Theo Xuân Trường, ông Miura đề cao tính kỷ luật trong phòng ngự, còn về mặt trận tấn công thì khá phóng khoáng, không quá áp đặt việc cầu thủ phải chơi một cách rập khuôn. “Tuy nhiên, ông luôn yêu cầu các cầu thủ phải xử lý bóng đơn giản, chỉ trong 1-2 chạm. Phải xử lý ngay, không dùng những động tác khó, không dùng những động tác thừa”, Xuân Trường nói. “Tôi nhớ trong một buổi tập kiểm soát bóng, đối kháng hai đội với nhau, tôi có làm một động tác đánh gót. Đó là tình huống chuyền bóng bằng gót chân cho đồng đội rất đẹp, nhưng vẫn bị HLV nói là phải chơi đơn giản thôi.
Có một lần khác, Văn Thanh sử dụng kỹ thuật Rabona, xong cũng bị thầy quát cho căng thẳng luôn. Mặc dù những tình huống bóng ấy đều tốt, nhưng ông Miura không thích việc các cầu thủ xử lý rườm rà. Hãy xử lý đơn giản, chân phương nhất có thể. Chỉ có một vài cầu thủ được ưu tiên sử dụng nhiều những động tác kỹ thuật, và một trong số đó là Công Phượng”.
Xuân Trường ấn tượng một điểm khác ở HLV Miura. Đó là trước khi mỗi giải đấu bắt đầu, ông thường có thói quen họp riêng với từng cầu thủ. Mục đích là để nhận xét trong quá trình vừa rồi mọi thứ đã diễn ra như thế nào; tập luyện, tiến bộ ra sao; điểm mạnh điểm yếu là gì, có những gì cần phải thay đổi phát triển. Ngoài ra, đó cũng là lúc cầu thủ có thể nói ra những suy tư, hay những băn khoăn mà bấy lâu nay chưa có dịp được trò chuyện cùng các HLV trưởng. “Nếu HLV làm tốt ở khâu này, các cầu thủ ít được đá hơn sẽ giữ được tinh thần ổn định và không bị nản chí. Đó cũng chính là việc duy trì được sức mạnh của đội bóng”, Xuân Trường nói.
Xuân Trường chia sẻ một kỷ niệm: “Có một buổi tập ở trung tâm Viettel, trong một bài tập được chia ra hai đội: một đội tấn công, còn một đội phòng ngự, tôi được giao cho một chiếc áo bib khác màu để chơi ở vị trí hỗ trợ đội tấn công. Tức là chỉ đứng phía dưới cùng của đội tấn công để hỗ trợ chuyền bóng chứ không được tham gia hoàn toàn vào bài tập như các cầu thủ khác. Đá 1 hiệp xong, mọi người ở đội tấn công ấy được thay đổi, còn tôi vẫn được giữ ở vị trí trung gian.
Tôi thấy có gì đó không ổn. Kiểu như tôi sẽ chỉ ở vị trí hỗ trợ này thì sẽ không được tập ở vị trí giống như lúc thi đấu. Lúc đó tôi quyết định ra hỏi thẳng thầy là 'Tại sao em không được thay vào đội hình tấn công? Hiệp 1 em đã làm nhiệm vụ hỗ trợ rồi mà'. Và ông đã ngay lập tức đáp ứng nhu cầu của mình luôn và cho người khác ra làm trung gian. Đây là điều tôi cũng rất là thích ở Miura. Khi một cầu thủ đến, thẳng thắn nói một vấn đề gì đó mà hợp lý và thuyết phục, ông sẽ đồng ý với yêu cầu mà cầu thủ ấy đưa ra, chứ không cứng nhắc hay bảo thủ”.
Xuân Trường thích phong cách mà HLV Miura huấn luyện, cách khiến cầu thủ đạt được thể trạng và điểm rơi phong độ tốt nhất. “Tôi nói chuyện với nhiều anh em, thấy cầu thủ nào cũng khen Miura giúp họ đạt điểm rơi phong độ cực kỳ tốt. Tôi thực sự thấy nhớ phương pháp tập luyện ấy”, Xuân Trường giãi bày.