Ai trong diện “nguy hiểm”?
Trong danh sách sơ bộ Loew triệu tập 27 cầu thủ, nghĩa là ông sẽ phải gạch đi 4 cái tên sau hai trận thử nghiệm tới gặp Slovakia (29/5) và Hungari (4/6) trước khi chốt danh sách cuối. Nhìn vào danh sách hiện giờ, gần như chắc chắn 3 thủ môn sẽ không thay đổi. Cuộc canh tranh suất tới Pháp sẽ tập trung chủ yếu ở hàng thủ và đặc biệt hàng tiền vệ, nơi trong tay Loew có quá đông các tài năng.
Trước hết nói về hàng thủ, có 8 cái tên được triệu tập. Con số này chưa phải là nhiều nếu nhìn vào thực tế hàng thủ đang là tuyến quan ngại nhất của Die Mannschaft. World Cup 2 năm trước, Loew thậm chí mang đến 9 hậu vệ sang Brazil. Thế nên giả sử ông có mang cả 8 lựa chọn hiện tại tới Pháp thì cũng không quá bất ngờ.
Tuy nhiên, phân tích kỹ từng cá nhân, Loew vẫn có thể thoải mái loại bớt 1 người mà không quá ảnh hưởng. Sau khi Philipp Lahm chia tay Die Mannschaft, Loew đã thử khá nhiều nhân sự ở cánh phải, bao gồm Emre Can, Sebastian Rudy hay Antonio Ruediger trong danh sách này nhưng chưa ai tạo được niềm tin vững chắc. Dẫu vậy, trong 3 gương mặt này, Rudy yếu thế nhất cả về kỹ năng phòng ngự lẫn phong độ ở mùa giải vừa qua.
Emre Can cần chứng tỏ nhiều hơn nữa ở vị trí hậu vệ phải
3 suất bị loại còn lại có lẽ sẽ nằm cả ở hàng tiền vệ. Ngay khi danh sách sơ bộ được Loew công bố, nhiều ý kiến cho rằng Lukas Podolski và Andre Schuerrle không xứng đáng góp mặt. Quả thực Loew đã có phần ưu ái hai nhà vô địch thế giới nếu nhìn cái cách họ thường xuyên chuyển hóa bàn thắng thành cơ hội trong màu áo CLB. Ngay cả Bastian Schweinsteiger cũng bị cho vào diện có tên nhờ “quan hệ” tốt với Loew, bởi đến giờ anh còn chưa bình phục chấn thương đã hành hạ cả mùa giải.
Ngoài các trường hợp không còn là chính mình ở trên, các tài năng chưa có chút kinh nghiệm đá giải lớn nào như Julian Weigl, Joshua Kimmich, Julian Brandt, Leroy Sane hiển nhiên cũng thuộc diện “cầm đèn đỏ”.
Theo góc nhìn chủ quan của người viết, những cầu thủ phải ở nhà sẽ là Rudy, Brandt, Podolski và Weigl (tùy thuộc Schweinsteiger kịp bình phục hay không). Brandt đang đạt phong độ cực cao nhưng đặt lên bàn cân với Leroy Sane, cầu thủ của Schalke đa năng hơn, tốc độ hơn và lối chơi giàu đột biến hơn, nghĩa là mang lại nhiều giải pháp dự phòng hơn cho Loew. Kimmich thì lại có ưu thế so với Weigl nhờ đá được cả trung vệ lẫn hậu vệ phải, thích nghi nhiều hệ thống chiến thuật do quen chơi như vậy ở Bayern Munich.
Podolski và Schuerrle bị chỉ trích khi có tên trong danh sách triệu tập sơ bộ
Vai trò của các Mario
Tại World Cup 2014, Đức lên ngôi bằng sơ đồ 4-3-3 sử dụng tiền đạo ảo từ vòng bảng cho tới hết vòng 1/8. Đến vòng tứ kết gặp Pháp, tiền đạo thực thụ Miroslav Klose mới có suất đá chính. Đáng chú ý, Loew đã quay trở về dùng sơ đồ 4-2-3-1 quen thuộc ngay khi chiến dịch vòng loại EURO 2016 bắt đầu.
Ông có lý do cho sự thay đổi này bởi 4-2-3-1 vẫn là sơ đồ tiêu chuẩn của phần lớn đội bóng ở Bundesliga cũng như các cấp độ đội trẻ, các cầu thủ do đó đã quen với cách vận hành và các ý tưởng chiến thuật. Trên lý thuyết, cả hai sơ đồ này đều giúp Die Mannschaft phát huy tối đa sức tấn công ở hai biên, vị trí mà bóng đá Đức đang sở hữu hàng loạt cầu thủ ở đẳng cấp hàng đầu. Khác biệt ở chỗ 4-2-3-1 giúp hàng tiền vệ kiểm soát bóng tốt hơn 4-3-3 nhờ ưu thế quân số ở khu vực giữa sân.
HLV Loew có trong tay nhiều cầu thủ tấn công chất lượng
Nếu không có bất ngờ lớn, 4-2-3-1 chắc chắn sẽ là sơ đồ xuất phát của các nhà vô địch thế giới sử dụng tại EURO 2016. Tuy nhiên, trong bóng đá hiện đại, các loại sơ đồ không còn tồn tại ranh giới rõ ràng như trước. Một đội bóng ở đẳng cấp cao có thể linh hoạt thay đổi sơ đồ ngay trong trận đấu tùy thuộc vào tình thế và đối thủ. Vậy nên vấn đề của Loew lúc này là chuẩn bị các phương án nhân sự tốt nhất.
Giả sử đối phương là đội bóng không quá mạnh trong tấn công, Loew sẽ sử dụng Can ở vị trí hậu vệ phải đồng thời khuyến khích cầu thủ của Liverpool dâng cao hỗ trợ tấn công. Còn khi cần thiết lập tuyến phòng ngự vững chắc, ông có thể đẩy một trung vệ ra cánh phải giống như đã làm với Benedikt Hoewedes hồi World Cup 2014. Thậm chí có thể Đức sẽ đá với 3 trung vệ giăng ngang như từng thử nghiệm ở trận thắng Italia 4-1 gần đây, đẩy hai hậu vệ biên dâng cao vừa tham gia tấn công, vừa hỗ trợ phòng ngự từ xa.
Ý tưởng tấn công ở hai biên của ĐT Đức là rất rõ ràng, song cách nó kết thúc thế nào sẽ phụ thuộc rất lớn ở người chơi cao nhất là ai. Nếu đá chính là Mario Gomez, Đức sẽ dùng nhiều đường tạt bóng từ cánh cho cầu thủ có thể hình cao lớn này kết thúc hoặc làm tường để đồng đội dứt điểm. Tuy nhiên, phương án này khó phát huy trước đối thủ phòng ngự số đông bởi Gomez không phải mẫu giỏi xoay trở trong không gian hẹp và sẽ đơn độc giữa vòng vây hậu vệ.
Sơ đồ 4-2-3-1 khi Gomez đá chính
Đó sẽ là lúc Loew cần tới nhân tố khéo léo như Mario Goetze. Cầu thủ của Bayern không mạnh về hình thể nên sẽ cần nhiều sự hỗ trợ hơn từ các đồng đội để thực hiện những pha ban bật chia cắt hàng thủ đối phương. Điều đó đồng nghĩa các cầu thủ tấn công biên như Thomas Mueller và Marco Reus sẽ bó vào trong thường xuyên hơn, nhường việc bám biên cho các hậu vệ cánh. Khi ấy, Die Mannschaft sẽ không có tiền đạo thực thụ nào, nhưng bất kỳ ai cũng có thể trở thành mũi khoan phá bất ngờ xuất hiện trong vòng cấm.
Sơ đồ 4-2-3-1 với Goetze là tiền đạo ảo
Không khó để dự đoán 90% đội hình đá chính của Đức do nhiều vị trí đã sớm “đóng đinh” như thủ môn Manuel Neuer, cặp trung vệ Jerome Boateng – Mats Hummels, hậu vệ trái Jonas Hector, hàng tiền vệ với Toni Kroos, Sami Khedira ở trung lộ, Mesut Oezil hộ công trong khi Mueller và Reus hoạt động ở hai đường biên. Như vậy, quân bài trong tay áo của Loew ở kỳ EURO này sẽ là một trong hai anh chàng mang tên Mario.