"Tiếng sấm" khuynh đảo châu Âu
Năm 2016 đánh dấu một bước ngoặt lớn trong lịch sử bóng đá Iceland: quốc gia với dân số vỏn vẹn hơn 350.000 người đã có lần đầu tiên trong lịch sử góp mặt ở một giải đấu lớn, VCK EURO 2016 tại Pháp. Đoàn quân của HLV Lars Lagerback nằm ở bảng F với các đối thủ Hungary, Bồ Đào Nha và Áo. Câu chuyện cổ tích dĩ nhiên chưa dừng lại ở đó, khi tuyển Iceland gây sốc bằng việc cầm hòa Bồ Đào Nha 1-1 ở trận ra quân.
Sau đó, họ tiếp tục cầm hòa Hungary với tỷ số tương tự, trước khi đánh bại Áo 2-1 trong trận cuối cùng để đứng nhì bảng chung cuộc, qua đó giành vé vào vòng 1/8 theo một kịch bản khó tin. Chẳng ai nghĩ một "lính mới" tại sân chơi EURO lại thi đấu hay như vậy để bước tiếp, đặc biệt khi Iceland rơi vào một bảng đấu quá khó khăn trước các đội tuyển mạnh hơn và dày dạn kinh nghiệm.
Tiền vệ Arnor Ingvi Traustason trở thành người hùng của tuyển Iceland, bởi chính anh là tác giả của bàn thắng ở phút 90+4, giúp đội nhà đánh bại Áo trong trận cầu nghẹt thở. Và sau khi tiếng còi mãn cuộc vang lên, đội tuyển Iceland đã trình làng cho cả thế giới màn ăn mừng "có một không hai". Toàn đội cùng ban huấn luyện của Iceland tập trung lại trước khán đài đầy ắp cổ động viên nhà. Họ dang rộng hai cánh tay rồi vỗ mạnh trên đầu kèm tiếng hô vang "Huh!".
Ban đầu, những tiếng vỗ tay được thực hiện với nhịp điệu chậm song theo thời gian, tốc độ dần được đẩy lên một cách dồn dập. Sự đồng điệu trong từng cái vỗ tay kèm tiếng hô vang giữa các cầu thủ và người hâm mộ Iceland đã tạo ra một âm thanh vang vọng, hoành tráng chẳng khác nào "tiếng sấm rền", khiến bất kỳ ai cũng phải cảm thấy sởn gai ốc. Cái tên "Iceland Clap", "Thunderclap" hay phổ biến nhất là "Viking Clap" ra đời kể từ đó, biến nó trở thành đặc điểm nhận dạng không thể lẫn vào đâu của tuyển Iceland.
Sau chiến thắng kinh thiên động địa 2-1 trước Anh tại vòng 1/8 EURO năm ấy, tuyển Iceland một lần nữa trình diễn màn ăn mừng vỗ tay "sấm rền" của mình. Người Anh có thể cảm thấy đau đớn tột cùng khi chứng kiến những hình ảnh hào hùng và tiếng hô vang làm rung chuyển cả sân vận động, nhưng cả châu Âu đã phải lòng Iceland, bị mê hoặc bởi màn ăn mừng mang sức hút mạnh mẽ đến khó tả.
Vũ điệu "mô-đi-phê" của Iceland
"Nó hoàn toàn mới lạ. EURO 2016 là lần đầu tiên chúng tôi thấy kiểu ăn mừng này. Tôi thậm chí còn chưa bao giờ nghe nói về nó trước đây", Kari Arnason - cựu tiền vệ của tuyển Iceland năm xưa - chia sẻ trên trang chủ FIFA. Lời chia sẻ của Arnason đã hé lộ một sự thật: màn ăn mừng "sấm rền" của Iceland không có nguồn gốc từ họ, thay vào đó, đến từ một quốc gia khác.
Theo ấn phẩm Morgunbladid của Iceland, "cha đẻ" của màn ăn mừng bắt nguồn từ Scotland. Cụ thể, nó thuộc về các cổ động viên của CLB Motherwell với bài hát "Since I Was Young" (tạm dịch: Khi tôi còn trẻ). Năm 2014, CLB Stjarnan của Iceland có chuyến làm khách trước Motherwell ở Europa League. Ngay lập tức, một nhóm cổ động viên có tên "Silver Spoons" của Iceland trở nên say mê với tiếng vỗ tay rầm rầm theo tiếng trống của đối thủ, để rồi mang về truyền lại cho nhóm cổ động viên cho chiến dịch vòng loại EURO 2016.
"Iceland học hỏi từ fan của Motherwell, nhưng tôi nghĩ nó giống kỹ thuật mà người Viking được sử dụng khi chèo thuyền: đánh trống để giữ nhịp tay chèo", Hilmar Jokull - phó chủ tịch hội cổ động viên Tolfan của Iceland, chia sẻ với AFP. Đối với người hâm mộ Iceland, đặc biệt là những fan theo phong cách "ultra" của Tolfan, màn vỗ tay là chuyện nghiêm túc, thể hiện tinh thần "samheldni" - thống nhất và gắn kết. "Mọi cơ bắp của bạn phải gồng lên. Khoảnh khắc các cầu thủ và người hâm mộ kết nối thật đáng kinh ngạc", Jokull nói thêm.
Sâu xa hơn, người ta nói rằng Motherwell có thể đã lấy ý tưởng của màn ăn mừng từ bộ phim nổi tiếng có tựa "300" được công chiếu năm 2006. Trong một cảnh quan trọng, Leonidas chế nhạo kẻ thù của mình và lên tinh thần cho đội quân của mình bằng cách hét lên: "Các chiến binh Sparta! Công việc của các người là gì?". Tất cả phản ứng bằng cách hét lên "Huh!" và vung cây giáo lên trời.
Rốt cuộc, kiểu ăn mừng của Iceland đã tạo thành cơn sốt không chỉ gói gọn tại EURO 2016, mà còn được đông đảo các đội tuyển trên toàn thế giới học theo. Tại Asian Cup 2019, các cổ động viên Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Iran và thậm chí cả Việt Nam đều chuộng điệu vỗ tay chậm rãi từng nhịp đồng nhất nhưng mang đầy tính biểu tượng, thể hiện tinh thần đoàn kết giữa người hâm mộ và các cầu thủ. Giờ đây, khi nhắc đến Iceland, ai nấy đều sẽ nhớ ngay đến "Viking Clap" - một màn ăn mừng có thể nói là danh bất hư truyền.
Biến thể khác của "Thunderclap"
Hậu EURO 2016, màn ăn mừng nổi tiếng của Iceland đã có mặt tại Minnesota (Mỹ), nơi người Viking giới thiệu nó với cổ động viên của họ. Bank mở cửa. Người Viking hét "Skol!" trong lúc vỗ tay thay vì "Huh!" như Iceland. Người hâm mộ Viking còn sử dụng thuật ngữ "Skol Vikings" vì đây là tên bài hát chiến đấu của người Viking. Đáng chú ý, "Skol" bắt nguồn từ từ "Skal" trong tiếng Thụy Điển, tiếng Đan Mạch và tiếng Na Uy, mang nghĩa là một cái bát chứa đầy bia và cụng với các bạn bè. Bởi vậy, từ này đã trở thành một cách nói "Chúc mừng!".