Bóng Đá Plus trên MXH

Những gã quý tộc béo phì ở Champions League  
15:20 ngày 09/03/2020
Real Madrid, Barcelona, PSG, Juventus… là ai?  À, đấy là khách quen của Champions League, những kẻ thống trị lâu dài giải đấu trong nước một cách dễ dàng, và có vé đi châu Âu đầy tự mãn như đặc quyền đặc lợi dành cho giai cấp quý tộc.  

    Bây giờ, nhiều người coi giai đoạn knock-out của Champions League mới là sự khởi đầu đích thực của mùa giải. Đó là khi mà bóng đá thực sự bắt đầu, sau màn khởi động õng ẹo, tẻ nhạt của vòng bảng một giải đấu được coi là vĩ đại nhất từng được thấy.  

    Vòng knock-out thứ hai sẽ hay hơn. Đương nhiên rồi, nó chính là giai đoạn tứ kết. Nhưng dựa trên bằng chứng ở loạt trận lượt đi, chúng ta thấy một hiện tượng khó giải thích, đó là sa sút của nhiều “ông lớn” trong đấu trường của 16 kẻ xuất sắc nhất châu Âu này.  

    Cho dù vẫn có những ngoại lệ. Đến đầu năm 2020, Liverpool vẫn rực rỡ. Man City, được thúc đẩy bởi sự phẫn nộ từ án phạt của UEFA, đã rất ấn tượng khi giành chiến thắng tại Bernabeu. Bayern Munich đã trở lại bản thể Đức mạnh mẽ khi đánh bại Chelsea 3-0 ngay tại Stamford Bridge.  

    Nhưng rất nhiều người khổng lồ khác đang ở giai đoạn chuyển tiếp. Khi thua Man City, Real Madrid trông như một sự pha trộn rời rạc giữa những kẻ đang háo hức leo đỉnh và những kẻ đã chán chường đang lê gót xuống chân núi. Hầu như không có ai thực sự ở đỉnh cao trong sự nghiệp của mình.  

    Trong sự phụ thuộc đầy ức chế vào Lionel Messi, Barcelona, đội đã giành được trận hòa 1-1 trước Napoli ở lượt đi, ngày càng giống với ngôi sao người Argentina. Sự thiếu hụt tương đối về chất lượng của cả Barca và Messi đã được thể hiện một lần nữa trong trận El Clasico vừa qua.  

    Cả Real và Barca đang suy thoái ở châu Âu dù vẫn thống trị La Liga

    Cả 2 ông lớn La Liga có thể lập luận rằng họ đang tái thiết lực lượng. Real Madrid đã từng sống nhờ phong độ của Cristiano Ronaldo, và vì vậy, họ cần một số sự thích nghi một khi anh ta ra đi.

    Barca được cho là đã đi chệch đường kể từ sau kỷ nguyên của Pep Guardiola, và bất kỳ ý thức về năng lực chiến lược nào cũng biến mất trong bối cảnh sự hoảng loạn xảy ra sau sự ra đi của Neymar.  

    Nhưng rõ ràng rằng, hai siêu CLB này đã có thể bắt tay giải quyết vấn đề của mình sớm hơn, tích cực hơn nếu họ không phải là ông lớn của La Liga, không bao giờ lo mất vé đi châu Âu vào tay các CLB trong nước khác. Hàng tiền vệ ọp ẹp và mỏi mệt của Barca vẫn cứ cày ải ở châu Âu suốt 3 mùa qua.  

    Juventus, bá chủ ở Serie A, đã tuyệt vọng khi không thua ở Lyon, đội đứng thứ năm ở Ligue 1. Các vấn đề của Juve hầu như hoàn toàn tự họ gây ra bởi họ luôn có cảm giác rằng thành công trong nước gần như có thể được coi là điều hiển nhiên.

    Chuyện họ thu hoạch 5 Scudetto, 4 Cúp quốc nội (và 2 trận chung kết Champions League) trong 5 năm có vẻ không hợp lý, nhưng đó là lý do HLV Max Allegri từ bỏ. Maurizio Sarri được mời về làm HLV nhưng dường như không ai hỏi làm thế nào để ông giúp Juventus vô địch Champions League cùng Ronaldo. Sarri nói liên tục về việc ông đang rất vất cả tìm cách khiến Juve chơi bóng nhanh, nhưng điều đó khó có thể gây bất ngờ khi trọng tâm của cuộc tấn công của Juve về cơ bản là tĩnh.  

    Paris Saint-Germain tuy là đại ca bất khả xâm phạm ở Ligue 1 nhưng ở châu Âu vẫn chỉ là một thằng nhóc thò lò mũi xanh. Ở vòng bảng, có đôi lúc dường như HLV Thomas Tuchel cuối cùng đã có được tiền vệ ông cần nhờ tân binh Idrissa Gueye nhưng sự trở lại của Neymar lại bôi đen chút tươi tắn đó.  

    Neymar rực rỡ với những kỹ thuật của thần, nhưng thái độ và phong cách hỗ trợ phòng ngự tồi tệ của anh ta khiến PSG mất đi một phần sức mạnh khi đối mặt với những tay rắn mặt. Borussia Dortmund, với lối tấn công trẻ trung và sôi động đã có thể đánh bại PSG với tỉ số sâu hơn, thay vì chỉ là 2-1.  

    Real, Barca, PSG, Juventus đều là 4 gã khổng lồ tại nước mình, đều thống trị lâu dài và lâm vào tình cảnh tự mãn. Họ đánh mất kế hoạch phát triển cơ bản, hoặc bị lôi kéo vào chủ nghĩa ngắn hạn của “nhiệm kỳ chủ tịch”, một lời nguyền của nền dân chủ trong thể thao, mê tín lý thuyết siêu sao sẽ mang lại thành công.

    PSG vô địch Ligue 1 thường xuyên đã thua trước một Dortmund hay về nhì tại Bundesliga

    Trên thực tế, sự thối nát của những gã quý tộc béo phì này đã bị lộ ra trước sự thành công gần đây của Liverpool và Man City, hai CLB vừa giàu có vừa thi đấu cực kỳ tốt (bất chấp Man City đang bị cáo buộc vi phạm luật Công bằng Tài chính của UEFA).  

    Bóng đá có thể tạo ta một tầng lớp tinh hoa, siêu giàu có, siêu quyền lực nhờ cơ chế phung phí tiền bạc bất bình đẳng của nó. Một khi các siêu CLB bắt đầu mua những cầu thủ có tiềm năng để phù hợp với kế hoạch dài hạn của một HLV tài năng, kết quả là mùa giải có nhà vô địch 100 điểm và một hệ thống bị phá vỡ.  

    Nhưng ngay cả Man City cũng không hoàn hảo trong mùa giải này, do không thể thay thế Vincent Kompany vào mùa Hè, điều khiến họ dễ bị tổn thương chỉ vì một chấn thương dài hạn của trung vệ Aymeric Laporte. Và Liverpool, dường như cũng bắt đầu tự mãn nên đã chậm lại trong hai tháng qua. Trong khi đó, Bayern vừa mất Robert Lewandowski được một tháng.  

    Điều này đôi khi vẫn xảy ra. Thỉnh thoảng, đám quý tộc sẽ sa sút trong một vài mùa giải, hoặc có khi chỉ vài tháng, mang đến cơ hội ngóc đầu cho tầng lớp bên dưới. Atletico Madrid, đội đánh bại Liverpool ở trận lượt đi, có thể làm những gì Chelsea đã làm vào năm 2012. Hoặc có lẽ Julian Nagelsmann, HLV của RB Leipzig, có thể sẽ trở thành Mourinho phiên bản bản hai như cùng Porto năm 2004.  

    Nhưng nếu có một chiến thắng bất ngờ kiểu như thế, nó sẽ không làm mất đi điểm cơ bản rằng giới thượng lưu vẫn chiếm ưu thế và vẫn tham lam vô cùng. Tuy nhiên, câu chuyện lãng mạn của Atalanta, đã đánh bại Valencia 4-1 ở trận lượt đi cũng đem đến sự mơ mộng diêm dúa.  

    Tuy nhiên, đây là một trong những điều trớ trêu làm nên bức tranh đại thể về bóng đá. Nó gần như là một sự kiểm tra và cân bằng tự nhiên, rằng không có gì có khả năng làm chệch hướng một bên khỏi sự thống trị hơn là sự tự mãn dường như được truyền cảm hứng từ sự thống trị.

    XEM THÊM

    UEFA tính sửa FFP nhưng không khoan hồng với Man City

    Pep Guardiola: Kẻ lập dị không thể bắt bài

    'Khi Sergio Ramos treo giày, người ta sẽ hiểu giá trị của cậu ấy'

    Kỳ Lâm • 15:20 ngày 09/03/2020

    Bài viết hay? Ấn để tương tác

    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Đăng nhập
    hoặc

    Email:

    Mật khẩu:

    Quên mật khẩu?


    Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay