Câu chuyện ấy càng đáng quên, khi thủ thành này mắc sai lầm trong ngày đối đầu với đội bóng của đất nước nơi mình sinh ra. Trước trận đấu, Đặng Văn Lâm trả lời báo giới từ nước Nga rằng, anh cảm thấy hãnh diện khi được giới thiệu về đất nước, con người, văn hóa Việt Nam với những… đồng hương của mình. Dù không thành công, nhưng nhìn hình ảnh những cầu thủ Nga an ủi Đặng Văn Lâm, đôi khi nó giống như một món quà từ ơn trên.
Cần phải thẳng thắn, Đặng Văn Lâm đã không thành công và nó là câu chuyện dài về đôi chân không được “ngoan” của thủ môn này. Kể từ ngày Nguyễn Filip góp mặt tại ĐTQG, áp lực giữ ngôi vị số 1 càng lớn với Đặng Văn Lâm. Không phải ai cũng biết, thủ thành sinh năm 1995 đã tập luyện rất chăm chỉ để cải thiện chỉ số cho đôi chân. Kể cả việc mang về một trái bóng, và tự tập với bức tường. Thật ra, bóng đá thế giới đã và đang chứng kiến sự lên ngôi của những thủ môn chơi chân giỏi. Thủ môn không chỉ còn là người giữ khung thành (goalkeeper) đơn thuần nữa, mà phải là một cầu thủ (player) như bao đồng đội khác.
Không có sự hoàn hảo tuyệt đối, những thủ môn chơi chân giỏi cũng có những điểm yếu, thậm chí những tử huyệt. Ngược lại, những người có ưu điểm đôi tay sẽ gặp những vấn đề khác nhau khi bóng tìm tới chân. Vấn đề là HLV và các đồng đội sẽ phải tìm ra những phương án tối ưu dành cho người đừng trong khung thành.
Pha trả bóng dành cho Văn Lâm được nhìn dưới nhiều góc độ. Bản thân thủ thành của ĐT Việt Nam đã nhận sai lầm. Thế nhưng cũng phải nói lại, trước đó các đồng đội của anh đã có những pha bóng xử lý quá “cồng kềnh”, và mặt sân Mỹ Đình lồi lõm dường như cũng chẳng ủng hộ Văn Lâm.
Đặng Văn Lâm đã có cho mình một bài học đắt giá. Anh sẽ phải nỗ lực hơn để có một đôi chân như ý. Trên hành trình sẽ đi qua, hãy nhớ lấy, Văn Lâm từng là một chàng trai bị bỏ quên nhưng rồi với ý chí, nghị lực phi thường, anh trở thành “người gác đền” số 1 Việt Nam. Nằm gai nếm mật, từ vô danh thành một “idol quốc dân”, Đặng Văn Lâm còn làm được, nói gì “nắn” cho mình một đôi chân ngoan.