Bóng Đá Plus trên MXH

Kiến thức bóng đá của cầu thủ Việt Nam
Thành Vũ Phân tích viên
16:53 ngày 27/03/2024
Chưa bàn đến kĩ thuật cá nhân của các cầu thủ đang chơi chuyên nghiệp tại Việt Nam, thì kiến thức bóng đá mà họ được trang bị xuyên suốt quá trình trưởng thành là một điểm hổng.

So sánh giữa bóng đá Việt Nam và bóng đá thế giới, có một chi tiết rất khác biệt mà tôi luôn thắc mắc. Tại sao các trung vệ đang chơi tại các giải đấu hàng đầu châu Âu thường rất bình tĩnh khi có bóng, họ không hề vội vàng đưa quả bóng đi, mà tuỳ thuộc vào định hướng gây áp lực của tiền đạo đối thủ mới ra quyết định. Trong khi đó, các trung vệ Việt Nam thường giải quyết quả bóng theo kiểu “cho xong”, đối thủ thậm chí mới chỉ rướn nhẹ lên phía trước, họ đã hoảng loạn. Tại sao?

Khi được làm việc tại môi trường bóng đá chuyên nghiệp, tôi mang thắc mắc này chia sẻ với một vị trợ lý HLV - người cũng từng khoác áo ĐTQG Việt Nam. Câu trả lời mà tôi nhận được là bởi một phần kĩ thuật cá nhân của các cầu thủ chưa thực sự tốt, một phần vì đôi khi họ cũng chưa thực sự hiểu mục đích của việc phải bình tĩnh với quả bóng trong định hướng chơi của toàn đội.

Chưa bàn đến kĩ thuật cá nhân của các cầu thủ đang chơi chuyên nghiệp tại Việt Nam, thì kiến thức bóng đá mà họ được trang bị xuyên suốt quá trình trưởng thành là một điểm hổng mà nhiều người trong nghề cũng phải thừa nhận. 

Một cựu đồng nghiệp trong nghề của tôi từng nói vui rằng: một đội bóng tại Anh có thể vận hành tới 3 hay 4 cấu trúc đội hình khác nhau trong một trận đấu kéo dài 90 phút bởi phản xạ và sự am tường của các cầu thủ, trong khi để giải thích cho một cầu thủ Việt Nam thuật ngữ “half-space”, khu vực được tạo nên bởi việc chia sân đấu thành 5 phần theo chiều dọc là gì còn khó khăn. 

Nói vậy có phần hơi quá, nhưng hiện trạng về mặt nền tảng của bóng đá Việt Nam thì thực tế không hơn là bao. Những nỗ lực cải thiện chất lượng của HLV, kiến thức nền của cầu thủ, hay các yếu tố liên quan như sân bãi, chế độ dinh dưỡng và giáo án về thể lực chưa thực sự diễn ra một cách đồng bộ. 

Đó là câu chuyện vĩ mô, nhân chuyện HLV Philippe Troussier phải chia tay ĐT Việt Nam chỉ sau 1 năm, tôi nghĩ đến một câu chuyện cụ thể hơn. 

Nhìn lại khả năng tấn công của ĐTQG trong vòng 10 năm qua để đúc kết ra một điều gì đó, tôi mạnh dạn gọi tên dấu ấn đến từ sự tự do. HLV Nguyễn Hữu Thắng nhậm chức với tuyên bố về một đội tuyển kiểm soát bóng và chơi áp đặt, nhưng thực tế cho thấy lối chơi không mạnh ở khả năng tổ chức, mà nghiêng nhiều hơn về những nhóm phối hợp cá nhân. 

Hành trình thành công của ông Park Hang-seo là không thể phủ nhận. Và dù có chủ đích hay không thực sự chú trọng đến những mảng miếng trong khâu tấn công, thì sự tự do mà vị HLV người Hàn Quốc dành cho các cá nhân như Quang Hải, Văn Đức hay Hoàng Đức là thứ đã phát huy giá trị trong một quãng thời điểm nhất định. 

Sự tự do ấy không sai, nhưng nó không có nhiều giá trị để một nền bóng đá đi lên phía trước. 

Ông Troussier đến với một tham vọng của cá nhân mình về việc xây dựng một thứ gì đó lớp lang hơn, tuần tự hơn. Điều này thể hiện rõ qua tác phong sư phạm của mình trên sân tập. Rõ ràng vị HLV người Pháp muốn tạo ra một nâng cấp nào đó. Ông muốn các cầu thủ hiểu được vai trò và lối chơi cụ thể của mình, trước khi bước vào thực chiến. 

Nhưng đương nhiên, ở vị trí của mình, ông Troussier có nhiều cái khó. Ông không thể thay đổi cả một nền bóng đá. Cách ĐT Việt Nam tấn công như thể họ đang bị gò ép trong một khuôn khổ mà bản thân họ chẳng mấy quen thuộc. Đỉnh điểm cho góc nhìn ấy đến khi cầu thủ vốn được biết đến như một người có thể làm nên khác biệt khi được trao sự tự do là Quang Hải không được sử dụng trong 2 trận đấu gặp Indonesia liên tiếp. 

Không bàn đến chuyên môn của ông Troussier, bởi sự đã rồi. Nhưng mối lương duyên của người đàn ông 69 tuổi này với bóng đá Việt Nam có lẽ nên được miêu tả bằng từ không phù hợp. Một bên muốn nâng tầm, còn một bên chưa đủ nền tảng. 

Có lẽ cũng bởi vì thế mà những quyết định sau này của vị chiến lược gia người Pháp càng làm lại càng thấy dở. Ông Troussier sai, nhưng chúng ta cũng cần thẳng thắn nhìn lại về sức mạnh nền tảng của cả nền bóng đá. 

Bài viết hay? Ấn để tương tác

Bình luận
Thông tin Toà soạn
Tạp chí Điện tử Bóng Đá
Tổng biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó Tổng biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
Địa chỉ:
Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
Tel:
(84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
Fax:
(84.24) 3553 9898
Email:
Thông tin Liên hệ
Tạp chí Điện tử Bóng Đá
Hotline:
0903 203 412
Email:

Địa chỉ liên hệ:

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
Đăng nhập
hoặc

Email:

Mật khẩu:

Quên mật khẩu?


Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay