BẢN SẮC PHÁP LÀ GÌ?
Có những người phẫn nộ, nhưng cũng có những người hài lòng trước những định nghĩa về “bản sắc Pháp”. Người thì nói bản sắc quốc gia Pháp chính là ngôn ngữ Pháp, người lại bảo đó phải là “la France profonde – nước Pháp sâu thẳm”, tức là nước Pháp ở các vùng quê, nơi màu xanh của ruộng đồng và những cánh rừng bảo vệ, chở che cho lối sống cổ điển đặc trưng của người Pháp.
Nhưng cũng có người quả quyết, bản sắc quốc gia Pháp phải là sự đa dạng văn hóa, khi nước Pháp có đủ các màu da, tôn giáo và sắc tộc. Lý lẽ này từng có lúc được lựa chọn áp đảo, đặc biệt trong giai đoạn 1998-2006 khi thành tích bóng đá của đội tuyển Pháp tại các kỳ World Cup và EURO tạo nên một hiệu ứng truyền thông mạnh mẽ. “Black-Blanc-Beur”, như cách mà báo chí Pháp ngày đó gọi Les Bleus được ca ngợi như là một sự hòa hợp thành công của một xã hội đa văn hóa, đặc biệt khi nó có thể được ví như “nước” để dập đi ngọn lửa bạo động từng tàn phá các ngoại ô Pháp năm 2005.
CHUYỆN CỦA BENZEMA
Khi sự phát triển của truyền thông xã hội mạnh mẽ và lấn át dần các tờ báo lớn truyền thống vốn có nhiều ảnh hưởng, nhiều người chợt nhận ra “Black-Blanc-Beur” là một thương hiệu mà giá trị ổn định đã bị thổi phồng. Lời tố cáo của Karim Benzema cách đây vài ngày rằng “Deschamps đã phải lùi bước trước sức ép của một bộ phận phân biệt chủng tộc của nước Pháp” khi quyết định loại tiền đạo này khỏi EURO 2016 không phải là một lời nói có thể dễ dàng bị bỏ qua. Đó là một lời than cay đắng mang phần sự thật.
Lilian Thuram, cầu thủ da màu hiếm hoi vừa thành công trên sân cỏ vừa được xem như một “trí thức bóng đá”, nhận định về vụ Benzema như sau: Người ta cho rằng hành động và lối sống của Benzema có thể gây hại cho một viễn cảnh tập thể, bởi với vị thế của mình, cậu ta phải ý thức được là cậu ta có quyền lực rất lớn với đám trẻ có xuất thân giống cậu ta, tức là dân nhập cư và sống ở ngoại ô.
Đây là điều khá nghịch lý. Trong hành lang truyền thống của nhật báo số 1 nước Pháp L’Equipe có các bức ảnh Michel Platini ụp bánh ga-tô lên đầu các nhà báo L’Equipe và phì phèo thuốc lá cùng họ bên hồ bơi. Đó là thời mà cầu thủ và báo chí thân thiết như người nhà và các CĐV xem ngôi sao bóng đá như người hùng dân tộc và hình mẫu để noi theo.
Nhưng cách đây vài năm, Viện Ipsos của Pháp làm một cuộc thăm dò về hình ảnh cầu thủ trong mắt dân Pháp, khoảng 1/2 có thái độ khá ác cảm, số ít 1/3 “không có thái độ gì” và số ít còn lại xem họ là “nhân vật tích cực”. Điều rút ra ở đây là: mối quan hệ giữa cầu thủ Pháp với báo chí và với CĐV Pháp đã hoàn toàn thay đổi.
Các ngôi sao như Benzema, Ribery… giờ đây không giao du với báo giới mà chỉ sống khép biệt trong thế giới sung túc và bí ẩn (đôi khi mờ ám). Họ chỉ cần một cái smartphone để kết nối, một tài khoản Facebook hay Twitter để được theo dõi đông đảo mà không cần truyền thông… Và rõ nhất là các cầu thủ Pháp của hiện tại không ai thể hiện ra là họ có nhu cầu làm tấm gương cho người khác.
TRANH CÃI KHÔNG HỒI KẾT
Dù nói cách nào, điều dễ nhận thấy là vụ Karim Benzema đã bị chính trị hóa. Những người đầu tiên công kích Benzema đến từ chính giới, từ Thủ tướng đảng cầm quyền cho đến chính trị gia đảng đối lập. Và khi tư pháp chưa định được một tội lỗi rõ ràng cho Benzema liên quan đến chuyện tống tiền, giới bóng đá tuyệt nhiên không thể phàn nàn gì về đẳng cấp của chân sút này, Benzema bị loại để bảo vệ một thứ rất khó định lượng là “hình ảnh của ĐT Pháp”.
Đòi hỏi Benzema phải thế này, thế kia… vì hình ảnh của ĐT Pháp là một đòi hỏi không đáng trách nhưng bất hợp lý. Cũng giống như việc thổi “Black-Blanc-Beur” lên thành một câu chuyện thành công bất tận là điều không nên có vào mọi thời điểm. Eric Cantona chất vấn: Tại sao đến nay, dù có rất nhiều cầu thủ da màu, gốc nhập cư thành công nhưng ĐT Pháp và LĐBĐ Pháp không được dẫn dắt bởi một HLV hay một ông chủ tịch gốc nhập cư?
Trong lịch sử Les Bleus, đúng là từng có các HLV ngoại quốc (Kovacs) nhưng lại chưa từng có HLV gốc da màu nào cả. Bóng đá Pháp, nơi thường bị trút những bức xúc của xã hội, phải chăng kém rộng lượng hơn chính xã hội Pháp, nơi từng có nhiều vị Bộ trưởng, thậm chí Tổng thống (Nicolas Sarkozy) gốc gác nhập cư?
Và các câu chuyện về bè phái trong Les Bleus ở World Cup 2010, EURO 2012… cũng đâu phải tự nhiên mà có! Les Bleus thực ra không đơn giản và êm ả như bề mặt. Câu hỏi chỉ là liệu nó sẽ đi theo vết xe nào: World Cup 2006, tức tranh cãi rồi lại siết chặt tay nhau đi đến cùng hay như World Cup 2010 và EURO 2012, khi các mâu thuẫn xuất phát từ ẩn ức màu da phá tan tham vọng của cả tập thể?
Nửa đội Pháp có gốc gác châu Phi Trong thành phần Les Bleus dự VCK EURO 2016 chỉ có 7 cầu thủ chính gốc Pháp 100% (Hugo Lloris, Beniot Costil, Christophe Jallet, Lucas Digne, Antoine Griezmann, Olivier Giroud và Andre-Pierre Gignac). Trong khi đó, có đến 11 cầu thủ gốc Phi châu, bao gồm cả đảo Reunion ở châu Phi - vùng lãnh thổ hải ngoại của Pháp. Reunion là nơi sinh của tiền vệ Dimitri Payet. Ngoài trường hợp Payet ở đảo Reunion, ĐT Pháp còn có 10 cầu thủ gốc Phi châu đến từ CHDC Congo (Steve Mandanda, Eliaquim Mangala), Mali (N’Golo Kante, Moussa Sissoko), Senegal (Patrice Evra, Bacary Sagna), Angola (Blaise Matuidi), Guinea (Paul Pogba), Morocco (Adil Rami) và Cameroon (Samuel Umtiti). Những cầu thủ gốc châu Âu ít hơn, chỉ có Morgan Schneiderlin (Albania) và Laurent Koscielny (Ba Lan). Yohan Cabaye lại mang một phần dòng máu châu Á khi có bà nội là người Việt Nam. Trong khi đó, Kingsley Coman và Anthony Martial đến từ Guadeloupe - một hòn đảo thuộc Pháp tại vùng biển Caribe. |