Chuyện chưa kể (kỳ 8): EURO 1988, thắng bán kết sướng hơn chung kết

Việt Hà
14:02 ngày 30/05/2021
(EURO 1988) Hà Lan hạ Liên Xô 2-0 trong trận chung kết nhờ siêu phẩm để đời của Marco van Basten. Nhưng trận bán kết với người Đức mới đem lại “chiến thắng cho cả dân tộc”, tạo ra cơn hưng phấn tột đỉnh trên “vùng đất thấp”.

Trong ngày hội lớn, người ta thường tung bóng bay lên bầu trời. Còn tại Hà Lan, người dân ném… xe đạp lên không trung. Đấy là khung cảnh kỳ lạ trên quảng trường Leidseplein tại Amsterdam sau trận bán kết EURO 1988, khi Hà Lan hạ Đức 2-1 ngay tại Hamburg. Một chiến thắng đem lại cơn phấn khích lan rộng khắp đất nước từng bị Đức quốc xã chiếm đóng và bị tịch thu cả triệu chiếc xe đạp trong thế chiến thứ hai. “Chúng ta đã lấy lại được xe đạp”, người Hà Lan hô vang trong khi ném những “quả bóng bay bằng sắt” lên trời.

Đấy là lúc bóng đá đã vượt ra ngoài khuôn khổ thể thao. Nhưng nếu chỉ khu biệt trong phạm trù sân cỏ, người Hà Lan vẫn “phát điên” về màn báo thù người Đức kể từ sau thất bại tại chung kết World Cup 1974. Một cuộc thăm dò trên truyền hình nhân dịp kỷ niệm 20 năm trận chung kết World Cup 1974 cho kết quả rằng phần đông người Hà Lan còn nhớ rất rõ họ đang ở đâu và làm gì vào cái ngày đen tối đó. 

Ngày 7/7/1974, thế hệ vàng của Rinus Michels gục ngã đau đớn 1-2 trước Đức trong trận đấu mà chính Berti Vogts thừa nhận “Hà Lan mạnh hơn chúng tôi”. Nên nhớ, Cơn lốc màu da cam lúc đó là đội bóng đáng xem nhất thế giới. Lối chơi tổng lực của thế hệ Johan Cruyff, Johan Neekens làm say mê cả triệu người. ĐT Hà Lan của Rinus Michels trở thành niềm tự hào, một biểu tượng văn hóa và tự do của quốc gia nằm dưới mực nước biển.

Nhưng người Đức đã dẫm đạp lên niềm tự hào đó. Thất bại trên sân cỏ phủ bóng đen lên “vùng đất thấp”. Nhà viết kịch Johan Timmers sau nhiều năm nghiên cứu về hậu quả của thất bại tại chung kết World Cup 1974 đã đi đến kết luận: “Thất bại 1974 là thảm họa lớn nhất với Hà Lan trong thế kỷ 20 ngoại trừ trận lũ lụt 1953 và Thế chiến thứ hai”. Từ góc độ văn hóa, Timmer còn kết luận “Trận thua của Hà Lan trước Đức không chỉ đánh dấu sự sụp đổ của bóng đá tổng lực mà còn là sự kết thúc của kỷ nguyên lạc quan về văn hóa và chính trị tại Hà Lan”.

Hà Lan đánh bại Đức trong trận bán kết EURO 1988  để trả mối hận thua trận chung kết World Cup 1974

Bốn năm sau, Hà Lan lại lọt vào chung kết World Cup 1978. Nhưng Johan Cruyff vắng mặt giải đó, Rinus Michels cũng vậy. Không còn là Hà Lan đẹp đẽ của World Cup 1974. Thất bại 1-3 trước Argentina của Mario Kempes, Daniel Passarella coi như khép lại một thế hệ vàng dở dang. Hà Lan lại chìm vào bóng tối khi vắng mặt 3 giải lớn tiếp theo (World Cup 1982, 1986, EURO 1984). Vết trượt từ chung kết World Cup 1974 là quá khắc nghiệt.

Nhắc lại để thấy ý nghĩa vượt khỏi bóng đá của trận thắng Đức 2-1 tại bán kết EURO 1988. “Có vẻ như cuối cùng chúng ta đã thắng trong một cuộc chiến”, một cựu chiến binh từ thời thế chiến hai phát biểu trên truyền hình Hà Lan. Người dân Amsterdam đổ ra đường ăn mừng, họ ném xe đạp lên trời. Những chiếc xe đạp hỏng hóc nằm lăn lóc trên mọi góc phố là hình ảnh có một không hai. 

“Trận Đức - Hà Lan đã trở thành một phiên bản lãng mạn hóa của chiến tranh”, nhà báo Simon Kuper bình luận trên FourFourTwo. Ngay cả một người điềm tĩnh như Rinus Michels cũng không tránh khỏi bị tác động bởi bầu không khí thù địch. Sau giờ nghỉ giữa hai hiệp, vị tướng già bước ra khỏi đường hầm và chĩa ngón tay thối về phía khán đài CĐV Đức, những người đã la ó chế nhạo ĐT Hà Lan từ đầu trận.

Đỉnh điểm của “cơn khát” báo thù là hành động đáng lên án của Ronald Koeman. Hậu vệ của ĐT Hà Lan đổi áo với Olaf Thon sau hồi còi mãn cuộc, và dùng chiếc áo đó… lau mông với vẻ mặt khoái trá. 6.000 CĐV Hà Lan trên sân Volksparkstadion ngất ngây trong khi 50.000 CĐV chủ nhà phẫn uất. Sau trận đấu, chính cha của Koeman cũng phê phán hành động của con trai. Vết sẹo nhức nhối từ chung kết World Cup 1974 lý giải cho những hành động quá khích đó. Hay thậm chí là cả những vấn đề vượt qua khỏi ranh giới thể thao.     

Vô địch EURO 1988, Hà Lan không chỉ xóa được tàn tích 1974 mà còn mở ra một thời kỳ mới hay có thể nói là một hệ tư tưởng mới trong bóng đá, khi những cầu thủ gốc Suriname lần đầu ghi dấu ấn đậm nét. Những Frank Rijkaard, Ruud Gullit đã góp công đầu vào chức vô địch châu Âu, họ đem tới luồng gió mới đầy tích cực và lạc quan về một đội bóng đa sắc tộc nhưng đoàn kết nắm tay nhau tìm đến vinh quang. Đó cũng là một thắng lợi trên cả thể thao của đội tuyển Hà Lan tại EURO 1988. 

8. HLV Rinus Michels sở hữu mạch 8 trận bất bại tại các kỳ EURO (từ 1988 tới 1992), kỷ lục sau này chỉ có Vicente del Bosque sánh được (từ 2012 tới 2016).

TỔNG QUAN GIẢI ĐẤU 

Chủ nhà: Đức
Thời gian: 10 đến 25/6/1988
Số đội tham gia: 8
Số trận đấu: 15
Số bàn thắng: 34 (trung bình 2,27 bàn/trận)
Tổng số khán giả: 849.844 (trung bình 56.656 người/trận)

KẾT QUẢ CHUNG CUỘC 

Vô địch: Hà Lan
Á quân: Liên Xô
Vua phá lưới: Marco van Basten (Hà Lan, 5 bàn)

 

Nguồn: Bongdaplus
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.
Bạn cần đăng nhập để bình luận.
Tin liên quan
Mới nhất