Thành tích đi xuống sau World Cup 2018
Tháng 6/2018, với dàn cầu thủ đang ở độ chín sự nghiệp như Luka Modric, Ivan Perisic, Ivan Raktic hay Mario Mandzukic, Croatia đã gây chấn động khi giành ngôi Á quân World Cup trên đất Nga. Nhưng không phải bất kỳ đội bóng nào sau khi giành được thành tích cao ở EURO hay World Cup lại vẫn duy trì được sự ổn định.
Như Croatia, họ không thắng trong 3 trận tiếp theo (tính từ sau khi thua Pháp 2-4 ở chung kết World Cup 2018). Croatia hòa với Bồ Đào Nha và Anh rồi thảm bại 0-6 trước Tây Ban Nha trong ngày ra quân ở Nations League.
Kết thúc Nations League, Croatia phải xuống hạng do đứng bét bảng 4 League A với 4 điểm/4 trận. Những thống kê chỉ ra rằng Croatia là đội bóng bị thủng lưới nhiều thứ hai tại nhóm A UEFA Nations League (10), chỉ sau Iceland với 13 bàn thua. Việc hàng thủ không đem lại sự chắc chắn là lý do lớn nhất khiến đội bóng này phải xuống League B.
Bên cạnh đó, hàng công không thể tận dụng các cơ hội có được (với chỉ 4 bàn ) hơn Đức (3 bàn), Iceland (1 bàn), Italia (2 bàn) cũng "đóng góp" chung vào thành tích tệ hại trên của Croatia.
Hành trình bất ổn tiếp tục...
Tháng 3/2019, Croatia lại bước vào chiến dịch mới với vòng loại EURO 2020. Sau trận ra quân thắng lợi trước Azerbaijan (thắng 2-1), họ bất ngờ để thua ngược 1-2 trước chủ nhà Hungary. Một thất bại khó tin bởi Croatia rơi vào bảng đấu quá nhẹ với những Slovakia, Xứ Wales, Hungary và Azerbaijan. Thất bại đó chưa ảnh hưởng tới cuộc đua giành vé tới VCK EURO năm tới nhưng nó nhắc nhở cho HLV Zlatko Dalić rằng đội hình hiện tại thực sự có vấn đề. Có thể nó không đến từ việc các cầu thủ chia tay ĐTQG sau World Cup mà tới từ động lực thi đấu.
Sau VCK World Cup, HLV Dalic đã không còn sự phục vụ của Mario Mandzukic (chia tay ĐTQG) nhưng ông vẫn có Ante Rebic. Cầu thủ này hiện khoác áo Frankfurt và ghi được cả thảy 8/18 trận tại Bundesliga. Hay Andrej Kramarić (Hoffenhiem) - cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất cho Croatia tại vòng bảng Nations League vừa qua. Đó đều là những sự thay thế không tồi cho Mandzukic.
Ở hàng tiền vệ, Dalic vẫn còn nguyên "tam tấu" Rakitic - Modric - Perisic còn ở hàng thủ là Vida, Lovren... những người đã thi đấu ấn tượng trên đất Nga vào mùa Hè 2018. Như vậy, về cơ bản bộ khung của Croatia ít biến động. Vấn đề lớn nhất của họ bây giờ có lẽ là khát khao cống hiến của các cầu thủ. Croatia không dồi dào tài năng như Pháp để HLV Dalic thoải mái lựa chọn. Vì vậy, họ buộc phải sử dụng tất cả những gì tốt nhất. Nhưng có thể đã đến lúc, Dalic nên để ý trường hợp của Perisic, Lovren và đặc biệt là Quả bóng Vàng 2018 Modric.
Đội hình trận thua Pháp ở World Cup 2018
Đội hình trận thua Hungary ở vòng loại EURO 2020
Thật ra Modric đã chơi dưới kỳ vọng ở mùa giải này kể từ ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh ở xứ Bạch Dương. Thời điểm trước và sau lúc anh giành được Quả bóng Vàng, FIFA The Best và Cầu thủ xuất sắc nhất châu Âu cũng chẳng khá hơn là bao nhiêu. Tất nhiên, mọi sự sa sút bất ngờ đều có nguyên nhân từ việc anh liên tục phải thi đấu tới khát vọng giành chiến thắng. Sẽ rất ít người như Cristiano Ronaldo - luôn cố gắng có được các danh hiệu trong mọi hành cảnh.
Một trường hợp tương tự là Perisic tại Inter Mian. Sau World Cup 2018, Inter làm mọi cách giữ chân anh trước sự chèo kéo của M.U nhưng có vẻ cách làm của đội bóng Italia lại ảnh hưởng tới chính họ. Không được chuyển tới CLB như ý, đó có thể là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến Perisic thi đấu dưới phong độ. Cho tới lúc này, anh mới chỉ có 4 bàn, 2 kiến tạo sau 24 trận tại Serie A.
Dejan Lovren không phải lúc nào cũng chơi tốt
Còn Lovren thì ít khi là sự lựa chọn an toàn nơi hàng thủ. Trong một ngày đẹp trời, Lovren có thể thi đấu rất xuất sắc nhưng những ngày như thế lại không thường xuyên đến. 2 bàn thua/2 trận trước các chân sút đến từ Azerbaijan và Hungary là sự báo động cho đội bóng Đông Âu. Như ở trận thua Hungary, anh và Domagoj Vida liên tục mắc những sai lầm khi để lọt tiền đạo của chủ nhà. Những pha xử lý của bộ đôi này cũng không cho thấy sự chủ động cần thiết khiến họ buộc phải phạm lỗi khi bị qua mặt.
Thật ra thì đây không phải lần đầu Croatia rơi vào tình trạng này. Mà tình trạng của Croatia là "căn bệnh" đối với các nền bóng đá nhỏ. Đó là sau khi giành được 1 thành tích nào đó ở 1 giải đấu lớn, họ liền đánh mất động lực thi đấu. Thụy Điển sau khi giành Hạng Ba World Cup 1994 cũng phần nào tự huyền hoặc bản thân để rồi vắng mặt ở EURO 1996, World Cup 1998 và bây giờ họ chỉ được diện vào "ngựa ô" các giải đấu như thế. Xa hơn chút nữa là Hungary với ngôi Á quân World Cup 1938 và 1954... phải chờ tới năm 1964, họ mới lại gây tiếng vang với Hạng Ba tại EURO trên đất Tây Ban Nha và Hạng Tư EURO 1972.
Lật lại quá khứ sau khi giành Hạng Ba World Cup 1998 với thế hệ Vàng của Zvonimir Boban, Davor Suker, Robert Prosinecki... Croatia lập tức thi đấu bết bát và vắng mặt ở VCK EURO 2000. Tiếp đó, họ liên tiếp bị loại ngay từ vòng bảng (đều xếp thứ 3 chung cuộc) ở World Cup 2002, EURO 2004, World Cup 2006. Đó là những bước trượt dài của bóng đá Croatia trước khi họ trở lại ở EURO 2008 với thành tích có mặt ở tứ kết.
Tất nhiên vẫn còn quá sớm để nói rằng "chuyện cũ" sẽ lại xảy đến với Croatia. Nhưng để ngăn chặn việc Croatia tụt dốc, HLV Dalic cần biết rõ "căn bệnh" mà ông và các học trò đang gặp phải.
Con số 7: Đội hình Croatia thua Hungary 1-2 mới đây còn 7/11 người dự trận chung kết World Cup 2018 (Lovren, Vida, Brozovic, Perisic, Rakitic, Modric và Rebic) |
Hungary 2-1 Croatia |
---|
ĐANG TẢI VIDEO... Vui lòng chờ trong giây lát. |