Khi ấy, câu trả lời của Công Phượng khiến tôi khá thích thú. Anh nói rằng: “Trước mắt, tôi sẽ tập trung cao nhất cho CLB Bình Phước, đội bóng tôi đang khoác áo thi đấu. Sau này, nếu tôi thể hiện tốt và đội tuyển Việt Nam cần thì tôi luôn sẵn sàng”.
Thời gian qua nhiều người hỏi tại sao HLV Kim Sang Sik không gọi Công Phượng trở lại ĐTViệt Nam? Có lẽ họ quên hoặc không chịu nhớ, rằng 2 mùa giải vừa qua Công Phượng gần như không được thi đấu trong màu áo CLB Yokohama (Nhật Bản). Thường xuyên mài quần trên ghế dự bị, thậm chí là ngồi khán đài, vậy HLV trưởng dựa vào đâu để gọi cậu ấy lên tuyển?
Điều này khác hẳn với thời HLV Park Hang Seo rằng một cầu thủ đang bị chấn thương, nhưng nằm trong đội hình “quen thuộc” thì vẫn luôn có mặt mỗi lần đội tuyển tập trung. Điều đó khiến nhiều cầu thủ từng được đánh giá rất cao sau đó gần như thui chột. Chưa kể, danh sách đội tuyển chỉ tập trung vào những gương mặt quen thuộc cũng khiến các tân binh hoặc cầu thủ trẻ không có động lực phấn đấu, và còn dễ sinh ra nạn kiêu binh.
Vì vậy, cả giới chuyên môn lẫn người hâm mộ cảm thấy vui khi HLV Kim Sang Sik đã và đang tạo ra một luồng sinh khí mới ở ĐT Việt Nam, khi trong thành phần đội tuyển hiện có nhiều gương mặt mới bên cạnh những cựu binh gạo cội, hòng có một lứa kế thừa chuẩn bị cho tương lai.
Sáng qua, khi Công Phượng bảo: “Sau này nếu tôi thể hiện tốt và đội tuyển cần thì tôi luôn sẵn sàng”. Có nghĩa, anh biết bản thân chưa có phong độ tốt nhất, hoặc chí ít là chưa thể sánh với các đồng đội khác vốn được thi đấu thường xuyên. Do đó, Công Phượng sẽ phải nỗ lực hơn để có thể quay lại, khiến tôi cảm thấy vui vì suy nghĩ tích cực của anh.
Công Phượng từng là tiền đạo hàng đầu và vai trò của anh vẫn quan trọng ở ĐT Việt Nam. Tuy nhiên, cũng như tất cả các đồng đội khác muốn có mặt ở đội tuyển, Công Phượng phải chứng tỏ được phong độ và năng lực. Mọi người vẫn đang chờ anh sớm quay lại!