Ẩm thực Việt trong mắt khách Tây

Dọc đường tác nghiệp từ Bordeaux, Paris (Pháp) tới Munich, Berlin, Leipzig hay Dortmund, thậm chí là ở một thành phố nhỏ cổ kính Quedlinburg (Đức) đều có rất nhiều quán Việt và thường đông khách, đặc biệt là “khách Tây”. Và hầu hết thực khách nơi đây đều bị các món ăn Việt Nam hấp dẫn.

Theo số liệu ước tính của Liên Hợp Quốc, Đức có dân số khoảng 84,5 triệu người (đứng thứ 19 thế giới) tính đến ngày 1/1/2024. Trong số đó có cộng đồng gần 185.000 người Việt. Đa phần người Việt Nam tới Đức bằng hình thức xuất khẩu lao động và du học nghề. Và hai nghề phổ biến nhất mà người Việt thường làm ở Đức là điều dưỡng và nấu ăn. Ở đây, chúng tôi muốn đề cập đến nghề nấu ăn, dịch vụ ăn uống và các nhà hàng Việt tại Đức.

Khách Tây thích các món ăn Việt Nam vì nhiều rau xanh, có lợi cho sức khỏe

Có thể nói, rất nhiều người Việt đã mở nhà hàng ăn uống, nhưng để thành công thì họ cũng phải trải qua rất nhiều vất vả, trở ngại về cách biệt văn hóa, khẩu vị. “Người Đức nói riêng và khách tây nói chung ăn mặn hơn dân Việt. Hơn nữa, họ cũng thích ăn đồ chiên rán nhiều hơn. Do đó, phải làm sao để hài hòa các món ăn, khẩu vị của các thực khách là vấn đề rất nan giải. Tuy nhiên, khi đã thu hút được khách địa phương, du khách thì họ sẽ không chỉ đến một hay hai lần, mà sẽ quay lại rất nhiều lần”, anh Huyên (47 tuổi), chủ một cửa hàng ăn nhanh có tiếng ở Đồng Xuân Center (Berlin) cho chúng tôi biết.

Cơm Việt Nam tại một nhà hàng nổi tiếng ở Berlin luôn là lựa chọn số 1 của nhiều khách Tây

Vậy “khách Tây” cảm nhận về đồ ăn, thức uống của người Việt Nam như thế nào? Trên hành trình tác nghiệp tại EURO 2024, ngoài thưởng thức các đặc sản địa phương, chúng tôi vẫn luôn nhớ các món ăn Việt. Vì thế, ê-kíp của chúng tôi luôn tìm đến các quán ăn Việt, và chú ý quan sát phản ứng của khách không phải là người Việt Nam đến đây. Khi nhận được câu hỏi “Bạn có cảm nhận gì về ẩm thực Việt”, hầu hết các thực khách Tây đều đưa ra trả lời tích cực và khen các món ăn Việt Nam như bún, phở, nem, bún bò hay bánh cuốn.

“Bạn biết không, không ít trong số chúng tôi đã ăn cay nhiều hơn sau những lần thưởng thức các món ăn kèm tương ớt hay ớt tươi tại các nhà hàng Việt Nam. Chúng tôi thích cái vị cay cay, chua chua, ngọt ngọt của món nem rán chấm nước mắm pha theo cách của người Việt. Ban đầu, chúng tôi ngạc nhiên khi người Việt thích chấm nước mắm. Nhưng giờ bản thân tôi lại nghiện món nước chấm này”, anh Thomas đến từ Munich cho chúng tôi biết sau khi ăn sushi tại nhà hàng Kyo Sushi ở Quedlinburg.

Nhiều khách Tây mê ngô nếp luộc ngon, dẻo của Việt Nam

Gia đình anh Thomas thường tới đây nghỉ dưỡng. Một phần vì anh thích không khí trong lành, thoáng đãng, phong cảnh hữu tình ở Quedlinburg, một phần vì rất nhớ đồ ăn trong quán Kyo. Anh Thomas nhấn mạnh rằng, nhà hàng này các món ăn luôn tươi mới, từ đầu bếp đến nhân viên phục vụ đều là người Việt, luôn niềm nở, tươi cười và chiều lòng “thượng đế”.

“Tôi đã đi ăn tại khá nhiều nhà hàng Việt Nam tại Pháp, Đức, Séc. Một đặc điểm chung là không khí tại những nơi đó luôn có điều gì đó hấp dẫn, thôi thúc tôi quay lại. Tôi thích cách họ phục vụ thực khách. Rất chu đáo, tận tình. Tôi cũng biết cách cầm đũa, gắp thức ăn giống người Việt, chứ không ăn bằng dao, dĩa như những ngày đầu. Một ngày nào đó, tôi sẽ đến thăm Việt Nam. Nhất định như vậy”, anh Josep, một du khách đến từ Tây Ban Nha nhấn mạnh.

Một góc nhà hàng Kyo tại Quedlinburg

Chúng tôi đã gặp rất nhiều nhận xét như vậy về các quán ăn, nhà hàng Việt tại Pháp, Đức, Séc trong những ngày rong ruổi châu Âu vừa qua. Sau đại dịch Covid-19, nhiều ngành nghề ở Đức, đặc biệt là dịch vụ ăn uống thiếu hụt trầm trọng. Vì thế, vài năm qua, Đức đã đón nhận rất nhiều du học sinh Việt Nam sang học nghề nhà hàng, khách sạn, nấu ăn. Đi tàu tới Leipzig, chúng tôi vô tình gặp được một nhóm sinh viên Việt Nam sang Đức học nghề nấu ăn. Các bạn đến từ nhiều tỉnh khác nhau của dải đất hình chữ S, đã sang đây được 1 năm, vừa học vừa làm.

“Chúng tôi mong sau khi học xong thì làm việc tại một nhà hàng có tiếng ở đây, tích lũy và có thể trở lại Việt Nam tự mở riêng một quán ăn theo sở thích của mình”, Bình, anh chàng 19 tuổi quê ở Nam Định, cho chúng tôi biết.

Món sushi do đầu bếp người Việt làm tại quán Kyo

Người Việt gắn kết với nhau

Cộng đồng người Việt tại Đức khá mạnh. Có gia đình có tới 3-4 anh chị em cùng ở khá gần nhau, chung tay mở nhà hàng để làm việc cùng nhau. Chị Nguyệt đến từ Hải Dương sang Đức gần 20 năm. Đến nay, cả gia đình chị đều ở đây, bên cạnh vợ chồng hai cậu em trai. Các nhân viên trong nhà hàng cũng đều là người Việt, từ đầu bếp tới chạy bàn. Cứ mỗi cuối tuần, cả ba gia đình chị em Nguyệt cùng các nhân viên sẽ “liên hoan” ăn uống ở nhà hàng chung tại Quedlinburg để hiểu nhau, gắn kết và động viên nhau sau những giờ lao động vất vả.

 

Nguồn: Bongdaplus
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.
Bạn cần đăng nhập để bình luận.
Tin liên quan
Mới nhất