Nhắc đến Man City là nhắc đến tiền bạc. Sau Chelsea, họ chính là CLB biến câu châm biếm “Dùng tiền mua danh hiệu” trở thành thực tế vừa đáng nể, vừa đáng sợ.
Đáng nể nằm ở chỗ Man City không vung tiền vô tội vạ. Họ chỉ mất một hai năm đầu trước khi định hình triết lý và mua đúng người, đúng chỗ. Man City cũng từng bước xây dựng học viện đào tạo trẻ thuộc nhóm xuất sắc nhất Anh. Vấn đề nằm ở chỗ, Man City chưa bao giờ ngừng vung tiền. Tham vọng lớn nhất của họ không phải vô địch Champions League, mà là thống trị bóng đá Anh. Để làm điều đó, Man City luôn tìm cách làm mới đội hình sau mỗi mùa giải. Ngay cả khi vô địch với điểm số kỷ lục, họ cũng không đứng yên như Liverpool.
Tham vọng đó cộng thêm chính sách chuyển nhượng đúng đắn, Man City duy trì đội hình mạnh ổn định và luôn khao khát chiến thắng. Đây là chìa khóa giúp nửa xanh Manchester vô địch Premier League 4 trong 5 mùa giải gần nhất.
Đó cũng là điều tạo ra sự đáng sợ của Man City. Không có CLB nào tại châu Âu có thể sở hữu băng ghế dự bị bao gồm một loạt cầu thủ có giá từ 40 đến 100 triệu bảng như The Citizens. Sự kế thừa đồng đều mà Man City tạo ra khiến họ vượt trội phần còn lại, và trở thành tấm gương cho các CLB giàu có.
Không nói đâu xa, chính CLB hàng xóm của Man City là M.U lắm tiền nhưng không biết cách tiêu. Kể từ khi Sir Alex Ferguson nghỉ hưu, Quỷ đỏ đã đổ hơn 1 tỷ bảng vào thị trường nhưng không giành được danh hiệu Premier League nào. Họ thậm chí liên tục khủng hoảng và mất vé dự Champions League.
Hiện tại, một CLB tiêu tiền như nước khác là Chelsea cũng không tạo ra kết quả như mong đợi. Với kiểu mua sắm ồ ạt mà không phục vụ triết lý cụ thể nào, Chelsea rất dễ đi vào vết xe đổ của M.U, cho dù các cầu thủ họ mang về không hề tệ.
Ở hướng ngược lại, Leipzig là một trong những tấm gương hoàn hảo cho các CLB muốn làm kinh tế nhưng vẫn đảm bảo thành tích. Đầu tiên, không thể so sánh Leipzig với những CLB Bồ Đào Nha hay Hà Lan, bởi lẽ Bundesliga là giải đấu khó nhằn hơn nhiều. Để phát triển ngọc thô đồng thời bán ngôi sao mà vẫn trụ vững trong top 4 hàng năm như Leipzig không phải chuyện đơn giản.
Ví dụ kinh điển nhất trong chính sách mua bán của Leipzig diễn ra ở mùa hè năm 2021, khi họ bán cặp trung vệ Dayot Upamecano, Ibrahima Konaté và đưa về Josko Gvardiol với giá rẻ bằng một nửa. Sau 2 năm, giá trị của Gvardiol đã tăng gấp nhiều lần và chắc chắn trở thành một món hời khác của Leipzig.
Tất nhiên, cũng có những giai đoạn mà Leipzig khủng hoảng vì “bán tre” khi “măng” chưa kịp mọc, hoặc các tân binh giá rẻ của họ không đáp ứng được kỳ vọng. Dù vậy, Leipzig luôn vượt qua khó khăn nhanh chóng dựa vào nền tảng vững mạnh phía sau hậu trường. Đây vốn cũng là điều Man City tự hào.
Như vậy, vấn đề không phải bạn là CLB mua hay CLB bán cầu thủ. Vấn đề nằm ở chỗ các CLB phải định hình triết lý, kiên trì theo đuổi nó và đặt ra mục tiêu đúng tầm.