Các CLB La Liga đã xuất hiện 30 lần trong tổng số 84 suất bán kết Champions League ở thế kỷ này, trong khi đó Premier League góp mặt 22 lần. Nhưng cả 2 nền bóng đá này đều đã bị quét sạch ở vòng tứ kết. Liệu đây có phải là lúc thích hợp để bắt đầu viết cáo phó cho hiện tượng này.
Mọi người đều biết rằng, những cuộc tranh cãi về sức mạnh của giải đấu này so với giải đấu khác sau một vài kết quả thường diễn ra dễ dàng và thú vị như thế nào. Điều khiến Champions League trở nên thú vị là các vòng đấu loại trực tiếp, nhất là với thể thức chỉ có 1 trận như mùa giải này, càng khiến cuộc cãi vã thêm ỏm tỏi.
Đã có rất nhiều trận đấu trong vài tuần qua đã được quyết định bởi những khoảnh khắc có thể diễn ra theo cả hai cách. Liverpool đã bị Atletico Madrid đánh bại trong trận lượt về vòng 16 đội tại Anfield bởi thủ môn Adrian đã biếu một bàn thắng quan trọng mà đội chủ nhà không kịp sửa chữa.
Atalanta đã dẫn trước PSG 1-0 ở phút 89 của trận tứ kết trước khi sự kháng cự của họ bị phá vỡ. Nếu cú sút của Tyler Adams không đi chệch khỏi chân Stefan Savic, RB Leipzig có lẽ đã không đánh bại Atletico. Và nếu Raheem Sterling ghi bàn thắng ở cự ly gần đó vào lưới Lyon, ai biết điều gì sẽ xảy ra trong hiệp phụ.
Do đó, chỉ có những hoàn cảnh khác nhau một chút đã có thể tạo ra một loạt các đội lọt vào bán kết khác nhau. Cũng giống như chiến thắng nổi tiếng của Tottenham trước Man City, giúp họ lọt vào đến chung kết Champions League mùa trước, cũng dựa trên rất nhiều tình tiết ngẫu nhiên.
Quả phạt đền ở lượt đi của Sergio Aguero, bàn thắng ở trận lượt về của Fernando Llorente trong khi Raheem Sterling ghi bàn nhưng không được công nhận. Trong trận đấu với Ajax, cú sút của Hakim Ziyech chạm cột dọc khi tỷ số là 2-2 và Lisandro Magallan trượt chân để Dele Alli hạ gục Ajax.
Spurs là một trong những đội có vé đá chung kết Champions League may mắn nhất những năm gần đây. Không ai tranh cãi vào tháng 5 năm ngoái rằng sự kết hợp này đã khiến họ trở thành một trong hai đội xuất sắc nhất châu Âu.
Vì vậy, bây giờ không phải là thời điểm thích hợp để tuyên bố về “cái chết kỳ lạ” của Premier League, hay sức mạnh mới của Ligue 1, hoặc sự thống trị của trục Pháp - Đức đối với cuộc “chiến tranh châu Âu” trong thập kỷ tới?
Tất cả nhà báo chuyên viết về bóng đá, ở một mức độ nào đó, đều dựa vào các xu hướng và mô hình đảo ngược: - cái này nổi lên, cái kia chìm xuống - để dự đoán những cú nảy ngẫu nhiên của trái bóng. Nhưng ít nhất, cũng nên cởi mở về những gì chúng ta đang làm.
Tuy nhiên, theo dõi Champions League trong vài tuần qua, cảm giác như thể chúng ta đang bước vào một giai đoạn mới của lịch sử hiện đại của giải đấu. Chúng ta có thể gọi đó là giai đoạn thứ hai của kỷ nguyên Siêu CLB, khi nhóm dẫn đầu bắt đầu tách biệt giữa phe “ngồi mát ăn bát vàng” và phe “cố gắng chòi mâm son”.
Kể từ giữa thập kỷ trước, câu chuyện số một trong bóng đá châu Âu là một số ít các CLB khư khư nắm giữ vị trí bá chủ ở các giải đấu quốc nội của họ. Họ đã tích lũy tất cả tiền bạc, quyền lực, những cầu thủ xuất sắc nhất, những HLV giỏi nhất, sự chú ý của công chúng và cả những danh hiệu của bản thân.
Champions League là hệ quả nội tại của điều này, vừa là dấu hiệu của sự thống trị của họ vừa là nguyên nhân dẫn đến sự tiếp tục của nó. Đó là những gì đã xảy ra với bóng đá châu Âu trong 15 năm qua. Đó là lý do tại sao các lượt đấu cuối cùng của Champions League lại được dự đoán đúng từ trước đó rất lâu.
Và nó giải thích tại sao vòng loại trực tiếp Champions League trong vài năm gần đây thường có cảm giác như hình ảnh của những con ngựa giống nhau đi vòng tròn trên băng chuyền hết lần này đến lần khác.
Bayern Munich đã vào đến bán kết Champions League 7 lần trong 9 năm qua. Real Madrid, dù vắng mặt trong 2 năm qua, đã vào tới 8 trận bán kết liên tiếp từ năm 2011 đến 2018, giành 4 chức vô địch, trong đó có 3 lần liên tiếp. Đây là điều mà chưa ai làm được kể từ giữa những năm 1970.
Barcelona đã có 6 trận bán kết liên tiếp từ năm 2008 đến 2013, Man United vào 4 lần trong 5 năm (2007-2011), Chelsea vào 5 lần trong 6 năm (2004- 2009). Không có gì ngạc nhiên khi Champions League từ mọt cuộc phiêu lưu kỳ thú, nhiều bất ngờ đã biến biến thành một vở opera dài kỳ với dàn nhân vật cốt cán.
Vậy, điều gì đã thay đổi trong năm nay?
Rõ ràng, chúng ta vẫn đang ở trong thời đại của Siêu CLB. Đúng, Lyon và RB Leipzig đã làm rất tốt để vào bán kết, tận dụng tối đa cơ hội của mình, nhưng giống như bất kỳ đội nào vượt qua các vòng loại trực tiếp, họ cũng có may mắn về phía mình.
Và với việc Lyon đứng thứ 7 tại Pháp, kém PSG 28 điểm, và Leipzig đứng thứ 3 tại Đức, kém Bayern 16 điểm, sẽ là một bất ngờ nếu chúng ta lại gặp 2 đội này ở bán kết Champions League mùa tới. Họ nhiều khả năng đi theo con đường của Tottenham nhiều hơn.
Đây vẫn là một cuộc cạnh tranh tinh hoa nhất, cho dù 2 đội vào chung kết là một Bayern đã vào chung kết 6 lần kể từ mùa 1998/99 đến nay và một PSG mới có trận chung kết đầu tiên.
Tất nhiên, mô hình của họ không hoàn toàn giống nhau. Bayern là siêu CLB theo kiểu truyền thống, với sức nặng của lịch sử đằng sau họ, một thỏi nam châm thu hút các nguồn tài trợ mạnh mẽ ở địa phương và trong nước, và là một đội bóng xứng đáng là tấm gương của bóng đá Đức.
Nguồn gốc của sự giàu có của PSG rõ ràng hoàn toàn khác. Họ được thành lập vào năm 1970 và được Qatar mua lại vào năm 2011, đội bóng này trong 9 năm qua đã chi tiêu mạnh tay hơn trên thị trường chuyển nhượng so với Abu Dhabi tại Manchester City.
Ba năm trước, họ ký hợp đồng với Neymar với giá 198 triệu bảng và Kylian Mbappe trong một hợp đồng trị giá 165 triệu bảng, những khoản đầu tư chỉ mang lại lợi ích thực sự trong tuần này, cụ thể với trận chung kết Champions League đầu đời.
Điều liên kết giữa 2 CLB là sự thống trị không lành mạnh tại nền bóng đá nước họ. PSG đã giành được 7 chức vô địch Ligue 1 trong 8 năm qua, và Bayern vô địch Bundesliga 8 lần trong 8 mùa giải gần nhất.
Dù chúng có thể rút ra kết luận nào về sức mạnh của các giải đấu này thông qua 2 đại diện của 2 giải đấu trong trận chung kết, thì hãy nhớ rằng, sức mạnh của siêu CLB đó không đồng nghĩa với sức khoẻ của giải đấu chứa chấp các siêu CLB.
Tuy nhiên, theo dõi Champions League trong vài năm qua, có cảm giác như thể một số siêu CLB cũ chắc chắn đã bắt đầu phân rã. Ví dụ như việc Real Madrid hay Barcelona không thể lọt vào vòng bán kết.
Càng ngày, có cảm giác rằng, chính các siêu CLB bị phân chia thành 2 nhóm năng động và lười biếng, trong đó có những CLB đang tích cực tiến hoá để trở thành đội bóng hay nhất, và những CLB đang lười biếng gặm nhấm vinh quang quá khứ.
Làm thế nào khác để chúng ta có thể giải thích sự sụp đổ đáng kể của một số CLB lớn nhất châu Âu trong vài năm qua? Tươi mới nhất, không có câu chuyện nào gây chấn động bằng thất bại 2-8 của Barcelona trước Bayern ở tứ kết Champions League.
Khi Philippe Coutinho, một cầu thủ mà Barcelona đã trả cho Liverpool 142 triệu bảng vào tháng 1/2018, ghi 2 bàn thắng cuối cùng vào lưới Barca, toàn bộ mọi thứ đều cảm thấy trở nên thảm khốc và gây khó chịu như thể chúng ta đang xâm nhập vào bi kịch riêng tư của một gia đình khác.
Nhưng chúng ta đều nhận thấy rằng, sự sỉ nhục này dành cho Barcelona là kết quả của sự quản lý vĩ mô yếu kém trong nhiều năm. Kể từ mùa Hè năm 2014, kỳ chuyển nhượng thành công cuối cùng của Barca, họ đã chi 800 triệu euro cho hơn 30 cầu thủ mới, trong khi đội hình chính ngày càng tệ đi.
Họ đã thay đổi HLV và các chức danh giám đốc liên xoành xoạch, nhưng không bao giờ có kế hoạch. Bản sắc thi đấu của đội bóng đã bị mai một từ mùa giải này sang mùa giải khác, bị cuốn trôi bởi những thành tích đáng xấu hổ, và tệ nhất là họ đã lãng phí những năm tháng đỉnh cao của cầu thủ vĩ đại nhất mọi thời đại là Lionel Messi.
Tóm lại, Barcelona đã quên mất ý nghĩa của việc trở thành một đội bóng. Và phản ứng của họ đối với điều này - khi cả CLB đang kêu gọi thiết lập bộ máy lãnh đạo hoàn toàn mới, gồm chủ tịch CLB và HĐQT - là bổ nhiệm một gương mặt cũ vào vị trí HLV: Ronald Koeman, người chỉ được các Cules nhớ tới bởi một vài bàn thắng khi còn thi đấu.
Đó là suy nghĩ lười biếng của một CLB đã phát triển lớn mạnh và nổi tiếng đến mức họ quên mất cách thi đấu.
Real Madrid đang có phong độ tốt hơn Barcelona, nhưng cũng chẳng khả quan hơn là bao. Được thúc đẩy bởi sự trở lại của Zinedine Zidane trên cương vị HLV vào năm ngoái, họ đã vô địch La Liga mùa giải vừa qua. Nhưng, giống như Barcelona, họ đã quá phụ thuộc vào một nhóm cầu thủ đã qua thời đỉnh cao.
Những bản hợp đồng tên tuổi mới như Luka Jovic và Eden Hazard vẫn chưa thành công. Và trông Real ngày càng mất cân đối và mỏng manh, chẳng khác gì cỗ máy chiến thắng từ giữa những năm 2010. Khi Man City đàn áp Real trong trận lượt về vòng 16 đội, tượng đài đất sét của họ đã sụp đổ.
Cả hai cùng đi vào một vết xe đổ và đây là mùa giải Champions League đầu tiên không có cả Real Madrid và Barcelona lọt vào bán kết kể từ mùa 200/07.
Để có thêm một ví dụ, hãy nhìn vào Juventus. Họ đã thua trận chung kết Champions League năm 2015 và 2017, và sau đó trở lại với một tập thể hoàn toàn cân bằng, kỷ luật và chăm chỉ nhưng có rất nhiều ngôi sao chất lượng.
Tuy nhiên, kể từ đó, Juve đã trượt xuống vực theo một con đường giống hệt Real Madrid và Barca: hy sinh bản sắc khiến sức mạnh bản thân bị tàn phá. Kể từ khi Juve mua Cristiano Ronaldo 33 tuổi với giá 100 triệu euro cách đây 2 năm, ở Champions League mùa 2018/19, họ đã bị Ajax loại ở tứ kết và ở Champions League mùa này, Juve còn bị loại sớm hơn một vòng sau thất bại trước Lyon ở vòng knock-out thứ nhất.
Giống như Barcelona, Bà đầm già thành Turin cần thiết lập lại toàn bộ CLB vào mùa Hè này, tuy nhiên, BLĐ nhà đương kim vô địch Serie A (lần thứ 9 liên tiếp) lại chọn một cựu cầu thủ nổi tiếng của họ nhưng chưa từng có kinh nghiệm huấn luyện ngồi vào ghế HLV: Andrea Pirlo.
Ở trên là một con đường dẫn dắt các siêu CLB đi xuống. Song, lại có nhiều siêu CLB khác đã không mê muội đi theo con đường đó. Điều đó có nghĩa là những CLB này vẫn hoạt động bình thường và có cơ hội thoát ra khỏi cái bẫy hào nhoáng của vinh quang trong quá khứ và ảo tưởng sức mạnh lâu đời.
Chỉ cần nhìn vào Bayern Munich, tân vương của châu Âu - sau khi đánh bại PSG 1-0 trong trận chung kết để đem về chức vô địch Cúp C1 châu Âu/Champions League thứ 6 - đội bóng duy nhất ở mùa Hè này thể hiện được năng lực tốt trong việc quản lý đội hình, chúng ta sẽ thấy điều đó.
Trong khi Barca và Real Madrid phụ thuộc quá nhiều vào các cựu binh, thì Bayern luôn tìm cách bổ sung nguồn máu mới cho đội hình trụ cột kỳ cựu. Josh Kimmich, Leon Goretzka và Serge Gnabry đều chỉ 25 tuổi, thậm chí Alphonso Davies mới 19 tuổi nhưng họ hoàn toàn thạo việc.
Những cầu thủ này đã đóng góp rất nhiều cho thành công của Bayern Munich trong cú ăn ba 2020, cùng với các trụ cột như Thomas Mueller, Robert Lewandowski, Abala, Manuel Neuer…Việc Thiago Alcantara có thể ra đi vào mùa Hè này cho thấy Bayern đã chuẩn bị sẵn sàng như thế nào.
Mặc dù Liverpool đã có một chiến dịch bảo vệ danh hiệu Champions League đáng thất vọng khi bị loại ở vòng 16 đội, họ vẫn là nhà đương kim vô địch cho đến lúc Bayern nâng Cúp Bạc, và có 2 trận chung kết Champions League trong vòng 3 năm.
Thành công của The Kop cho chúng ta biết giá trị của việc đặt lợi ích của đội bóng lên trên yêu cầu của các cá nhân ngôi sao, ủng hộ HLV một cách tuyệt đối và chỉ mua sắm cầu thủ khi cần thiết - những bài học quý giá kinh điển mà các CLB giàu nhất châu Âu dường như đã bỏ qua.
Man City vẫn đang ngày càng tìm ra những cách chiến đấu mới ở Champions League để tồn tại lâu hơn. Nhưng họ đã không lọt vào bán kết trong bốn năm dưới thời Pep Guardiola. Dẫu sao, cách họ mua bán cầu thủ vẫn phù hợp với triết lý của HLV, thay vì chỉ sưu tập các ngôi sao.
Chúng ta cần phải nhớ một nguyên tắc: tiền bạc và trí tuệ không loại trừ lẫn nhau. Đó là những gì Man City, Liverpool, hay Bayern Munichs đã và đang làm trong chu kỳ thành công của mình.
Trường hợp gây tò mò nhất chính là PSG. Hơn 10 ngày trước khi Champions League trở lại, chúng có thể đã kết luận rằng họ rất giống Barca và Real Madrid. Việc để các ngôi sao làm thay đổi đặc tính của đội bóng; có một đội hình không cân bằng; thay HLV thường xuyên… chính là những dấu hiệu của căn bệnh nhà giàu.
Dù sao, họ cũng đã được góp mặt trong trận chung kết Champions League ở Lisbon. Liệu điều này có khiến PSG trở thành một trong những Siêu CLB thông minh, với một HLV trẻ năng động đã áp đặt được một cấu trúc chiến thuật cho các cầu thủ nổi tiếng của mình? Hay họ vẫn chỉ là một Siêu CLB ngu ngốc khác an phận với thành công dễ dàng ở Ligue 1?
Đường đến trận chung kết của PSG quả thực không hề quá chông gai, cho dù đã đánh bại Borussia Dortmund ở hai lượt trận đầy thuyết phục, và họ chỉ còn cách thất bại trước Atalanta có vài phút mà thôi.
Và sau trận đấu với Bayern, với việc các ngôi sao siêu đắt như Neymar, Kylian Mbappe liên tục bỏ lỡ cơ hội ghi bàn, chúng ta thấy rằng, hoá ra PSG dường như đang đi theo con đường của Real và Barca hơn là của Liverpool và Bayern.
Việc sở hữu những cầu thủ giỏi nhất vẫn có thể giúp một CLB tiến rất xa. Nhưng trong kỷ nguyên Siêu CLB mới này, khi một số đội không ngừng cải thiện để trở thành đội bóng hùng mạnh nhất ở thời đại mới, yếu tố này không còn vai trò như cái thuở “chỉ cần quẳng cho Messi một quả bóng, và danh hiệu cứ thế ùn ùn kéo về”.