UEFA Champions League, đỉnh cao của bóng đá châu Âu cấp CLB, là chiếc cúp mà mọi cầu thủ đều muốn giành được. Không có gì đáng ngạc nhiên, nó cũng là mục tiêu số một với các chủ sở hữu và các nhà đầu tư, những người trả lương cho họ.
Như Richard Masters, GĐĐH của giải Ngoại hạng Anh, đã châm biếm tuần trước, ít nhất nước Anh "tự tin" sẽ có một nhà vô địch châu Âu sau khi Man United để thua trong loạt sút luân lưu đầy kịch tính trước Villareal của Tây Ban Nha trong trận chung kết Europa League, giải đấu hạng hai của UEFA.
Nhưng cuộc gặp thượng đỉnh của Man City và Chelsea lại kể một câu chuyện khác: những ông chủ giàu có đã giúp hai CLB tầm thường chen chân được vào một nhóm tinh hoa vốn dĩ chỉ dành cho những CLB giàu truyền thống bậc nhất châu Âu, với những trang sử hào hùng qua hàng chục năm thống trị.
Đây là lần thứ 5 kể từ khi Cúp C1 châu Âu được đổi tên vào mùa giải 1992/93, trận chung kết không có tên một trong bộ ngũ Real Madrid, AC Milan, Bayern Munich, Barcelona và Liverpool, những CLB giàu truyền thống nhất lục địa già.
Trận đấu giữa Man City và Chelsea là một sự tương phản mạnh mẽ với trận chung kết năm 2004, lần gần nhất bộ ngũ kể trên cũng không dự chung kết Champions League. 17 năm trước tại Gelsenkirchen (Đức), Monaco của Pháp đã thua Porto của Bồ Đào Nha 3 bàn không gỡ, đội bóng khi đó được dẫn dắt bởi José Mourinho. Kể từ đó, hai CLB này chưa bao giờ tái hiện được kỳ tích vào chung kết.
Nếu trận chung kết giữa Porto và Monaco là một câu chuyện cổ tích giữa đời thực, thì trận chung kết giữa Man City và Chelsea lại giàu tính hiện thực đến tàn khốc.
Cả Chelsea và Man City đều là những đội bóng bị đánh giá thấp ở Ngoại hạng Anh, cho đến khi các chủ sở hữu hiện tại đến và đầu tư số tiền chi ròng 1,6 tỉ bảng mua cầu thủ, lần lượt vào năm 2003 và 2008.
Ở trong nước, Man City đã vô địch Premier League 3 lần trong 4 mùa giải vừa qua, nâng tổng số lần vô địch lên con số 5 kể từ khi Sheikh Mansour tiếp quản, trong khi danh hiệu VĐQG gần nhất trong số 5 danh hiệu Chelsea có được dưới thời Abramovich đến vào năm 2017. Cả hai CLB đều có tham vọng gây dựng thành công ở đấu trường châu Âu, sau khi có thể nói là đã chinh phục thành công đấu trường quốc nội.
Trong khi nhiều đội bóng giàu truyền thống đang phải gánh những khoản nợ lớn và mất doanh thu do hậu quả của đại dịch Covid-19, mà theo các báo cáo tài chính đã làm thâm hụt 8,1 tỉ euro của các CLB hàng đầu châu Âu trong 2 mùa giải qua, thì Man City và Chelsea chẳng suy suyển gì và tiếp tục mạnh hơn lên.
Theo dữ liệu của Transfermarkt, Chelsea đã chi hơn 220 triệu bảng cho mua sắm cầu thủ trong mùa giải 2020/21, tương đương số tiền chuyển nhượng của Barcelona và Juventus cộng lại, còn với Man City là 150 triệu bảng. Tính số tiền thu chi chuyển nhượng mùa 2020/21 thì Chelsea là đội duy nhất âm hơn 100 triệu bảng, Man City bám sát gót với 97 triệu bảng. Ngược lại, con số đó của Borussia Monchengladbach, một CLB cũng chơi ở Champions League mùa này, chỉ là 12 triệu bảng - ít hơn khoảng 13 lần so với CLB miền bắc nước Anh.
Nhưng những bản hợp đồng đắt giá không phải là lý do duy nhất cho thành công trên sân cỏ. Việc đầu tư vào các học viện đào tạo đã đảm bảo rằng Chelsea và Man City sở hữu nhiều cầu thủ trẻ tài năng hơn so với đa số đối thủ. Phil Foden, 21 tuổi, tốt nghiệp học viện của City, đã ra sân trong cả 13 trận đấu ở Champions League mùa vừa qua, ghi 3 bàn và trị giá 72 triệu bảng, theo Transfermarkt. Trong khi Mason Mount của Chelsea, hơn Foden 1 tuổi, đã có được 2 bàn sau 11 trận và trị giá 67,5 triệu bảng.
Nhìn chung, những cầu thủ trẻ đầy tiềm năng này đã tác động rất tích cực đến thành tích của các CLB chủ quản và giữ cho đội bóng luôn trẻ trung. Với độ tuổi trung bình là 27, Man City và Chelsea trẻ hơn đáng kể so với Real Madrid, PSG và Juventus.
Man City và Chelsea cũng có giá trị đội hình trung bình cao hơn so với mặt bằng chung - khoảng 30 triệu bảng một cầu thủ. Ngược lại, PSG, nơi Kylian Mbappé không có đối thủ với giá trị 144 triệu bảng, lại có giá trị cầu thủ trung bình chỉ bằng một nửa con số đó - thấp hơn mọi CLB Anh góp mặt tại Champions League mùa vừa qua.
Nhìn rộng hơn, sự áp đảo tài chính không chỉ thể hiện ở hai cái tên Man City và Chelsea, mà còn thể hiện ở sự thống trị của Premier League. Trận đấu vừa qua mới là trận nội chiến lần thứ 3 giữa các CLB Anh ở chung kết Champions League. Trong khi hai trận chung kết toàn Anh trước đó - vào năm 2008 và 2019 - cách nhau hơn một thập kỷ, chỉ mất 2 năm để điều này được tái lập ở trận cầu đỉnh cao của bóng đá châu Âu.
Phân tích của Deloitte cho thấy trong số 15 đội hàng đầu châu Âu, trung bình các CLB Anh kiếm được nhiều doanh thu hơn các đối thủ ở 9 trong 16 mùa giải qua. Và sự thống trị của Premier League đang ngày càng rõ rệt hơn. Các CLB Anh có doanh thu cao hơn những đội bóng lớn khác ở châu Âu 6 trong 7 mùa giải qua, được củng cố bởi sức hấp dẫn toàn cầu của giải đấu và hàng tỷ bảng doanh thu phát sóng.
Kieran Maguire, một giảng viên về tài chính và kế toán bóng đá tại Đại học Liverpool cho biết:
Các CLB Anh, đặc biệt là những CLB có chủ sở hữu hào phóng sẵn sàng đầu tư vào bóng đá có lợi thế lớn so với các CLB châu Âu khác. Hợp đồng phát sóng của Premier League mang lại cho các CLB Anh tiềm lực quá lớn so với các quốc gia khác trong cuộc cạnh tranh các danh hiệu châu Âu.