“Đội bóng này không còn là Đức nữa. Anh nhìn xem có bao nhiêu người Đức còn chơi bóng, đây là một trò đùa”, một người đàn ông lớn tuổi đội mũ bóng chày, vừa bình tĩnh chất đồ mua sắm vào cốp xe của mình ở thành phố Đông Đức Thuringa vừa chia sẻ. Đó là một phân đoạn trong những thước phim của bộ phim tài liệu gây tranh cãi mà đài ARD thực hiện có tên “Einigkeit und Recht und Vielfalt” (Đoàn kết, công lý, và đa dạng) - ẩn dụ móc mỉa từ câu gốc trong Quốc ca Đức “Einigkeit und Recht und Freiheit” (Đoàn kết, công lý, và Tự do).
“Làm thế nào anh xác định được người Đức là ai?” người dẫn lời trong phim, Philipp Awounou hỏi.
“Đối với tôi, một người Đức thực sự – và tôi không muốn xúc phạm anh – là người có làn da sáng.”
“Tại sao tôi không thể là một người Đức thực sự?”
“Bởi vì bố mẹ anh không thể là người Đức.”
“Mẹ tôi là người Đức,” Awounou phản đối.
“Được, tốt thôi,” người đàn ông nhún vai nói. “Điều đó tất nhiên là có thể. Nhưng… những người Đức da sáng mà biết đá bóng ở đâu hết rồi?”
Những người Đức có thể rùng mình với phát biểu của quý ông lớn tuổi này, vì nó gợi họ nhớ tới quá khứ đen tối mà phát xít Adolf Hitler đã phủ lên dân tộc bằng sự khát máu, phân biệt chủng tộc bệnh hoạn, khi mà "chủng tộc thượng đẳng" trong não hắn tức là da phải sáng và tóc phải vàng.
Một cuộc khảo sát với 1.304 người xem bộ phim tài liệu này cho thấy chỉ có 21% người đồng tình với người đàn ông ấy, tức là muốn đội tuyển của họ có nhiều cầu thủ da trắng hơn. Tháng trước, một đoạn video được phát tán rộng rãi quay trên đảo Sylt ở Đức cho thấy một nhóm du khách trẻ, giàu có, cùng nhảy nhót hát hò theo giai điệu một bài hát của Đức Quốc Xã và giơ tay chào kiểu Hitler. Những người này ngay lập tức mất việc.
Dẫu thế, đảng Cực hữu AfD lại đang thắng thế trước Liên minh cầm quyền của thủ tướng Olaf Scholz. Bên ngoài Berlin, người ta đã bắt đầu bầu cho AfD nhiều hơn, bất chấp những cuộc biểu tình với hàng trăm ngàn người nhiều tháng qua. Ở thời điểm tôi viết những dòng này, AfD đang đứng thứ 2, chỉ sau CDU/CSU (Đảng Liên Minh dân chủ Xã hội/Cơ đốc giáo của cựu thủ tướng Angela Merkel), giành được thêm tới 6 ghế ở nghị viện châu u.
Tại sao đột nhiên, một quốc gia từng nghĩ rằng chủ nghĩa phát xít đã bị chôn vùi mãi mãi lại bắt đầu chứng kiến bóng ma của mình trỗi dậy một lần nữa? Rõ ràng ta sẽ khó mà sớm có câu trả lời.
Chính trị, như một lẽ hiển nhiên âm thầm, liên quan mật thiết tới bóng đá. Đội tuyển Đức bây giờ không ngợi ca sự nam tính, thuần Đức mà thế hệ của Stefan Effenberg, Oliver Kahn, mái tóc vàng của Juergen Klinsmann, Oliver Bierhoff đại diện. Cựu đội trưởng Manuel Neuer sẵn sàng là người khởi xướng phong trào đòi bình đẳng cho người đồng tính trên đất Qatar mới cách đây 2 năm, nằng nặc đòi đeo băng đội trưởng hình cầu vồng. Đội trưởng mới của Đức là Ikay Guendogan thì mang 100% dòng máu Thổ Nhĩ Kỳ, chỉ sinh ra ở Đức. HLV Julian Nagelsmann và hậu vệ Joshua Kimmich thì công khai chỉ trích bộ phim tài liệu kịch liệt.
Và nếu bóng đá là đấu trường của xung đột thì nó cũng là tâm điểm của sự phản kháng. Các huấn luyện viên ở Bundesliga như Christian Streich và Xabi Alonso đã lên tiếng chỉ trích phe cực hữu nhiều hơn hầu hết các đồng nghiệp ở Premier League của họ dám làm. Những nhóm người hâm mộ đã tổ chức các cuộc biểu tình chống AfD. Và không phải ngẫu nhiên mà Liên đoàn bóng đá Đức đã chọn Thuringia, mảnh đất phía Đông bị lãng quên của đất nước với tư tưởng chính trị bảo thủ, nơi người đàn ông trong bộ phim tài liệu kia đã đứng, làm căn cứ EURO của mình.
Đôi khi người ta mong rằng chính trị hãy để cho bóng đá được yên. Ta chỉ cần nhìn 22 cầu thủ tranh nhau một quả bóng, và những bàn thắng. Nhưng đôi khi người ta cũng mong cầu bóng đá là phương tiện tuyệt vời để kết nối, giải quyết những vấn đề nhạy cảm, những cuộc trò chuyện khá khó khăn về bình đẳng và bác ái.