Cơ quan chủ quản của ĐT Anh và bóng đá Anh chỉ viết tắt là FA (Liên đoàn Bóng đá), nhưng ai cũng hiểu FA là LĐBĐ Anh, chứ không phải của nền bóng đá nào khác. Và cũng chỉ có một mình FA được dùng 2 ký tự FA, còn các liên đoàn bóng đá khác, phải thêm tên quốc gia vào. Đó là một đặc quyền độc nhất vô nhị.
Thế nhưng, cái “đội tuyển lớn” hay “đội bóng lớn” đó lại không có một danh hiệu vô địch nào ngoài Cúp Thế giới 1966, kỳ World Cup được tổ chức tại chính nước Anh.
Ở đấu trường EURO, cái mác “lớn” của Tam Sư còn tủi hờn hơn khi chưa một lần đăng quang, thậm chí còn bị Italia đẩy khỏi bục vô địch ở trận chung kết EURO 2020 diễn ra ngay tại thánh đường Wembley cách đây 2 năm.
Đội bóng lớn ắt hẳn chứa đựng những ngôi sao lớn. Ở ĐT Anh, mọi cầu thủ đều là ngôi sao lớn. Thế nhưng, ở trong lớp vỏ “ngôi sao lớn” đó đều là những bản ngã mềm yếu.
Minh chứng cho điều này là những giọt nước mắt trên chấm 11m ở những trận chung kết World Cup, EURO hay những trận đấu loại trực tiếp của người Anh. Từ Chris Waddle, Gareth Southgate, Paul Ince, David Beckham, Frank Lampard, Steven Gerrard, Jamie Carragher, Marcus Rashford, Jadon Sancho, Bukayo Saka cho tới Harry Kane đều là những người hùng sút hỏng những quả penalty tối hậu.
Điều gì đã khiến một đội tuyển lớn có những ngôi sao lớn dễ sụp đổ như thế? Lỗi không hẳn thuộc về của các nhà quản lý, đội ngũ huấn luyện, cầu thủ hay “căn tính dễ mềm xèo vào lúc cần cứng nhất” của người Anh, mà phần lớn do truyền thông Anh mà ra.
Anh quốc không những là cha đẻ của bóng đá, của nghệ thuật giải trí mà còn của báo chí lá cải. Sự hãnh diện về “quê hương bóng đá” càng khiến truyền thông Anh dồn hơi bơm thổi cho món bóng đá.
Chính vì thế, khi ĐT Anh mới thò chân vào vòng đá loại bất cứ giải đấu lớn nhỏ nào, lập tức truyền thông bắt đầu gõ trống, khua chiêng nhặng xị, khen cầu thủ này hay nhất thế giới, cầu thủ kia là kỳ quan mới xuất hiện, đội hình này xứng đáng có 10 chức vô địch….
Sự khen ngợi quá đà của truyền thông Anh có 2 tác hại. Thứ nhất, nó khiến cầu thủ Anh và giới hâm mộ bị ảo tưởng về năng lực bóng đá, từ đó tạo ra tác hại thứ hai là sự kỳ vọng vô lý cùng áp lực phải đáp ứng được kỳ vọng đó.
Và ĐT Anh càng đi sâu vào giải, “hệ sinh thái” gồm: sự khen ngợi, sự bơm thổi càng tăng cao, tạo ra áp lực tâm lý khủng khiếp lên từng cm2 trên cơ thể của các cầu thủ.
Hãy tưởng tượng áp lực đã dồn lên Bukayo Saka là như thế nào khi chàng trai trẻ này đứng trên chấm 11m, trong bầu không khí sặc mùi phấn khích “Đem bóng đá về nhà” mà truyền thông và NHM Anh kêu gọi. Áp lực đó sẽ biến kim cương thành tro bụi chứ không chỉ đá hỏng penalty.
Một vòng loại EURO lại bắt đầu, để ĐT Anh thực sự lớn và tự tin bước tới bục vô địch, truyền thông Anh đừng “khen cho nó chết” nữa!