Tháng 6/2018 trái bóng chuẩn bị lăn trên các sân cỏ nước Nga, thế là 4 năm chờ đợi của giới mộ điệu cũng được thỏa lòng. Bốn năm cho một giải đấu, nhưng trong bốn năm ấy có biết bao sự đổi thay. Đội chủ nhà Nga cùng 31 đội tuyển đã vượt qua vòng loại để đặt chân lên Bắc Bán cầu sau hai lần liên tiếp diễn ra ở phía Nam Bán cầu. Tuy vẫn còn có những sự thiếu vắng nhưng như cha ông ta đã nói “không có mợ thì chợ vẫn đông”. 32 đội tuyển tham dự giải đấu của năm 2018 là những người chiến thắng để tìm ra người đại thắng. Bốn năm đi qua, các cầu thủ cộng cho mình thêm 4 tuổi, chỉ có riêng trái bóng vẫn tròn, sân cỏ vẫn màu xanh và chút thay đổi nhỏ là Vua áo đen có thêm anh chàng “công nghệ” VAR hỗ trợ.
Chúng ta vẫn thường nói “Bóng chưa lăn chưa nói trước được điều gì”, nên cả 32 đội bóng luôn đặt cho mình mục tiêu cụ thể. Vô địch giải đấu! Ai cũng muốn, nhưng đâu dễ gì giành được. 20 giải đấu đã trôi qua, chức vô địch vẫn luôn gọi tên các thế lực cũ với những binh đoàn quen thuộc như: Uruguay, Italia, Brazil, Đức, Argentina (những đội bóng ít nhất 2 lần vào trận chung kết, đạt cúp vô địch) và các đội thành công tại 1 giải đấu: Anh, Tây Ban Nha, Pháp. Giải đấu năm nay cũng có chút hụt hẫng khi các đội bóng quen thuộc không có mặt: Italia, Hà Lan hay các thế lực xưa cũ đã không tìm được chỗ đứng: Hungary; Tiệp Khắc (Séc), còn lại 8/12 đội đã từng vinh dự đá trận chung kết đều có mặt.
Vậy ai sẽ vô địch, sẽ có một cái tên mới hay là vẫn các cái tên cũ? Câu trả lời sẽ có vào 15/7. Nhìn về lịch sử thì chỉ có Anh và Argentina vô địch (lần đầu tiên) mà trước đó trong lịch sử giải đấu họ nằm ngoài top 4, còn lại các đội vô địch, họ lên ngôi khi ít nhất trong lịch sử giải đấu họ đã từng nằm ở top 4. Nói như vậy để thấy yếu tố bất ngờ của giải đấu là không nhiều, nhưng không phải không có. Đến nay Đức vẫn là đội được đá trận chung kết nhiều nhất với 8 lần trong đó có 4 lần vô địch; Brazil 7 trận với 5 lần vô địch; Argentina 5 trận với 2 lần vô địch; Uruguay 2 trận với 2 lần vô địch; Pháp 2 trận với 1 lần vô địch; Anh 1 trận với 1 lần vô địch; Tây Ban Nha 1 trận với 1 lần vô địch; Thụy Điển 1 lần, chưa vô địch. Từ thống kê trên chúng ta thấy có 3 đội tuyển thành công 100% tại trận chung kết là Uruguay, Anh, Tây Ban Nha, tiếp đến Brazil thành công 71%; Đức, Pháp 50%; Argentina 40% và Thụy điển 0%.
Như vậy xét về yếu tố lịch sử thì chức vô địch có khả năng cao nhất sẽ nằm trong các đội từng vô địch. Cùng với yếu tố phong độ hiện tại và theo đánh giá của các chuyên gia thì Brazil, Đức, Tây Ban Nha, Pháp, Argentina là các đội có khả năng vô địch nhất, tiếp đến là các đội Uruguay, Anh… Nhưng biết đâu năm nay sẽ có nhà vô địch mới, như Bỉ? Điều này chúng ta cứ hy vọng giống như Đức đã làm được điều kỳ diệu ở Bern năm 1954.
Xét về yếu tố HLV thì đã 80 năm kể từ ngày Vittorio Pozzo dẫn dắt Italia bảo vệ thành công chức vô địch, chưa có HLV nào làm được điều tương tự. Brazil vô địch 2 lần liên tiếp 1958 và 1962 nhưng là do 2 HLV khác nhau dẫn dắt. Trong suốt lịch sử giải đấu đã có những HLV được trao cơ hội nhưng chưa ai làm được điều như Pozzo làm, trong đó phải kể đến Vicente del Bosque của Tây Ban Nha; Lippi của Italia, người có cơ hội rõ rãng nhất là Carlos Bilardo của Argentina tại Italia 90 nhưng đội bóng của ông đã thua trước đội Đức của Franz Beckenbauer…World Cup 2018, Joachim Loew của đội tuyển Đức có cơ hội, nhưng ĐT Đức và ông có bảo vệ được chức vô địch hay không khi đang phải đối mặt với những lời nguyền chưa lý giải?
Vậy năm 2018 Đức có khả năng bảo vệ thành công chức vô địch không? Theo cách tính toán của tôi, Đức sẽ có 100% bảo vệ thành công chức vô địch nếu như họ vào tới trận chung kết vì năm 2014 Đức vô địch ở giải đấu lần thứ 20, năm 2018 tại Nga là giải đấu lần thứ 21. Hãy chờ xem điều kỳ diệu!