Tôi đang cảm nhận và quan sát mọi thứ ở thủ đô Berlin, mảnh đất không hào hứng lắm với bóng đá như nhiều nơi khác trên đất Đức. Khi còn sống ở bang Bayern, bóng đá hiện hữu ở khắp nơi xung quanh tôi. Từ siêu thị, đường phố, giấy dán xe ô tô của bất kỳ ai cho tới trường học, các văn phòng, cơ quan hành chính, hoặc người ta thậm chí mặc áo đấu bóng đá đi chơi, tập thể thao.
Ngay cả trong những tháng ngày không có các giải đấu quốc tế, đội FC Nuremberg đá một trận trong khuôn khổ Hạng Nhì cũng có thể biến không khí bóng đá trở thành một lễ hội. Người ta uống bia, hò hét từ sáng, và nhiệt huyết mạnh dần cho tới khi trận đấu diễn ra đủ để cảnh sát luôn túc trực ở các tuyến đường, các bến tàu điện ngầm.
Ở đó, bạn biết bóng đá như huyết quản của dân tộc này. Tôi không đại diện cho bất kỳ loại khảo sát xã hội nào, nhưng nếu lấy trải nghiệm cá nhân làm một hệ quy chiếu, cứ 10 người đàn ông tôi gặp ở Bayern thì sẽ có 7, 8 người đam mê bóng đá.
Berlin không thế. Tôi chưa từng quen biết một cổ động viên bóng đá nào trong gần 3 năm sống ở đây. Tất nhiên, mỗi khi Hertha Berlin hay Union Berlin thi đấu vẫn có lác đác từng nhóm CĐV thoáng qua, nhưng chẳng có mấy tiếng hát hò, càng không có bất kỳ khẩu hiệu bóng đá nào. Người Berlin (Berliner) có nhiều cái để quan tâm, và bận tâm hơn. Bóng đá chỉ là một phần nhỏ trong cuộc sống ở đây, nó không đủ nội tại so với những điều khác để kích thích sự máu lửa của người ta.
Ở đây, bạn thấy nhiều tờ rơi được phát cho một hoạt động thiện nguyện, vui chơi hơn là các banner, hình ảnh liên quan tới bóng đá. Berliner huyên náo, nhiệt huyết nhất là khi họ xuống đường biểu tình phản đối đủ thứ trên đời, và vui nhất khi có một ngày hội festival - mà đặc biệt là liên quan tới nhạc Techno.
Bóng đá mang màu sắc của niềm tự hào dân tộc. Một bàn thắng quan trọng đưa một cầu thủ trở thành người hùng dân tộc, một bàn thua ngớ ngẩn lại có thể biến anh ta trở thành tội đồ. Và đây cũng chính là lý do Berliner thờ ơ với nó. Ở Berlin không có chỗ cho tinh thần dân tộc, một nghịch lý khá mỉa mai vì đây là thủ đô nước Đức.
Thế hệ này đã coi nó là một thứ không đáng tự hào, bạn dễ bị đánh giá là người theo phe cực hữu nếu bạn không là một người cánh tả, dù rằng bạn trung lập. Đảng AfD (cực hữu) có thể nhận được nhiều lượt xem trên TikTok với chính kiến bảo vệ dân tộc khỏi những xâm phạm ngoại lai dưới bất kì hình thức nào, nhưng đó là trên mạng thôi. Ở ngoài đời, đảng này phải nhận làn sóng phản đối bằng rất nhiều cuộc biểu tình khác nhau,
Berlin là một xã hội với nhiều chủng tộc cùng gọi là Berliner, rất nhiều người và các tiệm ăn chay, làn đường dành riêng cho xe đạp ngày càng rộng hơn, song song với đường cho ô tô, chủ nghĩa tiêu dùng hay tư bản cũng ngày càng bị tẩy chay vì ở đây người ta thích mua đồ cũ, và một người giàu có với chiếc xế đẹp không thu hút được những ánh nhìn ngưỡng mộ, trái lại, có thể là sự khinh thường nếu anh ta lái chiếc xe đó quá nhanh, mở nhạc quá lớn.
Trong một bức tranh lớn và phức tạp như vậy, bóng đá tất nhiên không phải là một nét vẽ chính. Những ngày này, người ta cũng bận nói chuyện về các đảng phái, cần phải bỏ phiếu cho ai chứ đừng bỏ phiếu trống vì điều đó có thể trực tiếp có lợi cho một đảng mà họ có thể không ưa. Bóng đá đã sát sườn, nhưng trên các khu trung tâm lớn, các khẩu hiệu về LGBTQ, quyền con người, bảo vệ môi trường vẫn lấn át tất cả.
Có thể khi bóng thực sự lăn, mọi chuyện sẽ khác… Nhưng cho tới lúc đó, một phần lớn Berlin vẫn như đang miễn dịch với EURO.