Khi hay tin LĐBĐ Việt Nam đặt bút ký hợp đồng, cánh báo chí Indonesia không ngại dùng những mỹ từ ngợi ca năng lực của HLV Troussie. Tương tự, Thái Lan, Malaysia cũng không ngại cho “lên sóng” bản lý hoành tráng nhà cầm quân người Pháp. Còn người Nhật dành nhiều thời lượng để đề cập đến mối lương duyên và cho rằng sự trở lại của “phù thuỷ trắng” sẽ mang đến một màu sắc mới cho bóng đá Việt Nam.
Bấy nhiêu quá đủ để chứng minh đẳng cấp và sự “đặc biệt” của ông Troussier. Thật khó cưỡng lại sự lão luyện của một chiến lược gia đã làm việc và gặt hái khá nhiều thành công khắp các lục địa. Thật khó để từ chối năng lực của một chuyên gia từng làm việc và am tường bóng đá Việt Nam. Với ý nghĩ, với con đường như được vẽ sẵn, HLV Troussier và Việt Nam đặt bút ký vào bản hợp đồng như câu chuyện “vì ta cần nhau”.
Một bức tranh màu hồng được HLV Troussier vẽ ra trong ngày ra mắt. Với đẳng cấp vốn có, chẳng có lý do gì lại nó điều đó là mộng mơ. Thực tế, nhà cầm quân người Pháp đã cho thấy được những gam màu tươi mới với sự xuất hiện của những cầu thủ trẻ, những làn gió mới ở đội tuyển. Con đường ấy được xác định là đúng đắn trong bối cảnh bóng đá Việt Nam đối diện với nỗi lo “thế hệ vàng” không còn động lực cũng như những lý do không tên khác…
Rốt cuộc càng đi xa, con đường được vạch ra lại giống như con tàu không có ngọn hải đăng dẫn lối. Không thể phủ nhận Troussier là một HLV nhiệt huyết, dạn dày chinh chiến nhưng có vẻ như ông đã vướng vào thành trì quan điểm “Ta là Một, là Riêng, là thứ Nhất”. Ông Troussier đã không vượt qua được những định kiến do chính ông đặt ra với người tiền nhiệm Park Hang Seo và các cầu thủ. Ông Troussier cũng chẳng nhìn nhận đúng vấn đề đang tồn tại ở đội tuyển và người hâm mộ, dù ông được giao toàn quyền cũng như nhận được sự hỗ trợ tuyệt đối kể từ khi ngồi vào chiếc ghế HLV trưởng.
Tất nhiên sẽ có nhiều câu chuyện để nói về chuyện HLV Troussier sớm rời đi, nhưng có lẽ chúng ta phải bắt đầu từ việc nhà cầm quân này đã bị lạc lối. Tài năng đôi khi bị (được) chuyển hoá thành cái “tôi” quá lớn, cho nên sự thất bại là "tất lẽ dĩ ngẫu".