1. Đầu mùa này, Jose Mourinho công khai kế hoạch mua Wayne Rooney, một hành động không thường lệ trong giới bóng đá. Rất ít khi một HLV trực tiếp đứng ra thừa nhận một mục tiêu cụ thể. Điều đó vi phạm nhiều nguyên tắc giao tiếp. Moyes đã mắng Mourinho không tiếc lời. Lần gần nhất Roberto Mancini làm thế với Samir Nasri, Wenger cũng đã mắng ông này.
Nhiều nhà phân tích tại Anh đồng tình: đó là một kế hoạch triệt hạ tinh thần của Man United. Ngay cả khi mua được hay không, nó cũng khiến tâm lý của Rooney xao động, có thể tạo ra bất ổn hậu trường ở Old Trafford. Sự nguy hiểm của M.U (khi đó còn được coi là đối thủ trực tiếp của Chelsea), sẽ giảm đi phần nào.
Thoạt nghe thì quan điểm đó rất logic. Nhưng cuối cùng thì trong giai đoạn lượt đi của Premier League mùa này, Rooney vẫn chơi rất hay: anh ghi bàn hoặc kiến tạo trong 10/13 trận ra sân từ đầu mùa cho Man United.
Dao động tâm lý, có dao động. Thậm chí là dao động mạnh. Nhưng đó lại là thành tích tốt nhất của Rooney trong 15 vòng đấu đầu tiên của Premier League trong 5 năm qua. Rất lạ là có vẻ như anh chơi hay hơn khi tâm lý dao động, và cái mốc “hợp đồng kỷ lục” hồi tháng 2 thật ra không hề cải thiện phong độ của Rooney nếu không muốn nói là ngược lại.
Phải chăng ở đây, có một hiệu ứng tâm lý ngược đã được tạo ra: khi tất cả đều biết rằng anh đang cân nhắc, thì chính là lúc anh phải chứng minh cái tư cách cầu thủ chuyên nghiệp của mình bằng nỗ lực cao nhất để bảo vệ hình ảnh của bản thân?
2. Một trong những nhân tố quan trọng nhất sẽ quyết định chiếc vé vào chung kết trong cặp đấu Chelsea-Atletico, ai cũng biết, chính là Diego Costa.
Diego Costa cũng đang được Chelsea hỏi mua. Cho đến tận buổi họp báo trước trận bán kết lượt về giữa Atletico, anh vẫn phải trả lời những câu chuyện liên quan đến việc đi-ở của mình.
Thoạt trông thì Diego Costa đang không có phong độ tốt nhất. Anh bỏ lỡ khá nhiều cơ hội trong thời gian qua và người ta có quyền liên hệ phong độ ấy với lời đề nghị của Chelsea.
Nhưng tại sao Diego Costa không thể là Wayne Rooney thứ hai, càng phân vân lại càng trở nên nguy hiểm?
Diego Costa có một đặc điểm rất nguy hiểm của những cầu thủ Nam Mỹ, đó là sự hoang dã. Anh trưởng thành trên những con phố, nơi mà theo lời Costa kể “lấy được quả bóng hoặc bị đánh đập”. Anh thú nhận rằng trong giai đoạn đầu của sự nghiệp, anh không quan tâm đối thủ là ai, “chỉ muốn giết chúng”. Anh không ngại những thẻ phạt – và có vẻ chẳng quan tâm đến lợi ích chung của đội mỗi lần định lao vào “giết đối phương”.
Điểm này thì hơi giống với Rooney, người cũng vì bị tước mất cơ hội chơi bóng mà có thể quay sang cáu gắt với cả Sir Alex Ferguson. Họ là những chàng trai chơi bóng cho riêng bản thân mình. Một thứ tinh thần bóng đá vị kỷ, chơi vì muốn thắng chứ không phải phục vụ cho ai.
3. Việc Diego Costa có thể bùng nổ, có thể chiến đấu (bằng tay?) với các cầu thủ Chelsea và kết liễu Chelsea khi mà chính Chelsea có thể là đích đến triển vọng nhất của anh, nghe không tuân theo lối tư duy thông thường.
Nhưng nếu Rooney đã có thể chơi hay hơn khi phân vân thì Costa cũng hoàn toàn có thể.
Bóng đá luôn chứa đựng những điều bất ngờ thú vị, và biết đâu đấy, Chelsea có thể đã tự hại bản thân khi đưa ra lời đề nghị mua Diego Costa vào giai đoạn nước sôi lửa bỏng này?