớ trêu, kịch tính, bất ngờ… Nếu như Forest vô địch châu Âu nhiều gấp đôi số lần vô địch trong nước, còn Arsenal lại chưa bao giờ có cúp C1, thì như thế mới là bóng đá, là… cuộc đời! Dù sao đi nữa, cúp C1 cứ phát triển bền vững và được mặc nhiên thừa nhận là giải đấu hấp dẫn nhất thế giới tầm CLB. UEFA thay đổi, biến cúp này thành giải Champions League vào đầu thập niên 1990, mở rộng thành phần tham dự.
MU đã là CLB Anh đầu tiên đoạt cúp C1 hồi năm 1968. Nhưng đội này nổi tiếng hơn với “cú ăn 3” năm 1999, gồm cả danh hiệu vô địch châu Âu tức Champions League. Năm ấy, MU chính là đội đầu tiên vô địch châu Âu dù không phải ĐKVĐ, cũng không hề VĐQG trong mùa bóng trước đó. Cái sự trớ trêu ấy không làm giảm danh giá Champions League. Cho nên, khi UEFA lại cải tổ mạnh, thay đổi thể thức Champions League mùa này, hãy khoan chỉ trích hay ngờ vực mức độ thành công của giải.
Thay đổi kỳ này quá lớn, làm cho giai đoạn “league” rất khó theo dõi. Vâng, từ nay chỉ có “giai đoạn league”, không còn “vòng bảng” nữa, dù vẫn có 4 bảng, mỗi bảng 9 đội. Từ nay, bảng xếp hạng sẽ gồm cả 36 đội tham dự giai đoạn “league”, chứ không xếp hạng trong từng bảng nữa. Việc chọn đội đi tiếp cũng vậy. Vòng bảng chỉ để xác định mỗi đội sẽ đá với 8 đội nào, nhưng chỉ đá đúng 1 trận với từng đối thủ, chứ không hề là 2 lượt trên sân nhà, sân đối phương như trước.
Mỗi đội đá 8 trận – nhưng với những đối thủ khác nhau, rồi lại dùng “tổng kết quả” trước những đối thủ khác nhau ấy để xếp hạng trong một “league chung” gồm 36 đội, xem ai đi tiếp, ai bị loại! Không công bằng? Dĩ nhiên rồi. Nhưng nếu không có “hên, xui”, thì đâu còn là bóng đá nữa. Suy cho cùng, chỉ loại bớt 12/36 đội sau giai đoạn “league”, thì các CLB lớn tóm lại chẳng cần căng thẳng. Việc của họ là đá, theo bất cứ thể thức nào. Để bỏi túi bộn tiền, dĩ nhiên.
* Bài viết được xuất bản từ ngày 31/8