ấy cũng là lần đầu tiên trong lịch sử các giải đấu lớn, người ta được xem một phương pháp mới để phân cao thấp sau kết quả hòa: đá luân lưu 11m. Và đấy chính là hoàn cảnh xuất hiện của quả phạt đền nổi tiếng nhất trong lịch sử bóng đá: “cú Panenka”.
Lịch sử ra đời như thế nào?
Các cầu thủ Tiệp Khắc đã đi vào đường hầm khi trận chung kết gặp Đức ở VCK EURO 1976 khép lại với tỷ số hòa, sau 120 phút. Lần gần nhất trước đó người ta không thể phân rõ cao thấp trong một trận đấu quan trọng, gồm cả hiệp phụ, là chung kết EURO 1968. Italia và Nam Tư phải tái đấu 2 ngày sau đó. Điều lệ mới dĩ nhiên đã có, và ai cũng biết. Nhưng nó lạ đến nỗi, nếu có người quên thì cũng bình thường. Trọng tài phải chạy theo, gọi ngược các cầu thủ Tiệp Khắc ra sân để chuẩn bị đá luân lưu 11m. Đấy là lần đầu tiên thể thức đá luân lưu được áp dụng ở một giải đấu lớn. Đá thì đá!
Chẳng ai đánh giá cao Tiệp Khắc trước VCK EURO 1976. Thắng hay thua trong trận chung kết, họ cũng sẽ được chào đón khi trở về nước, sau một giải đấu thành công - mà thật ra chỉ là sau một trận đấu thành công (thắng Hà Lan 3-1 ở trận bán kết kéo dài 120 phút). Suy nghĩ “đá thì đá” chính là như vậy – chẳng có gì là quá quan trọng. Tiệp Khắc đá trước. Họ sút thành công cả 4 quả của mình. Uli Hoeness đá hỏng quả thứ tư của Đức, và đấy cũng là cú sút hỏng duy nhất trong loạt sút luân lưu 11m đầu tiên ở các đấu trường EURO, World Cup.
Antonin Panenka bước lên đá quả cuối cùng cho Tiệp Khắc, nếu vào thì mọi chuyện chính thức ngã ngũ, Đức không phải đá nốt quả còn lại. Panenka chạy đà cẩn thận - lùi hẳn ra sau cung chữ D, chạy nhanh và rất quyết đoán trong thời điểm tiếp xúc bóng. Thủ môn nổi tiếng thế giới Sepp Maier tập trung phán đoán, rồi đổ người về bên trái của mình. Và đấy chính là khoảnh khắc hình thành lịch sử. Cả thế giới được chứng kiến một điều tuyệt vời, hầu như không ai tiên đoán nổi. Panenka sục bóng nhẹ nhàng, vào ngay giữa khung thành, ngay vị trí mà Maier đương nhiên là sẽ dễ dàng ôm luôn quả bóng, nếu ông… đừng đổ người! “Cú Panenka” huyền thoại ra đời, và nổi tiếng mãi đến tận bây giờ, trong bóng đá đỉnh cao. Một cây bút của Pháp, khi tường thuật diễn tiến EURO 1976, nói rằng giải đấu khép lại “sau một bài thơ tuyệt vời”, hơn là sau một cú sút đẹp mắt.
Chắc chắn “một ngàn phần trăm”
Hậu quả sẽ như thế nào, nếu như Maier bắt gọn cú sút của Panenka trong trận chung kết EURO 1976? Cứ xem gương mặt gượng gạo pha lẫn ê chề của Sergio Aguero (Man City), khi anh sút hỏng “cú Panenka” gần đây, trong một trận đấu gần như không có ý nghĩa ở Premier League, rồi nhân lên hàng ngàn, hàng vạn lần cho tương ứng với hoàn cảnh của loạt sút luân lưu lịch sử 45 năm trước?
“Tôi chắc chắn đến một ngàn phần trăm”, Panenka nói về tâm trạng của ông trước cú sút lịch sử năm nào. Có nhiều cách hiểu. Một là phải tự tin đến mức tuyệt đối, mới nên sút như vậy. Đây là cách hiểu phổ biến, và có thể là cách… hiểu lầm. Chẳng lẽ Aguero không tự tin trước khi sút bóng! Vả lại, quan trọng hơn, niềm tin không bao giờ là điều kiện đủ để thành công. Nên hiểu cách khác: Panenka chọn giải pháp ấy như một lẽ đương nhiên. Ông cứ phải sút như thế thôi, và chi tiết này độc lập với xác suất thành bàn.
Sau trận chung kết EURO 1976, báo chí phương Tây có ý kiến rằng kiểu sút của Panenka… có tính chất xúc phạm. Thủ môn Maier còn có thể suy sụp tinh thần, ngoài chuyện thủng lưới. Panenka trả lời điều này: với riêng ông, trong tình huống cụ thể ấy, sục bóng vào giữa khung thành là cách làm dễ nhất. Chắc chắn là chính xác rồi, vì bóng không thể ra ngoài. Và cũng chắc chắn là thủ môn đối phương không thể bật người trở lại để bắt bóng, sau khi đã nhào sang một bên. Không chọn giải pháp ghi bàn dễ nhất, mới là xúc phạm!
Đấy cũng là bản chất của “cú Panenka”. Đừng bao giờ thử! Panenka đã tập sút phạt đền suốt 2 năm trước đó (ông từng tự thấy “nhục” trong một lần dù được sút lại, vẫn sút hỏng phạt đền). Ông dùng tiền túi để cược với thủ môn đội mình, rất giỏi bắt 11m, để rèn quả 11m sau mỗi buổi tập. Ông đã tập sút hàng ngàn quả. Ông sút đủ kiểu, đã có gần chục lần sục nhẹ vào giữa khung thành và đều thành công. Chẳng qua là không ai biết, bên ngoài Tiệp Khắc, trước Euro 1976. Ông tập cách chạy, cách nhìn… trong khi thiên hạ cứ mải ca ngợi “chất thơ” trong cú sút. Đấy là lý do vì sao ông phải lấy đà xa, chạy nhanh. Người ta loay hoay tự hỏi vì sao Panenka “dám” sút như thế, chứ ít ai hỏi: thủ môn nào “dám” không đổ người trước khi đối thủ sút bóng? Như thế là không nhanh nhạy, không cố gắng?
35. Trong suốt sự nghiệp đỉnh cao, Panenka sút phạt đền “kiểu Panenka” 35 lần, hỏng 1 lần. Tỷ lệ sút hỏng phạt đền của Panenka khi ông “sút kiểu bình thường” cao hơn nhiều. Đây là số liệu do chính Panenka - một cầu thủ chuyên sút phạt đền - xác nhận.