“Thảm kịch Iceland” tưởng như sẽ lặp lại với người Anh. Một thất bại lịch sử, HLV trưởng từ chức, một kỷ nguyên tồi tệ mở ra. Sự tự mãn trước trận đấu hóa thành nỗi xấu hổ tận cùng sau hồi còi mãn cuộc. Người Anh từng rớt xuống đáy sau trận thua Iceland tại vòng 1/8 EURO 2016. Hôm qua, thầy trò Southgate cũng đã tiến đến bờ vực đó trước khi Bellingham tung người móc bóng ảo diệu.
Và chỉ ít lâu sau tới lượt Harry Kane đánh đầu nâng tỷ số lên 2-1, bắt nguồn từ cú sút hỏng của Eze vô tình đưa trái bóng tới Ivan Toney để tiền đạo này đánh đầu kiến tạo cho Kane. Và Anh giành vé vào tứ kết. Hãy tưởng tượng bạn đang ngồi xem đoạn cuối bi kịch của Titanic, bỗng một siêu anh hùng xuất hiện nhấc con tàu khỏi bị đắm và cặp đôi Jack – Rose sống hạnh phúc bên nhau suốt đời.
Mọi thứ thật khó lý giải trong một ngày tồi tệ của Tam sư. Nhưng thật kỳ lạ khi Southgate có thể ngồi trong phòng họp báo để thuyết trình về động lực to lớn của các cầu thủ Anh, về nguồn cảm hứng World Cup 1966, về niềm tin bất diệt rằng “chúng tôi có thể lật ngược tình thế”. Khi thắng thì nói gì cũng thành hay. Chỉ có Southgate biết rõ không thể tự lừa dối mình. Cho tới trước khi Bellingham ghi bàn, nỗi tuyệt vọng đã xâm chiếm tất cả. Và Southgate hẳn đã nghĩ đến những cuộc họp nặng nề với FA sau đó.
Cái thở phào của Southgate không che đậy được thực tế đáng buồn của Anh. Ngoại trừ hai pha giải cứu xuất thần của Bellingham và Kane, Tam sư đã có màn trình diễn tồi tệ nhất từ đầu giải, thậm chí còn tệ hơn cả hai trận gặp Đan Mạch và Slovenia tại vòng bảng.
Hãy nhớ rằng bàn gỡ hòa vào phút 90+5 của Bellingham mới là pha dứt điểm trúng đích đầu tiên của Anh trước Slovakia. Dấu ấn đáng kể trước đó chỉ là cú sút xa dội cột dọc của Declan Rice. Đầu ra trong các pha tấn công của Anh hoàn toàn bế tắc. Họ thiếu những đường chuyền cuối cùng có tính sát thương. Bởi một điều căn bản khác mà Anh còn chưa làm nổi, đó là tạo ra sự liền mạch trong lối chơi và sự linh hoạt đủ để mang tới những pha lên bóng khó lường.
Hình ảnh thường thấy của các cầu thủ Anh là mỗi khi họ giữ bóng, trước áp lực bủa vây của đối phương, lại không tìm thấy đồng đội ở vị trí thuận lợi để phối hợp và giải vây. Lựa chọn duy nhất là chuyền về hoặc để mất bóng. Xét về kết cấu lối chơi, tính nhịp điệu và ăn ý, đội bóng trị giá 1,5 tỷ euro của Southgate còn không tốt bằng Slovakia với giá trị đội hình chỉ bằng 1/10.
Vì sao đội ngũ toàn sao của Anh lại đá dở đến vậy? Southgate vẫn đang đi tìm câu trả lời và có thể sẽ chẳng bao giờ tìm ra. Vì mọi nỗ lực điều chỉnh nhân sự và chiến thuật của Southgate đều không làm thay đổi diện mạo buồn tẻ của Tam sư. Ông dùng 4-2-3-1 ở đội hình xuất phát sau đó lại chuyển thành 5-3-2, kéo Bellingham về đá tiền vệ trung tâm, kéo Saka về vị trí hậu vệ trái sau đó lại đưa cầu thủ Arsenal trở lại vị trí tấn công quen thuộc bên cánh phải.
Những điều chỉnh của Southgate, về mặt hiện tượng, đã mang về bàn thắng vàng cho Kane khi hai cầu thủ vào thay người là Eze và Toney in dấu giầy vào “pha phối hợp”. Nhưng về mặt bản chất thì không cần phải là một nhà chuyên môn để nhận ra sự bế tắc cùng cực của người Anh. Thậm chí xét về khía cạnh phòng ngự, Anh còn tệ hơn cả vòng bảng với những thời điểm hoảng loạn trước Slovakia.
Phía trước Anh lúc này là Thụy Sỹ, đội bóng đã hạ Italia bằng lối chơi có tính tổ chức rất cao. Nhưng thầy trò Southgate cũng chẳng thiếu tự tin vì họ có trong tay những ngôi sao thế giới. Lúc này, Anh chẳng có chỗ dựa nào khác ngoài những khoảnh khắc lóe sáng cá nhân.