Những tấm băng rôn với dòng chữ “Troussier out” hay “Troussier, get out” thường xuyên xuất hiện trên các khán đài trong những trận đấu cuối cùng của ông Philippe Troussier trên cương vị HLV trưởng ĐT Việt Nam. Ít người biết rằng, từng có giai đoạn, CĐV ở Pháp cũng từng đồng thanh hô vang “Troussier, hãy cút đi”. Đó là khi “Phù thủy trắng” dẫn dắt CLB Marseille của đội bóng quê nhà.
Quãng thời gian Troussier làm việc ở Velodrome không dài. Ông chỉ ngồi trên băng ghế chỉ đạo của Marseille 7 tháng, trước khi bị lãnh đạo đội bóng thành phố cảng nước Pháp sa thải để thay thế bằng HLV Jean Fernandez. Tuy nhiên, ông đã kịp khiến OM trải qua một trong những giai đoạn đen tối nhất. Trong một cuộc bình chọn cách đây vài năm do một tờ báo thể thao của Pháp tiến hành khảo sát, Troussier bị liệt vào Top 5 HLV tệ nhất mọi thời đại của Marseille.
Ngay từ thời còn dẫn dắt Marseille, Troussier đã bị chê là là bảo thủ, phân biệt đối xử với cầu thủ, làm việc cứng nhắc, thiếu sự linh động và thiếu tính thực tế. Vì thế, ông không được lòng hầu hết các học trò. Cầu thủ thường xuyên chống đối ra mặt là nguyên nhân chính khiến Troussier không thể triển khai triết lý bóng đá của ông ở Velodrome. OM thi đấu lẹt đẹt, để rồi cuối mùa bóng 2004/05, đội bóng cán đích ở vị trí thứ 5 tại Ligue 1 trong nỗi thất vọng cùng cực của CĐV đội nhà.
Phải nhắc lại rằng, Marseille hồi đó là đội bóng rất có tham vọng. Đội hình của đội bóng thành phố cảng nước Pháp lúc bấy giờ đầy rẫy các ngôi sao. Có thể kể đến những cái tên như Fabien Barthez, Philippe Christanval, Bixente Lizarazu, Benoit Pedretti, Samir Nasri, Peguy Luyindula...
Hãy nghe cựu trung vệ Johnny Ecker nói về ông thầy cũ Troussier: “Có ai biết Philippe Troussier là ai cho đến khi ông ấy đến Marseille đâu. Ông ta đến Velodrome và có ý định trở thành một kẻ độc tài. Ông ta quên mất rằng, đội bóng khi đó có nhiều ngôi sao ở đẳng cấp quốc tế và đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Ông ta từng yêu cầu tôi phải chơi thứ bóng đá phòng ngự chẳng đâu vào đâu, đến mức một ngày không thể chịu đựng thêm nữa, tôi đã đến gặp riêng và bảo rằng, tôi không thèm chơi thứ bóng đá của ông ta nữa”. Theo Ecker, Troussier đã nổi giận và sau đó liên tục đày anh trên băng ghế dự bị.
Nhưng Ecker không phải là cầu thủ ở Marseille lúc đó ghét Troussier nhất. Người căm thù “Phù thủy trắng” hơn cả là Bixente Lizarazu. Bất chấp phong độ rất tốt của hậu vệ trái này, Troussier vẫn thường xuyên bắt anh phải ngồi ghế dự bị. Hậu vệ người xứ Basque sau này viết trong cuốn tự truyện của mình: "Với HLV tiền nhiệm Jose Anigo, tôi thường xuyên trao đổi cả về chuyên môn cũng như những vấn đề trong cuộc sống. Nhưng với Troussier thì không. Thú thực, lần đầu tiên trong đời cầu thủ, trong đầu tôi thôi thúc ý định đánh một HLV. Rất may, tôi đã kiềm chế được, nên Troussier mới có thể bình an rời Marseille".
Theo Lizarazu, Troussier "hứa thật nhiều, nhưng thất hứa cũng thật nhiều". Anh chia sẻ: "Mỗi lần tôi bày tỏ sự bức xúc, ông ấy lại vỗ về, an ủi, lại nói rằng, giữa chúng tôi chẳng có bất đồng gì. Ông ấy bảo đội bóng cần những cầu thủ kinh nghiệm như tôi. Rồi ông ấy hứa sẽ tạo điều kiện để tôi được thi đấu thường xuyên hơn. Sau cùng, ông ấy lại để tôi ngồi ghế dự bị". Lizarazu khẳng định, Troussier là điển hình của một kẻ “đạo đức giả”.
Nghịch lý ở chỗ, tuy bất tín nhiều những ngôi sao dày dạn kinh nghiệm như Lizarazu, nhưng Troussier lại rất tin dùng những cầu thủ trẻ một cách mù quáng. Một trong những người được hưởng lợi nhờ sự thiên vị đó là Samir Nasri. Sao mai 17 tuổi được “Phù thủy trắng” liên tiếp tung ra sân trong đội hình xuất phát. Đến bản thân tài năng trẻ này cũng cảm thấy ngạc nhiên vì được ông Troussier đặt thứ tự ưu tiên trên cả những đàn anh đã thành danh.
Chính sự ghẻ lạnh của ông Troussier dẫn đến quyết định chạy trốn khỏi Marseille của Lizarazu ngay trong kỳ chuyển nhượng vào tháng 1/2005. Tuyển thủ Pháp quay trở lại với đội bóng cũ Marseille và lập tức được bầu là “hậu vệ trái xuất sắc nhất” trong đội hình tiêu biểu của Bundesliga vào cuối mùa giải. “Tôi muốn Troussier phải chống mắt lên mà nhìn xem ông ấy đã dùng người một cách ngớ ngẩn như thế nào”, Lizarazu phát biểu trong một cuộc trả lời phỏng vấn sau khi anh được tôn vinh.
Trong một chừng mực nào đó, các chỉ đạo chiến thuật, sự cứng nhắc và cả cách dùng người của HLV Troussier khi dẫn dắt ĐT Việt Nam có nhiều điểm rất giống với khi ông còn ở Marseille. Và cũng giống như với đội bóng thành phố cảng nước Pháp, trong quãng thời gian không dài ngồi trên băng ghế chỉ đạo, Troussier đã khiến “Những chiến binh sao vàng” trải qua một trong những giai đoạn tồi tệ.