Công thức thành công của Ralf Rangnick tại ĐT Áo

THÀNH VŨ
11:05 ngày 30/06/2024
Ralf Rangnick có thể đã là một HLV người Đức bình thường như nhiều vị chiến lược gia khác nếu không đặt chân tới Áo.

Nói thế là bởi, 12 năm trước, sau ngót nghét gần 30 năm theo nghề huấn luyện, người đàn ông 65 tuổi này đã nhận lời trở thành Giám đốc bóng đá của RB Salzburg - đội bóng giàu tham vọng khi ấy đang muốn tạo dựng nên một định hướng phát triển riêng biệt.

12 năm sau, phong cách bóng đá với cường độ cao mà Ralf Rangnick cùng những công sự, những môn đệ phát triển có dịp ghi dấu ấn ở cấp độ ĐTQG, khi ông cùng ĐT Áo tham dự kì EURO trên chính quê nhà của mình. 

ĐTQG CHƠI NHƯ MỘT CLB

Sẽ là không quá nếu nói, ĐT Áo chơi như một CLB tại EURO 2024. Không chỉ bởi dự án hợp tác cùng Ralf Rangnick đã được liên đoàn bóng đá nước này bắt đầu từ năm 2022, không chỉ bởi sự thân thuộc của vị HLV 65 tuổi với quốc gia này, mà quan trọng hơn cả, là ở việc trong tay Rangnick có những con người hiểu rất rõ phong cách bóng đá của mình. 

Dưới sự tổ chức của vị chiến lược gia này, RB Salzburg tại Áo cùng RB Leipzig tại Đức không chỉ tạo nên một triết lý bóng đá riêng biệt, xuyên suốt, mà còn là nơi đào tạo và là bước đệm cho những vị HLV trẻ tiềm năng. Julian Nagelsmann, Marco Rose, Ralf Hassenhult hay Roger Schmidt đều chịu ít nhiều ảnh hưởng từ chính Rangnick. Chính họ cũng đã và đang huấn luyện những cầu thủ của ĐTQG Áo trong màu áo CLB. 

Hãy nhìn vào 11 cái tên đá chính mà Rangnick sử dụng trong trận ra quân gặp ĐT Pháp tại EURO lần này, có tới 9 cái tên đã từng làm việc với một trong những “môn đệ” kể trên của vị HLV người Đức. Marcel Sabitzer, Konrad Laimer hay Nicolas Seiwald – những trụ cột ở tuyến giữa thậm chí từng thi đấu cho cả 2 CLB được sở hữu bởi tập đoàn Red Bull. Một ví dụ khác là Alexander Prass, người chơi cực kì ấn tượng ở vị trí hậu vệ trái trong chiến thắng 3-2 trước Hà Lan, một trong những cầu thủ trẻ nhất của Áo tại EURO lần này, thậm chí còn gia nhập lò đào tạo trẻ của Salzburg vào năm 11 tuổi. 

Sự liên hệ của đội hình ĐT Áo với những học trò của Rangnick

Có lẽ không một HLV nào tại EURO 2024 có được lợi thế mà Rangnick sở hữu. ĐTQG luôn là nơi các vị chiến lược gia phải tìm cách hòa hợp những phong cách chơi bóng cá nhân khác nhau vào một hệ thống chiến thuật của riêng mình. Còn với Rangnick, ông sở hữu một đội hình đã hiểu rõ yêu cầu chiến thuật của tập thể. 

CƯỜNG ĐỘ GÂY ÁP LỰC

Đặc trưng trong thứ bóng đá mà Rangnick luôn hướng đến là cường độ gây áp lực ở thời điểm phòng ngự chủ động. Trước khi nhắc đến yếu tố ấy, cần phải nhấn mạnh rằng đội tuyển Áo không có một ngôi sao lớn nào. Họ làm việc cùng nhau, một cách tập thể, và trong một định hướng chơi cần có tính tập thể. 

ĐT Áo sẽ hiếm khi gây áp lực ở khu vực 1/3 sân đối phương. Họ bình tĩnh lùi đội hình về khu vực 1/3 giữa sân, để các trung vệ đối phương có bóng, rồi chọn thời điểm, cùng nhau di chuyển và khiến cho cầu thủ kiểm soát bóng bên phía đối diện bị hạn chế tối đa lựa chọn đường chuyền nhằm đoạt lại bóng. Lựa chọn như thế nhằm phục vụ cho mục đích dâng cao hàng phòng ngự nhưng vẫn duy trì được cự ly đội hình hẹp, gần nhau. Họ sẵn sàng hạn chế khoảng trống chơi bóng của đối phương, và chủ động phản xạ bảo vệ khoảng trống sau lưng. 

Trong ý đồ buộc đối phương phải hướng bóng ra biên, Sabitzer và Laimer là sự lựa chọn. Sabitzer và Laimer chơi trong vai trò của những tiền vệ cánh là một quyết định không quá xa lạ với những ai quan tâm đến cách chơi của Salzburg hay Leipzig. Họ là những chuyên gia gây áp lực, những người có kiến thức về tính thời điểm, những người đủ tốc độ đoạn ngắn để tăng tốc và cũng là những người sở hữu tính liên tục để tạo ra sức ép ở nhịp chuyền đầu tiên, thứ 2 rồi thứ 3 sau đó. 

Cách gây áp lực từ 1/3 giữa sân của ĐT Áo

Tính liên tục là mấu chốt trong khả năng gây áp lực

Chưa dừng lại ở đó, đặc sản gegenpressing (thuật ngữ để chỉ khả năng gây áp lực ngay sau thời điểm để mất bóng – chuyển đổi phòng ngự) cũng được các học trò của Rangnick thể hiện một cách ấn tượng. Tuyển Áo thậm chí đã có những cơ hội dứt điểm khung thành ngay sau khi đoạt bóng ở khu vực 1/3 cuối sân ở thời điểm chuyển đổi ấy. 

Để mất bóng, ngay lập tức gây áp lực

Đoạt lại bóng trên phần sân đối phương

Xét về những con số thống kê, tuyển Áo chỉ để cho đối phương thực hiện thành công 87,2% các đường chuyền ngắn, họ có hàng phòng ngự dâng cao trung bình 35,1m so với cầu môn đội nhà và ghi nhận chỉ số PPDA (opponent’s passes per defensive action - chỉ số ghi nhận cường độ gây áp lực) là 9.0. Ở cả 3 chỉ số này, tuyển Áo chỉ xếp sau Đức của Julian Nagelsmann sau 3 loạt trận ở vòng bảng. Và không phải ngẫu nhiên khi HLV Rangnick ưa thích sử dụng những người như Sabitzer, Laimer, Florian Grillitsch ở trung tuyến hay Christoph Baumgartner trong vai trò tiền đạo lùi. Họ đều có một điểm chung: từng làm việc với chính Nagelsmann và hiểu rất rõ tầm quan trọng của cường độ chơi bóng. 

SỰ NGUY HIỂM TRÊN HÀNG CÔNG

Trong cường độ chơi bóng liên tục như thế, tần suất ĐT Áo khiến đối phương mắc sai lầm ở thời điểm triển khai bóng như đã nói là rất cao. Và với lối chơi của mình, các học trò của Ralf Rangnick cũng cho thấy một hình ảnh tốc độ không kém ở thời điểm chuyển đổi tấn công. 

Hà Lan chính là “nạn nhân” chịu sát thương cao nhất trong những kiểu tình huống như thế ở trận đấu đưa Áo đến ngôi nhất bảng. Cự ly hẹp của khối đội hình phòng ngự khiến Marcel Sabitzer và các đồng đội dễ dàng tìm thấy nhau hơn trong các pha phản công. Đó là lúc họ không thực sự cần phải giữ sự khuôn khổ về vị trí, và sẵn sàng tăng tốc. 

Phản xạ chuyển đổi tấn công của ĐT Áo

Cầu thủ thuộc biên chế Dortmund phải nói đã có những trận đấu cực kì ấn tượng trong vai trò sở trường khi được xếp đá tiền vệ biên trái. Số 9 của Áo quyết liệt khi phòng ngự, chuẩn chỉnh và rất khôn ngoan trong những quyết định di chuyển và xử lý bóng khi toàn đội có cơ hội phản công. 

Tuyển Áo nguy hiểm với các pha phản công

Dĩ nhiên, không thể nói rằng ĐT Áo là một tập thể tấn công ào ạt, tấn công lớp lang. Tuy vậy, bên cạnh sự nguy hiểm ở những tình huống chuyển đổi trạng thái, cách chơi khi có bóng mà Ralf Rangnick xây dựng cho các học trò cũng rất đáng chú ý. Các tiền vệ biên của Áo sẽ chơi gần khu vực trung lộ, xoay chuyển sơ đồ 4-4-2 khi phòng ngự thành 4-2-2-2. Đó là thời điểm họ chú trọng vào việc luân chuyển bóng ở giữa sân, rồi mở ra khoảng trống ở 2 hành lang cánh cho các hậu vệ biên dâng cao.

Bàn thắng mở tỉ số trong trận gặp Hà Lan là một hình ảnh điển hình. 

Cấu trúc đội hình và định hướng tấn công của ĐT Áo khi kiểm soát bóng

Sau 3 trận đấu tại vòng bảng, không một đội bóng nào tại kì EURO lần này hiệu quả hơn ĐT Áo ở khâu kết thúc. 27,3% các tình huống dứt điểm đã được chuyển hóa thành bàn thắng, tỉ lệ giúp họ đang là đội ghi bàn nhiều thứ 2 tại giải đấu, chỉ thua kém ĐT Đức. 

Đội bóng của Ralf Rangnick rõ ràng không tấn công quá nhiều, nhưng cách chơi của họ đủ để khiến giá trị mà những cơ hội tạo ra có khả năng thành bàn cao. Cũng với cách chơi ấy, rủi ro mà họ có thể phải đối mặt khi dâng cao hàng phòng ngự cũng là không ít với 4 bàn thua cùng 13.3 pha dứt điểm phải nhận (chỉ ít hơn Georgia và Slovenia trong số các đội đi tiếp). Nhưng tựu chung lại, họ là một màu sắc thú vị cho một giải đấu lớn: giá trị đội hình không phải hàng đầu, tạo ra một phong cách bóng đá đặc trưng, tốc độ các trận đấu được đẩy cao và mang lại sự giải trí cho khán giả. 

Họ chắc chắn là một trong những đội bóng đáng xem nhất tại Đức mùa hè này. 

Nguồn: Bongdaplus
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.
Bạn cần đăng nhập để bình luận.
Tin liên quan
Mới nhất