Ballack: 'Bóng đá Đức vận hành khuôn mẫu, nặng về thể diện nên không thể đột phá' (thứ 6)

Trong cuộc trao đổi với Bóng Đá, Michael Ballack thẳng thắn chia sẻ những vấn đề bóng đá Đức gặp phải, khiến cuộc khủng hoảng ở cấp ĐTQG của nền bóng đá này chưa tìm thấy lối thoát, đồng thời dự báo về kết quả ĐT Đức tại kỳ EURO 2024 tới đây.

Michael Ballack từng là tiền vệ trụ cột của ĐT Đức 

PV: Michael Ballack, anh có tham gia vào quá trình chuẩn bị hay hướng tới EURO 2024 không, ít nhất là trên cương vị của một huyền thoại bóng đá Đức và thủ lĩnh của lứa cầu thủ cuối thập niên 90 thế kỷ trước?

Ballack: Tôi không tham gia nhiều vào các hoạt động quảng bá hay vận động cho EURO 2024. Thực ra, đã nhiều năm qua, bóng đá không còn là ưu tiên của tôi, dù tôi vẫn đang vận hành một công ty quản lý cầu thủ. 

Vậy mối quan tâm hàng đầu của anh là gì? 

Tôi đã bỏ lỡ nửa đời người đầu tiên vì bóng đá, bao gồm cả những điều hết sức tầm thường trong mắt người khác, như tuổi thơ, những trò đùa trẻ con hay một tấm album chụp ảnh với bạn học phổ thông. Hơn mười năm qua, tôi có nhiều sở thích hơn là bóng đá. Nếu phải chọn một, đó là thưởng thức nghệ thuật. 

Ballack của hiện tại không còn dành nhiều thời gian cho bóng đá 

Tại sao là nghệ thuật, và cụ thể là loại hình nào trong nghệ thuật? 

Tôi thường nghĩ nếu không đá bóng, bản thân sẽ trở thành kiến trúc sư. Bác sĩ và kiến trúc sư là hai tấm gương các gia đình ở Đông Đức trước kia muốn con cái noi theo khi trưởng thành. Đó là những lựa chọn, định hướng nghề nghiệp an toàn nếu bạn tìm hiểu về bối cảnh lịch sử ở nước Đức nhiều thập kỷ trước.

Sau này, vợ cũ của tôi (Simone Ballack) khá tích cực hoạt động trong các lĩnh vực sáng tạo. Cô ấy theo đuổi sự nghiệp ca hát, diễn xuất và truyền hình thực tế. Sở thích của Simone là tham dự triển lãm nghệ thuật khắp thế giới. Năm 2010, Simone tham gia đầu tư, sở hữu cổ phần tại phòng trưng bày các tác phẩm của Georg Baselitz - họa sĩ, nhà điêu khắc bậc thầy và cũng là hàng xóm cũ của gia đình tôi ở Ammersee, Bavaria. Tôi ít nhiều bị ảnh hưởng từ Simone. 

Anh thực sự thấy rằng nghệ thuật và hội họa hấp dẫn hơn bóng đá, hay muốn tìm kiếm khởi đầu mới sau cái kết không thật sự trọn vẹn với bóng đá? Chúng ta đang đề cập sự việc của 14 năm trước, về việc anh rời khỏi ĐTQG với những rạn nứt, đổ vỡ cùng LĐBĐ Đức (DFB) và HLV Joachim Loew.

Nghệ thuật hay hơn bóng đá ở chỗ là người trong cuộc không phải gồng lên và đẩy giới hạn của bản thân. Nói tới nghệ thuật là nói về khía cạnh thẩm mỹ chủ quan. Bạn thấy đẹp, tôi thấy xấu, quan điểm nào cũng không sai. Có nhiều cách để thưởng thức và thẩm định nghệ thuật, còn với bóng đá, con đường duy nhất luôn là: Chiến thắng và xô đổ cột mốc. 

Thật ra, “tiêu chuẩn kép” luôn tồn tại trong bóng đá hay thể thao chuyên nghiệp. Bạn là cầu thủ, bạn nhận mức thu nhập cao hơn mặt bằng xã hội, bạn lại là người Đức, nghĩa là bạn không được phép tỏ ra yếu đuối. Tôi đồng ý với quan điểm này, vì những người như tôi có thể sống ung dung mà không cần biết quá nhiều kỹ năng hay kiến thức xã hội. 

Đồng thời, cầu thủ bóng đá cũng là một số phận bình thường phải đối mặt với những rủi ro và áp lực trong cuộc sống. Khi một sự việc xảy ra, tôi - với tư cách một công dân - có quyền và nhu cầu lên tiếng giải thích. 

Khái niệm tiêu chuẩn kép được diễn giải ở tình huống này. Nếu tôi nói những thứ dư luận không muốn nghe, dư luận sẽ phản đối. Nếu tôi nói những thứ dư luận hấp thụ được, thì phát biểu của tôi lập tức sẽ bay vào không khí khi các tổ chức lớn liên quan tới bóng đá có đủ năng lực và quyền lực xã hội để định hướng lại dư luận. Đó là những gì đã xảy ra trong giai đoạn cuối sự nghiệp bóng đá của tôi. 

Trong nghệ thuật, những định kiến và các ràng buộc xã hội ít hơn. Không ai có thể định giá nghệ thuật, và vì vậy ai cũng có quyền bình đẳng ngôn luận khi phê bình một tác phẩm nghệ thuật. Khác biệt lớn nhất giữa bóng đá và nghệ thuật, đấy là nghệ thuật tôn trọng sự khác biệt. 

Ballack từng là trụ cột của ĐT Đức dưới thời HLV Joachim Loew 

Anh có thể giải thích thêm về thứ quyền lực mà các tổ chức bóng đá nắm giữ? Tầm ảnh hưởng của quyền lực đó được thể hiện ở các khía cạnh nào?

Năm 2005, tôi còn một năm hợp đồng và đã trung thực thông báo với Karl Rummenigge rằng tôi chưa ưu tiên việc gia hạn với Bayern. Tôi cần lắng nghe các lời đề nghị từ Anh và muốn ba bên (người đại diện của tôi, Bayern và Chelsea hoặc M.U) làm việc công khai trước khi tìm ra giải pháp tốt nhất. Nhưng ở cuộc họp cổ đông, lãnh đạo Bayern tuyên bố “Ballack không cam kết tinh thần với đội bóng và Bayern không có nhu cầu giữ lại một cầu thủ đã muốn ra đi”. 

Năm 2010, sau chấn thương rách dây chằng ở trận chung kết FA Cup, tôi biết bản thân không thể tham dự World Cup 2010 trên cương vị cầu thủ. Tôi chủ động gọi cho Joachim Loew để hỏi xem liệu mình có thể lên máy bay tới Nam Phi với vai trò bên lề nào đó không, hoặc đơn giản là đi làm cổ động viên. Loew gật đầu, bảo tên tôi sẽ có trong danh sách đi Nam Phi của đội. 

Thế rồi, đại diện của DFB liên lạc và báo với tôi: Joachim Loew hỏi bao giờ Ballack tuyên bố giã từ sự nghiệp bóng đá quốc tế? Báo chí bắt đầu vào cuộc, và rất nhiều bài viết nói rằng tôi có xung đột nghiêm trọng với Joachim Loew, ép HLV và DFB phải điền tên tôi vào danh sách đăng ký thi đấu, làm dấy lên câu hỏi: Sự hiện diện của tôi ở Nam Phi là lý do ngăn sự đi lên của bóng đá Đức.

Tôi đã bắt đầu sự nghiệp với niềm tin phải bảo vệ các giá trị tập thể và sau đó, tôi nhận ra mình là nạn nhân của “giá trị thập thể”. 

Giá trị tập thể, đặt trong bối cảnh bóng đá Đức, có thể diễn giải ra sao?

Hai câu chuyện tôi vừa kể cho thấy: Các tổ chức bóng đá Đức như Bayern và DFB được định vị tốt thế nào trên truyền thông đại chúng, và họ là bậc thầy trong việc vận dụng thứ quyền lực được xã hội trao cho. Rõ ràng là Bayern, DFB, Rummenigge hay Joachim Loew đều chưa thành thật với báo chí về các nội dung trao đổi với tôi. Nói cách khác, những nhân vật có thẩm quyền tìm cách đánh tráo khái niệm, từ đó dẫn tới những thông điệp lệch lạc được gửi tới dư luận. 

Cá nhân tôi đánh giá, bóng đá Đức theo đuổi chủ nghĩa hoàn hảo. Hoàn hảo tới mức các tổ chức này muốn triệt tiêu mọi phát sinh nằm ngoài dự tính và nếu có phát sinh, họ sẽ tìm một lý do dễ được đám đông chấp nhận nhất thay vì cố gắng xử lý khủng hoảng chuyên nghiệp và tìm ra nguyên nhân thực chất. 

14 năm trước, nếu DFB muốn tôi rời ĐTQG, họ có thể nói thẳng và tôi sẽ không bao giờ bước lên máy bay tới Nam Phi. Nhưng DFB một mặt không muốn trực tiếp thương thảo với tôi, mặt khác lại muốn khán giả nhận thức rằng: Bóng đá Đức chưa từng chối bỏ Ballack, đó là vì Ballack không thức thời, lấy danh công thần làm khó HLV. 

Ballack cho rằng bóng đá Đức cần thoát ra khỏi tư tưởng cũ kỹ 

Anh có cho rằng, cuộc khủng hoảng bóng đá Đức trải qua những năm gần đây bắt nguồn từ những lý do kể trên? Và ĐT Đức có cơ hội nào thay đổi cuộc chơi tại kỳ EURO sắp tới tổ chức ở sân nhà không?

Tôi không biết nữa (cười). Tôi chỉ nói dựa trên trải nghiệm cá nhân. Nhưng tôi biết rằng, bóng đá Đức thiếu đi những cá tính, và vì thiếu cá tính nên bóng đá Đức thiếu đi những giải pháp đột phá. 

Sự hiện diện của Nagelsmann trên băng ghế chỉ đạo đại diện cho làn gió mới. Hoặc có thể chỉ là một sự liên kết trong ngắn hạn, cho tới khi Nagelsmann thấu tỏ: Anh ấy không hề thuộc về nơi đây, giống như những gì xảy ra ở Bayern Munich. Nhưng ít nhất ở thời điểm này, Nagelsmann là người hiếm hoi dám đổi mới cái gì đó tại Đức.

Tôi thấy nhiều người chỉ trích Nagelsmann về một số quyết định nhân sự, như việc xếp Kai Havertz chơi hậu vệ cánh. Nói thế nào nhỉ, nghĩa là bóng đá Đức chỉ muốn “dán nhãn cầu thủ vào một vị trí”. Họ sẽ không chấp nhận kiểu Wayne Rooney đang là tiền đạo rồi xuống đá tiền vệ trung tâm. 

Tôi sẽ kể cho các bạn nghe một câu chuyện nữa. Tháng 12 năm ngoái, Nagelsmann có trao đổi với Leon Goretzka. Nagelsmann muốn Goretzka tập chơi ở vị trí tiền đạo lùi, gần giống với phong cách thi đấu của Thomas Mueller. 

Trong thế giới bóng đá hiện đại, theo phân tích của Nagelsmann, các đội bóng đã từ bỏ phong cách phòng ngự “người kèm người” và tập trung xây dựng hệ thống phòng ngự khối theo không gian và khu vực. Khả năng “đánh cắp không gian, len lỏi vào các khoảng trống giữa các tuyến phòng ngự của đối phương” là năng lực khác biệt Nagelsmann nhận thấy ở Goretzka. Nagelsmann cần một giải pháp hoàn toàn mới cho mặt trận tấn công, vốn đã bế tắc nhiều năm nay.

Câu trả lời của Goretzka là gì bạn biết không? “Tôi hào hứng nhưng không sẵn sàng, vì không muốn bị chỉ trích”, Nagelsmann kể lại câu trả lời của Goreztka cho tôi nghe. Chi khi nào chúng ta nhìn thấy một ĐT Đức không cố gắng lắp cầu thủ vào mảnh ghép như những khuôn mẫu được thiết kế sẵn nhiều năm qua, khi ấy, tôi nghĩ, mới có thể có thành công đột phá. 

Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Trả lời...

Vài nét về Michael Ballack
Michael Ballack, sinh ngày 26/8/1976 ở Đông Đức, là cựu tiền vệ từng khoác áo Leverkusen, Bayern Munich và Chelsea. Anh cũng có hơn 10 năm khoác áo đội tuyển Đức (1999-2010), ra sân 98 lần và có 42 bàn thắng. Ballack là trụ cột của đội tuyển Đức đã vào tới chung kết World Cup 2002, về thứ ba ở World Cup 2008 và về nhì ở EURO 2008.

 

Nguồn: Bongdaplus
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.
Bạn cần đăng nhập để bình luận.
Tin liên quan
Mới nhất