ĐỘI TUYỂN ĐỨC
- Năm thành lập: 1900
- Ra sân nhiều nhất: Lothar Matthaus (150)
- Ghi bàn nhiều nhất: Miroslav Klose (71)
- Đội trưởng: Ilkay Gundogan
- Vị trí BXH FIFA: 16
Bởi đâu nên nỗi?
Sau chức vô địch World Cup 2014, bóng đá Đức tưởng chừng đang đi đúng hướng và sẽ thống trị một thời gian dài giống như người Tây Ban Nha đã làm trước đó. Nước Đức thời điểm ấy sở hữu lứa cầu thủ tài năng vào độ chín, là thành quả từ “cuộc tái sinh đau đớn” giữa thập niên 2000. Còn nhớ, tuyển Đức đã chuyển mình từ một “Cỗ xe tăng” xù xì, thực dụng sang trường phái bóng đá gần như trái ngược, uyển chuyển và biến hoá hơn nhiều.
Những giá trị định nghĩa nên ĐT Đức của quá khứ mà bất kỳ đối thủ nào cũng nể phục như sức mạnh thể chất, kỷ luật tập thể, tinh thần thép được nhường chỗ cho tố chất mới. Thế hệ cầu thủ Đức ngày nay giàu phẩm chất kỹ thuật hơn, thuộc làu làu đấu pháp để đáp ứng tốt mọi đòi hỏi về khía cạnh chiến thuật hiện đại. Thứ bóng đá cấp tiến, khoa học ấy đã đưa ĐT Đức đạt đến thành công, nhưng lại không thể duy trì sự khác biệt với phần còn lại. World Cup 2018 là cái tát điếng người đầu tiên khi Đức bị loại ngay vòng bảng. Tiếp đến là dừng bước ở vòng 1/8 EURO 2020 rồi một lần nữa ngã ngựa tại vòng bảng World Cup 2022. Người Đức từ thiên đường đã ngã thẳng xuống vực thẳm.
Một bộ phận cựu cầu thủ lý giải rằng ĐT Đức đã đánh mất đi “tính Đức”. Lothar Matthaus, Didi Hamann, Rudi Voller đều quan ngại về thái độ, khát khao khi chứng kiến các hậu bối thi đấu. Một số cá nhân không có được sự quyết tâm máu lửa, sức mạnh, ý chí, sự tập trung ở những thời điểm quyết định. Quan điểm này được chính Toni Kroos, một cầu thủ của thế hệ đương đại, đồng tình ủng hộ.
Cho đến nay, người Đức vẫn tìm kiếm nguyên nhân dẫn tới sự “mất chất” ấy. Bastian Schweinsteiger từng nêu ý kiến gây tranh cãi: “Khi Pep Guardiola gia nhập Bayern Munich, mọi người đều tin chúng tôi phải chơi thứ bóng đá ấy (Tiki-taka), chuyền những đường chuyền ngắn và mọi thứ. Chúng tôi gần như đang đánh mất giá trị của mình”.
“Tôi nghĩ hầu hết các quốc gia khác đều coi cầu thủ Đức là những chiến binh. Chúng tôi có thể chạy đến phút cuối cùng và làm mọi việc. Sức mạnh ấy đã mất đi trong 7, 8 năm qua. Chúng tôi đã quên điều đó và tập trung hơn vào việc chơi bóng đẹp mắt. Đó là một trong những nguyên nhân”.
Thắp lại niềm tin
Ở góc nhìn khác, cựu HLV ĐT Đức - Joachim Low lại khẳng định các giá trị Đức chẳng mất đi đâu cả. Đơn giản là nó không còn vai trò quyết định thành công ở cấp độ bóng đá cao nhất.
Thế giới ngày càng phẳng, kéo theo khoảng cách trình độ giữa các quốc gia thu hẹp dần. Những gì vốn là thế mạnh ở đội A giờ đây lại có thể trở thành ưu thế của đội B. Chúng ta có thể bắt gặp “tính Đức” ở bất kỳ đâu, ví như tinh thần chiến đấu không từ bỏ ở ĐT Anh hay sự thực dụng, kỷ luật sắt ở ĐT Argentina mới vừa vô địch thế giới. Nói cách khác, tuyển Đức của hiện tại không chỉ bị bắt kịp mà phần nào còn “hoà tan” trong xu thế hội nhập giữa các biên giới bóng đá.
Low cho rằng chìa khoá để khắc phục những khó khăn hiện tại nằm ở khía cạnh chiến thuật. Nhiệm vụ ấy giờ thuộc về Julian Nagelsmann, một HLV có nhiều ý tưởng mới mẻ. Dễ thấy trong những năm qua Đức chơi thứ bóng đá kiểm soát hao hao với Tây Ban Nha. Họ thống trị trận đấu bằng vô số đường chuyền, thiết lập những bài tấn công phức tạp, nhưng lại bất lực ở khâu tìm đầu ra cho các bàn thắng. Đặc biệt, Đức hay bế tắc khi gặp các đội chấp nhận đá cửa dưới, lùi sâu đội hình chờ phản công.
Nagelsmann đang nỗ lực thay đổi điều này. Nhìn cách ĐT Đức chơi ở hai trận thắng Pháp và Hà Lan vừa qua, có thể thấy một lối đá đơn giản, khoáng đạt và các các nhân được khuyến khích sáng tạo. Hai chiến thắng giao hữu vẫn chưa đủ khẳng định chắc chắn điều gì, nhưng phần nào cũng nâng đỡ tâm lý đang chông chênh của người Đức. Một khi các cầu thủ thi đấu bằng 200% tinh thần và sức lực dưới sự cổ vũ của khán giả nhà, cộng thêm các chỉ đạo hợp lý từ Nagelsmann, tuyển Đức hoàn toàn có quyền hy vọng về một giải đấu thành công để chữa lành tổn thương tâm lý do các chiến dịch thất bại gần đây gây ra.
Góc chiến thuật
Tính đến cuối tháng 3, Đức mới chơi 6 trận dưới quyền chỉ đạo của HLV Nagelsmann. Mở màn là chiến thắng 3-1 trước Mỹ, sau đó hoà 2-2 với Mexico. Nối tiếp bằng hai thất bại trước Thổ Nhĩ Kỳ (2-3) và Áo (0-2). Ở những trận này, Nagelsmann liên tục có sự thử nghiệm đội hình và chiến thuật hòng sàng lọc các nhân tố mới, tìm ra con người phù hợp. Thậm chí Kai Havertz còn được sử dụng ở vai trò hậu vệ trái và wing-back trong 2 trận thua cuối tháng 12/2023.
Tuy nhiên, Nagelsmann hiểu rõ mình cần làm gì và đã rút ra nhiều điều từ những trận đầu tiên đó. Để rồi đến các trận giao hữu tháng 3 vừa qua, ĐT Đức đã được định hình một cách rõ nét. Trước Pháp và Hà Lan, Nagelsmann đều sử dụng sơ đồ 4-2-3-1 sở trường với đội hình xuất phát giống nhau.
Nét chấm phá cần nhắc đến là sự trở lại của Toni Kroos sau 3 năm giã từ ĐTQG. Khả năng giữ nhịp của anh kết hợp với lối đá bền bỉ, giàu sức mạnh của tân binh Robert Andrich giúp gia tăng cân bằng và ổn định cho tuyến giữa. Nhờ vậy, bộ ba Florian Wirtz, Jamal Musiala và thủ quân Ilkay Gundogan được giải phóng đôi chân để tự do sáng tạo phía trên. Đặc biệt, hai tài năng trẻ Wirtz – Musiala đều có đóng góp nổi bật ở các trận thắng Pháp (2-0) và Hà Lan (2-1).
Ở EURO 2024, Joshua Kimmich chắc chắn sẽ thi đấu vị trí hậu vệ phải thay vì tiền vệ trung tâm. Một lần nữa anh là giải pháp tình thế khi ĐT Đức vẫn thiếu các hậu vệ cánh chất lượng.
Là chủ nhà của VCK EURO 2024 nên ĐT Đức không thi đấu vòng loại. Trong quá trình chuẩn bị, đội đã có những kết quả giao hữu kém thuyết phục. Đỉnh điểm là chuỗi 5 trận không thắng (hoà 1, thua 4) trong nửa đầu năm 2023 khiến HLV Hansi Flick mất việc. Khi Julian Nagelsmann lên thay, ông ghi dấu ấn bằng 2 lần thắng Pháp, 1 trận thắng Hà Lan nhưng xen giữa đó lại hoà Mexico, thua Áo và Thổ Nhĩ Kỳ. Nhìn chung càng gần ngày EURO 2024 khai màn Die Mannschaft càng có sự cải thiện về lối chơi lẫn phong độ.
Đức là đội giàu thành tích nhất lịch sử EURO. Dù chỉ xuất hiện lần đầu tại EURO 1972, đến nay Đức đã 3 lần lên ngôi vô địch, 3 lần giành vị trí á quân. Cũng kể từ đó Đức chưa vắng mặt một kỳ chung kết nào, giữ kỷ lục là đội thi đấu nhiều trận nhất (57 trận) và thắng nhiều nhất (27 trận). EURO 2024 trên sân nhà sẽ là lần thứ 14 liên tiếp Đức dự vòng chung kết, cũng là một kỷ lục chưa đội nào đạt được.
Nagelsmann tiếp quản ĐT Đức từ tháng 9/2023 thay Hansi Flick và hợp đồng kéo dài tới hết EURO 2024, cho thấy ông chỉ là giải pháp mang tính “cấp cứu” của LĐBĐ Đức sau chuỗi trận bết bát. Trước mắt sẽ là giải đấu lớn đầu tiên Nagelsmann chỉ đạo Die Mannschaft, nhưng ông đã chứng tỏ được năng lực chuyên môn đáng nể ở cấp CLB với Bayern Munich, RB Leipzig và Hoffenheim. Mặt khác, ông bị đánh giá là một HLV kiêu ngạo, theo đuổi các ý tưởng táo bạo trong công tác huấn luyện.
“Cậu bé vàng” Mario Gotze đã tạo nên khoảnh khắc để đời khi ghi bàn thắng duy nhất đem về chức vô địch World Cup 2014 cho nước Đức. 10 năm sau, Jamal Musiala được kỳ vọng sẽ là “Cậu bé vàng” tiếp theo làm nên lịch sử cùng ĐT Đức tại kỳ EURO trên sân nhà. Musiala đang cho thấy sự tiến bộ vượt bậc ở mùa 2023/24 khi ghi 12 bàn và có thêm 8 kiến tạo sau 38 trận trên mọi đấu trường.
02h00 ngày 15/6, Đức vs Scotland
23h00 ngày 19/6, Đức vs Hungary
02h00 ngày 24/6, Thụy Sỹ vs Đức
vs. Scotland: Thắng 8, hòa 5, thua 4
vs. Hungary: Thắng 13, hòa 12, thua 12
vs. Thụy Sỹ: Thắng 35, hòa 8, thua 9