Theo quy định hiện hành, sau khi trở lại Việt Nam, các thành viên của ĐT Việt Nam sẽ phải tiến hành cách ly, xét nghiệm Covid-19 trong vòng 21 ngày. Trước đây, thời hạn cách ly là 14 ngày. Với các tuyển thủ, việc tiến hành cách ly 21 ngày có thể ảnh hưởng nhiều đến kế hoạch thi đấu tiếp theo. Một số thành viên của đội sẽ tham dự AFC Cup, AFC Champions League.
Việc tiến hành cách ly trong thời gian dài có thể ảnh hưởng đến việc tập luyện, hồi phục thể lực cho chặng đường sắp tới, đặc biệt, nhiều đội bóng đang tăng tốc chuẩn bị cho vòng 13 cũng như giai đoạn 2 V.League. Điều quan trọng nhất, việc kéo dài thời hạn cách ly y tế sẽ ảnh hưởng lớn đến chuyên môn cũng như khả năng hội nhập với các hoạt động bóng đá quốc tế.
Điều dễ nhận thấy chính là việc, các đội bóng sau khi hoàn thành nhiệm vụ quốc tế trở về sẽ phải tiến hành cách ly y tế với thời hạn 14, thậm chí là 21 ngày. Điều này ảnh hưởng lớn đến quá trình tập luyện chuẩn bị cho trận đấu kế tiếp, hoặc tham gia trở lại giải đấu quốc nội. Bởi lẽ, khi các cầu thủ cách ly tại khách sạn thi việc tập luyện duy trì thể lực và phong độ là điều hoàn toàn không thể. Không gian khách sạn không đủ rộng, thiết bị tập luyện và sân tập không có khiến các đội bóng bị động trong quá trình chuẩn bị cho sự kiện thi đấu tiếp theo.
Thế nên, khi hết thời hạn cách ly, các cầu thủ trở về CLB sẽ phải mất thêm thời gian tập luyện hồi phục. Điều này khiến cho việc họ thi đấu trở lại sẽ mất thêm nhiều thời gian. Mà ai cũng biết, đại dịch khiến cho các hoạt động bóng đá dồn toa nên quỹ thời gian từ nay cho đến cuối năm không còn nhiều. V.League, giải hạng Nhất cần phải về đích làm môi trường cho các cầu thủ rèn luyện bản thân. Vòng loại U23 châu Á, vòng loại World Cup, AFF Cup diễn ra liên tục và các cầu thủ thường xuyên phải di chuyển ra nước ngoài và trở về sân nhà tiếp các đối thủ.
Cũng vì những lý do kể trên mà nếu không có những điều chỉnh về thời hạn cách ly, hoặc một cơ chế đặc biệt dành riêng cho bóng đá thì rất khó để kích hoạt các hoạt động bóng đá, đặc biệt là duy trì khả năng về đích của các giải đấu trong bối cảnh thời gian rất hạn hẹp. Bên cạnh đó, phải tính đến sự tương thích về thời hạn cách ly giữa bóng đá Việt Nam và các giải đấu quốc tế. AFC yêu cầu nếu một ĐTQG muốn được thi đấu trên sân nhà thì phải có quy định về cách ly cởi mở. Các đội tuyển khách đến không phải cách ly, hoặc cách ly không quá 2 ngày dựa trên nguyên tắc bong bóng nên ít có tác động với môi trường bên ngoài.
Việc tiến hành cách ly là yêu cầu bắt buộc nhằm đảm bảo an toàn cho cộng đồng và thắng lợi của cuộc chiến chống Covid-19. Nhưng như đã biết, các thành viên của đội đã được tạo điều kiện tiêm ngừa Covid-19. Tại UAE, các cầu thủ cũng thường xuyên được xét nghiệm và được quản lý trong điều kiện khắt khe của AFC. Thế nên, VFF đang mong quy định mới về cách ly với những người đã tiêm vaccine được áp dụng.
Theo đó, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 đã đề nghị Bộ Y tế khẩn trương rà soát, ban hành quy trình xét nghiệm mới, kết hợp các công cụ, phương thức xét nghiệm đối với người nhập cảnh đã được tiêm vắc xin phòng Covid-19 thì rút ngắn thời gian cách ly tập trung còn khoảng 1 tuần. Nếu quy định này được áp dụng thì đó là tin cực vui với ĐT Việt Nam.
Thế nhưng, để duy trì được lợi thế của bóng đá Việt Nam ở đấu trường quốc tế và đặc biệt là duy trì hoạt động bóng đá quốc nội thì thời hạn cách ly vẫn cần phải có những đặc thù với riêng bóng đá. Điều này nhằm đảm bảo quyền lợi của nền bóng đá. Nhưng bên cạnh đó, từng đội bóng và bản thân các nhà quản lý cần phải sớm thúc đẩy việc tiêm vắc xin, xây dựng kịch bản thi đấu trong nguyên tắc bong bóng nhằm đảm bảo rằng, cách hoạt động thi đấu không làm ảnh hưởng đến cộng đồng.
* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ