Công Phượng, Xuân Trường về nước
Năm 2016, HAGL mừng thầm khi “xuất khẩu” được 3 cầu thủ đầy tài năng là Công Phượng, Xuân Trường và Tuấn Anh sang Nhật Bản rồi Hàn Quốc chơi bóng. Đó có thể xem là cú chuyển mình lịch sử của bóng đá Việt Nam. Bởi sau trường hợp được xem là nổi bật hiếm hoi của Công Vinh (thử việc ở CLB Leixoes của Bồ Đào Nha trong 4 tháng vào năm 2009 và thi đấu theo diện cho mượn 9 trận ở Consadole Sapporo vào năm 2013), bóng đá Việt Nam trải qua vài năm không có thêm đại diện nào sang chơi ở những nền bóng đá phát triển.
Tuy nhiên, chuyến đi đầu tiên của bộ ba tài năng kể trên không thành công như kỳ vọng. Công Phượng ra sân vỏn vẹn 80 phút ở J.League 2 (hạng 2 Nhật Bản) trong màu áo Mito Hollyhock trước khi trở về HAGL. Mọi thứ còn tệ hơn với Tuấn Anh khi anh chỉ được chơi một vài trận cho Yokohama FC ở đấu trường hạng hai như Cúp Hoàng đế hay đá tập giữa các đội dự bị.
Khác với 2 đồng đội sớm trở về HAGL ngay sau một mùa giải ra nước ngoài thi đấu, Xuân Trường bám trụ được ở K-League Classic (hạng cao nhất Hàn Quốc) trong 2 mùa với 2 CLB hạng trung là Incheon United và Gangwon FC. Song số trận mà anh thi đấu ở giải này trong 2 mùa giải chỉ vỏn vẹn 6 trận.
Bẵng đi một, hai năm, thành công của U23 và ĐTQG Việt Nam trong năm 2018 mở ra cơ hội ra nước ngoài thi đấu cho một số cầu thủ Việt Nam. Nhưng cũng chỉ có 3 gương mặt rời V.League để chấp nhận thử thách. Một lần nữa, Xuân Trường và Công Phượng (cùng với thủ môn Văn Lâm) sang chơi ở Thái Lan (Buriram United) và Hàn Quốc (Incheon United) theo diện cho mượn 1 mùa. Nhưng mới chỉ nửa năm, cả hai đều đã lại khăn gói về nước.
Nhìn từ Thái Lan
Trong 3 lần gặp nhau ở 2 năm qua, U23 và ĐTQG Việt Nam đều đánh bại Thái Lan một cách thuyết phục. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa bóng đá Việt Nam đã hơn được kình địch trên mọi phương diện. Việc xuất khẩu cầu thủ rõ ràng là góc độ mà Việt Nam còn phải học hỏi bóng đá xứ chùa Vàng nhiều.
Đơn cử 3 năm gần đây, về số lượng, khi Việt Nam chỉ có 4-5 gương mặt (tính cả trường hợp Diệp Hoài Xuân đầu quân ở Campuchia) ra nước ngoài thi đấu theo thống kê của Soccerway thì Thái Lan đã “xuất khẩu” hơn chục cầu thủ sang Nhật Bản rồi châu Âu. Ấn tượng hơn, bản thân những cầu thủ Thái Lan cũng đã ghi được dấu ấn đáng kể.
Điều đó thể hiện rất rõ ở việc Chanathip đã khiến Consadole Sapporo bị thuyết phục và chấp nhận mua đứt anh với giá 2,6 triệu USD từ Muangthong United hay Kawin Thamsatchanan gia nhập OH Leuven (Bỉ) với giá 1,3 triệu USD. Những con số ấy cao gấp 2-4 lần so với số tiền mà Muangthong United bỏ ra để mua đứt hợp đồng từ Hải Phòng của thủ môn Đặng Văn Lâm - cầu thủ duy nhất của Việt Nam đến thời điểm hiện tại ra nước ngoài chơi bóng không theo diện cho mượn hay xuất phát từ các mối thân quen.
Không phủ nhận bóng đá Việt Nam đang sở hữu một thế hệ giàu tài năng. Nhưng nếu chỉ quanh quẩn ở mức độ tin đồn như Quang Hải, Văn Hậu, Văn Đức được chào đón hay ra đi nhưng không thể khẳng định được mình kiểu Xuân Trường, Công Phượng thì giấc mơ “xuất khẩu” cầu thủ của Việt Nam vẫn còn xa lắm.