Duckadam ở đâu, làm gì sau khi bất ngờ diễn vai “người hùng ở Seville” trong trận chung kết Cúp C1 châu Âu năm 1986? Với người hâm mộ bóng đá Romania, đấy mãi mãi là bí ẩn lớn, kể cả khi chính Duckadam lên tiếng giải thích, nhiều người cũng vẫn... không tin!
Sự biến mất của Duckadam sau kỷ lục vô tiền khoáng hậu
Thủ môn Helmuth Duckadam chưa bao giờ là một tượng đài trong bóng đá đỉnh cao, thậm chí gọi là ngôi sao cũng đã gượng ép, bởi anh chỉ có vỏn vẹn 2 lần khoác áo ĐT Romania. Gần như toàn bộ sự nghiệp bóng đá đỉnh cao của Duckadam chỉ gói gọn trong 80 trận đấu dưới màu áo CLB Steaua, tính chung trong mọi giải.
Không hề nổi tiếng, nhưng Duckadam lại đúng là trường hợp điển hình của câu “thà một phút huy hoàng rồi vụt tắt”. Anh đã đi vào huyền thoại, mãi mãi lưu danh trong sách Guinness bóng đá với kỷ lục không biết bao giờ mới có người phá nổi. Đấy là thủ môn đầu tiên chặn đứng mọi cú sút trong loạt đá luân lưu 11m của một trận đấu đỉnh cao - trận chung kết Cúp C1 1986.
Steaua Bucharest thắng Barcelona ngay trên đất Tây Ban Nha và trở thành CLB Đông Âu đầu tiên đăng quang ở đấu trường Cúp C1/Champions League. Cho đến nay, cũng chỉ có một CLB Đông Âu khác làm được điều đó là Red Star Belgrade vào năm 1991.
Ở trận đấu lịch sử ấy (hòa 0-0 sau 120 phút), Duckadam cản phá được cả 4 cú sút luân lưu của Jose Ramon Alexanko, Angel Pedraza, Pichi Alonso và Marcos. Marius Lacatus và Gavrila Balint sút thành công 2 trong 4 quả cho Steaua. Thế là đôi bên không cần sút quả luân lưu thứ 5. Steaua thắng 2-0 và đi vào lịch sử.
Vài năm sau chiến thắng đầy vinh quang ấy, Steaua Bucharest lại xuất hiện trong trận chung kết Cúp C1 lần nữa. Nhưng họ thua đậm 0-4 trước AC Milan của Ruud Gullit và Marco van Basten trong trận chung kết năm 1990, khi ấy, trong khung thành của Steaua không còn là Duckadam nữa.
Sau khi nhà lãnh đạo Nicolae Ceausescu bị lật đổ và hành quyết ở Romania vào năm 1989, hàng loạt chuyện “thâm cung bí sử” trong chế độ của ông mới được phơi bày. Và khi ấy, người ta mới biết Duckadam cùng đồng đội bị “quản thúc” chặt chẽ ra sao trong những chuyến thi đấu quốc tế.
Ở trận gặp Barca tại Seville, chính quyền Ceausescu chỉ “duyệt” cho 1.000 người theo chân Steaua, gồm 800 quan chức của chính quyền và 200 sĩ quan quân đội (Steaua Bucharest là đội bóng của quân đội). Chỉ cần các cầu thủ như Duckadam có suy nghĩ gì, nói gì tại một đất nước phương Tây là đủ để họ lọt vào “sổ đen” khi về nước.
Ngay trong đội bóng, và ngay trên sân, công việc theo dõi và báo cáo mọi hành vi của đồng đội được ngành công an giao cho Gheorghe Popescu. Và tất nhiên, còn có cơ man những vòng theo dõi khác ngoài Popescu, cũng như bản thân Popescu cũng bị theo dõi.
Thế nên, khi Duckadam đột ngột “biến mất”, chỉ vài tuần sau cú xuất thần ở trận chung kết Cúp C1, dân chúng chỉ biết đồn đoán: anh đã gặp chuyện trong chuyến thi đấu tại Seville. Anh đã làm một điều gì đó và phải chuốc lấy hậu quả khôn lường? Hay anh đã trốn khỏi đội, không về nước nữa, như 40 quan chức đã làm trong chuyến đi ấy?
Chấm dứt sự nghiệp đỉnh cao
Khi Duckadam tỏa sáng trong trận chung kết Cúp C1, rồi đột ngột biến mất, anh mới 27 tuổi - độ tuổi đẹp nhất trong sự nghiệp bóng đá đỉnh cao. Nếu như Duckadam quả đã trốn sang một nước nào đó, dứt khoát anh sẽ lại xuất hiện trên sân cỏ, như người đồng đội Miodrag Belodedici đã làm.
Còn nếu Duckadam vẫn ở Romania thì khi ấy, anh ở đâu, làm gì? Vì sao Steaua Bucharest hoàn toàn im lặng, không giải thích bất cứ điều gì về chuyện Duckadam “mất tích” sau trận chung kết Cúp C1? Thật ra, Duckadam vẫn chung vui với đồng đội trong tiệc mừng chiến thắng sau khi đoạt Cúp C1, và mọi tin đồn xuất phát từ đấy.
Sự thật được nhiều người kể lại: Duckadam đã có những lời lẽ đại khái là phần thưởng cho “Cầu thủ xuất sắc nhất” trận chung kết Cúp C1 (một chiếc ô tô) mà anh được hưởng vẫn chưa tương xứng với đóng góp vĩ đại của anh vào chiến thắng lịch sử ấy.
Duckadam đã phạm sai lầm quá lớn là tạo cảm giác ghen tị đối với khối quan chức trong chính quyền Ceausescu. Ghi nhận về Duckadam cho mật vụ Romania, được cộng hưởng bởi thái độ ganh ghét của các báo cáo viên, đã khiến anh chuốc họa vào thân.
Đã có rất nhiều tin đồn về hình phạt mà Duckadam phải nhận từ sự ngông nghênh của mình. Nặng thì đấy là những cuộc tra tấn, nhẹ thì ở mức đánh đập. Tóm lại, đôi tay từng làm cho Duckadam vang danh trong trận chung kết Cúp C1 năm 1986 và đi luôn vào sách Guinness bóng đá, đã bị phá hỏng. Chi tiết rõ ràng duy nhất: anh không bao giờ có thể chơi bóng đỉnh cao lần nữa. Vì sao lại như thế, thì đấy lại là điều bí ẩn.
"Căn bệnh bí ẩn" và đoạn kết bi thảm
Ngay sau khi chính quyền Ceausescu sụp đổ, thủ môn Duckadam xuất hiện trở lại. Anh phủ nhận mọi tin đồn về việc bị đánh đập hoặc tra tấn, và giải thích rằng anh vắng bóng trong suốt 3 năm vì chứng bệnh phình mạch, có nguy cơ dẫn đến tử vong, và phải phẫu thuật cánh tay.
Tất nhiên, mọi tin đồn đều chấm dứt sau khi chính miệng Duckadam nói rõ nguyên nhân vì sao anh vắng mặt trong suốt 3 năm. Nhưng người ta có tin những gì Duckadam nói ra hay không lại là chuyện khác. Nếu đấy là sự thật, thì hà cớ gì cả Duckadam lẫn Steaua Bucharest đều giấu nhẹm căn bệnh vốn chẳng có gì đáng xấu hổ?
Vì sao phải tạo ra một bí ẩn về sự vắng mặt trong suốt 3 năm của người hùng Duckadam? Không ai có thể trả lời. Bản thân Duckadam cũng chỉ giải thích một cách mơ hồ, và không cho biết thêm bất cứ chi tiết nào về căn bệnh mà anh kể lại. Chẳng hạn anh chữa bệnh ở đâu, chữa như thế nào, hoặc anh làm gì trong suốt 3 năm sau khi phẫu thuật.
Tuy dân chúng Romania căm phẫn gia đình Ceausescu nhưng họ không kết bất cứ tội danh nào cho người con trai Valentin Ceausescu, người chính là chủ tịch CLB Steaua và rất thân với các cầu thủ. Khi chế độ của Ceausescu sụp đổ và vợ chồng nhà lãnh đạo bị hành quyết thì các ngôi sao Steaua như Lacatus hoặc Balint đã che chở cho Nicolai. Phải chăng, Duckadam cũng chỉ muốn bảo vệ cho người bạn thân Nicolai trong biến cố chính trị tại Romania cuối năm 1989?
Không ai có thể trả lời, khi mà bản thân Duckadam cũng chỉ muốn giải thích qua loa một lần duy nhất về sự biến mất của mình, rồi vĩnh viễn khép lại câu chuyện kỳ lạ ấy. Sau khi xuất hiện trở lại vào năm 1989, Duckadam khoác áo một đội bóng nhỏ ở giải Hạng Nhì, rồi giải nghệ, sống trong cảnh nghèo đói ở một vùng quê. Có lúc, Duckadam không đủ tiền để lên Bucharest xem trận Rapid gặp Steaua ở Cúp UEFA.
Trong cảnh túng quẫn, Duckadam rút cuộc đã bán nốt đôi găng tay mà anh sử dụng trong trận chung kết Cúp C1 năm 1986, kiếm được vài ngàn euro. Lạ thay, đúng vào lúc cuộc sống trở nên cùng quẫn thì Duckadam... trúng vé số và được sắp xếp định cư tại Mỹ.
Gia đình anh chuyển đến thành phố Phoenix của bang Arizona. Nhưng vì không thể hòa nhập với cuộc sống ở Mỹ, Duckadam ly dị vợ và trở về Romania. Anh nhận lời làm chủ tịch Steaua Bucharest - CLB của doanh nhân George Becali. Một sự nghiệp bóng đá kỳ lạ, trong cuộc đời kỳ lạ của một con người cũng rất kỳ lạ.
Nhiều người hâm mộ không nhớ Duckadam. Thậm chí, đã có không ít bài báo nhầm lẫn Duckadam với Silviu Lung - thủ môn cùng thời với Duckadam, cũng từng khoác áo Steaua, nhưng có đến 77 lần khoác áo ĐTQG và mang băng thủ quân Romania tại World Cup 1990.
Trớ trêu ở chỗ, sinh nhật của Duckadam là đúng ngày “Cá tháng Tư” (anh sinh ngày 1/4/1959). Và tình cờ thay, cuộc đời của anh đã gắn với hàng loạt tin đồn bí ẩn ngay sau trận chung kết để đời ở Cúp C1. Chỉ biết chắc một điều: đúng là Duckadam bỗng nhiên biến mất một cách bí ẩn sau trận đấu lịch sử của cả nền bóng đá Romania.