Đức và Pháp là những nền bóng đá hàng đầu châu lục trong suốt nhiều năm qua và việc họ được đánh giá là những ứng cử viên hàng đầu cho chức vô địch EURO 2016 là điều hết sức dễ hiểu. Tuy nhiên, NHM sẽ không cóm cơ hội thưởng thức đại chiến ở chung kết, bởi Đức và Pháp sẽ phải loại nhau ở bán kết, qua đó trở thành đối thủ của Bồ Đào Nha trong trận đấu cuối cùng của giải đấu.
Có một con số mà NHM sẽ phải rất chú ý, đó là 12. Năm 1992, một Đan Mạch dự EURO theo dạng vớt thay thế Nam Tư bị cấm đã bất ngờ đăng quang với một tập thể trước đó còn rục rịch chuẩn bị đi nghỉ Hè. Năm 2004, một năm điên rồ của bóng đá lục địa già, khi Porto và Monaco vào chơi chung kết Champions League, còn ở cấp độ ĐTQG thì Hy Lạp với một đội hình lớn tuổi bất ngờ đánh bại Bồ Đào Nha ở trận chung kết để lên đỉnh châu Âu. Năm 2016, Bồ Đào Nha lúc này không còn được đánh giá cao như thế hệ vàng trước đó, thay thế Hy Lạp trở thành ẩn số thú vị của giải đấu.
Đoàn quân của HLV Fernando Santos đã có một khởi đầu đáng quên ở vòng bảng (3 điểm/3 trận) và chỉ may mắn giành vé vào chơi vòng 1/8 nhờ là 1 trong 3 đội xếp thứ 3 có thành tích xuất sắc nhất. Đến vòng 1/8, người Bồ bất ngờ vượt qua đội bóng nhận được nhiều kỳ vọng Croatia với tỷ số sít sao 1-0. Tưởng chừng cuộc chơi của đội tuyển thuộc bán đảo Iberia sẽ dừng lại ở đây với màn trình diễn nặng cơ bắp, thiếu sáng tạo, thì họ lại gây sốc khi đánh bại Ba Lan sau loạt luân lưu cân não, và mới nhất là Xứ Wales với sự xuất thần của Cristiano Ronaldo - ngôi sao lúc tỏ lúc mờ từ đầu giải.
Ronaldo năm nay sẵn sàng hy sinh để đóng góp vào thành công chung của cả đội
Nhìn lại hành trình của Bồ Đào Nha có thể thấy họ đang tái hiện lại hành trình của Hy Lạp 12 năm trước. Khởi đầu kém cỏi, thậm chí bị chỉ trích rất nhiều vì lối chơi thiếu "muối", tiêu cực nhưng đi sâu hơn thì có thể nhận ra đó là những miếng chiến thuật có chủ đích của các ông thầy, trước là Otto Rehhagel và bây giờ là Fernando Santos. Hy Lạp trước đây đăng quang nhờ một tập thể gắn kết được cấu thành từ những cá nhân bình thường thì Bồ bây giờ cũng không khác gì với Ronaldo là ngôi sao sáng nhất thi đấu bên cạnh những đồng đội không cùng đẳng cấp.
Việc Bồ lúc này bị chỉ trích không còn xứng đáng với biệt danh Seleccao (Brazil châu Âu) thực tế cho thấy sự thức thời của họ. Từ bỏ lối chơi kỹ thuật đã trở thành thương hiệu để hướng tới sự hiệu quả là một quyết định đúng đắn nếu nhìn vào chất cũng như lượng của người Bồ!
Ở một giải đấu vốn dĩ có đầy rẫy bất ngờ như EURO 2016 như việc Xứ Wales và Iceland tiến sâu trong lần đầu tham dự; các đại gia Anh, Tây Ban Nha và Bỉ sớm rời cuộc chơi; thì giả sử một đội bóng trầy trật góp mặt ở trận chung kết rồi lên ngôi như Bồ Đào Nha cũng… bình thường thôi.
Năm 1980, tức 12 năm trước khi Đan Mạch làm nên lịch sử tại EURO 1992, Bỉ từng gây tiếng vang khi lọt vào trận chung kết và nhận thất bại 1-2 trước Đức. Đáng chú ý, Bỉ trước đó chỉ giành chiến thắng đúng 2 lần ở các giải đấu chính thức. Tuy vậy, 12 vẫn được xem là con số may mắn khi sau đó lần lượt các đội bóng không được đánh giá cao như Đan Mạch và Hy Lạp lần đầu lên ngôi ở EURO. Liệu con số 12 may mắn có ứng nghiệm với người Bồ? |