Southgate đã bị tổn thương nặng nề. Ông quá sợ thất bại, và khi vị trí HLV trưởng tuyển Anh trống sau thảm bại trước Iceland tại EURO 2016 khiến Roy Hodgson phải ra đi, Southgate đã thẳng thừng từ chối. Ông cảm thấy mình đã khiến tất cả thất vọng trong mùa hè đầy hoài niệm 20 năm trước đó, và không muốn mạo hiểm lặp lại điều tương tự. Tuy nhiên, định mệnh đã đưa ông đến một hướng đi khác.
Vào tháng 9/2016, trước khi Sam Allardyce bị sa thải, mở ra cơ hội thứ hai cho Southgate, ông đã tình cờ xem bài phỏng vấn sau trận thắng của Chris Coleman, HLV của Xứ Wales và là đồng đội cũ của ông ở Crystal Palace. Coleman, từng bị sa thải ở Fulham và Coventry - giống như Southgate bị sa thải ở Middlesbrough - nhưng đã tìm thấy can đảm để dẫn dắt ĐTQG.
Nhìn vào màn hình, Coleman nói rằng tất cả là về việc không ngại vươn lên trong cuộc sống. Đối với Southgate, đó như một tia sáng. Khi FA một lần nữa đề nghị Southgate dẫn dắt ĐT Anh, ban đầu là tạm thời sau sự hỗn loạn thời kỳ hậu Allardyce, ông đã chấp nhận - với một lời thề với bản thân.
Southgate sẽ không trốn tránh. Ông sẽ nỗ lực hết sức mỗi ngày, mang đến sự tích cực và cống hiến hết mình cho thành công. Hơn nữa, thái độ tích cực của ông xuất phát từ chính con người ông, từ những giá trị mà ông luôn trân trọng.
Southgate hiểu rằng không thể làm hài lòng tất cả mọi người, nhưng miễn là ông đưa ra quyết định vì những lý do chính đáng, ông sẽ có nền tảng vững chắc, cơ sở cho niềm tin và sự minh bạch. Ông chỉ tập trung vào những gì mình có thể kiểm soát, không so sánh mình với người khác và dám thử nghiệm ngay cả khi có thể thất bại. Southgate là một người ấm áp, bao dung và trên hết là tử tế - một đức tính gần như xa lạ trong thế giới bóng đá chuyên nghiệp đầy khắc nghiệt.
Khi sự nghiệp HLV ĐT Anh của Southgate khép lại, người ta không khỏi tập trung vào thành tích của ông tại các giải đấu lớn - bán kết, chung kết, tứ kết, chung kết - một chuỗi thành tích ổn định nhất của bất kỳ HLV nào từng dẫn dắt Tam sư. Bên cạnh đó là những con số lạnh lùng: 102 trận đấu trên cương vị HLV trưởng, xếp thứ ba trong danh sách mọi thời đại, chỉ sau Sir Walter Winterbottom (139) và Sir Alf Ramsey (113).
Southgate bước đi với thành tích đáng nể: 61 chiến thắng, trong đó có 9 trận thắng knock-out. Trước chức vô địch World Cup 1966 dưới thời Ramsey và trước khi Southgate lên nắm quyền, ĐT Anh chỉ có 6 chiến thắng knock-out (7 nếu tính cả trận tranh hạng ba EURO 1968 với Liên Xô).
Không thể phủ nhận rằng Southgate sẽ không được tôn vinh như hiện tại nếu thiếu đi những thành tích trên sân cỏ. Nhưng dấu ấn của Southgate, và có lẽ là sự tái định nghĩa vị trí HLV trưởng, chính là cách ông quản lý con người, sự kiên định, khả năng đọc tình huống tuyệt vời và truyền tải thông điệp một cách hoàn hảo.
Đó có thể là một cử chỉ nhỏ, chẳng hạn như cho phép cầu thủ rời đội để tham dự sinh nhật con. Hay là tin tưởng họ tự giải quyết các vấn đề chuyển nhượng trong khi thi đấu giải đấu. Hoặc là lập trường của ông về các vấn đề quan trọng hơn bởi nền tảng của ông đơn giản là sự tử tế.
Đối xử với cầu thủ như những người trưởng thành. Cho phép họ tận dụng tối đa vị thế của mình. Đây không phải là điều gì to tát, nhưng nó cho thấy cách Southgate trao quyền cho các cầu thủ và tất cả đều là một phần trong việc biến đổi văn hóa xung quanh ĐT Anh, điều mà ông biết là cần phải thay đổi từ thời còn là cầu thủ. Trước đây, mọi thứ chủ yếu xoay quanh sự tồn tại, tránh xa những làn sóng tiêu cực. Chiếc áo nặng trĩu, mối liên kết giữa ĐT và người hâm mộ mong manh.
Nếu Southgate làm được đúng một việc lớn, thì đó là tạo ra một môi trường khiến các cầu thủ cảm thấy thoải mái, không có bè phái, đoàn kết và sẵn sàng thi đấu. Một môi trường mà họ muốn cống hiến thay vì tìm lý do để trốn tránh. Southgate đã chứng minh rằng tử tế không phải là một điểm yếu, mà là một điểm mạnh; một dấu hiệu của lòng dũng cảm hiếm có, truyền cảm hứng cho nhiều người ở mọi tầng lớp.
Di sản này lớn lắm, và không phải ai cũng có thể gánh được!