Một nhà báo của tờ Spiegel, Christoph Scheuermann cho rằng người Đức đang không chấp nhận thực tại. Các bình luận trong những ngày qua chủ yếu tập trung nói về tương lai rộng mở của thế hệ cầu thủ trẻ như Florian Wirtz, Jamal Musiala mà HLV Julian Nagelsmann đang nhào nặn có thể đem về những vinh quang, như cách Lukas Podolski, Bastian Schweinsteiger của triều đại Juergen Klinsmann và Joachim Loew đã làm được.
Vấn đề là chuyện tương lai là của… tương lai. Ở thời điểm hiện tại, người Đức đã thua Tây Ban Nha (một lần nữa) trước ngưỡng cửa bán kết. Ấy thế nhưng nếu đọc những gì người ta đang sôi nổi bàn luận, thì có cảm giác như thể họ đã vô địch giải đấu.
Chính trị gia Robert Habeck ca ngợi "màn trình diễn tuyệt vời" của đội tuyển quốc gia. Chủ tịch LĐBĐ Đức (DFB), ông Bernd Neuendorf rất hào hứng với "bầu không khí tốt" trong đội. Uli Hoeness nói rằng Nagelsmann đã "hoàn toàn thay đổi" hình ảnh của Die Mannschaft. Thủ tướng Olaf Scholz khen ngợi những gì đội đã đạt được thật tuyệt vời. “Và đó cũng là dấu hiệu cho thấy những gì chúng tôi có thể làm ở Đức,” ông chia sẻ.
Tôi từng nghĩ rằng chiến lược tốt nhất để đương đầu với thất bại là trước tiên hãy thừa nhận rằng mình đã thua. Nhưng với nhà báo Scheuermann, người Đức đã trở thành những người bẻ cong thực tế. “Chúng tôi không muốn tin vào kết quả. Sự kìm nén là một cơ chế bảo vệ trong đó những suy nghĩ, ký ức hoặc cảm giác khó chịu bị xoá bỏ khỏi trải nghiệm có ý thức nhằm tránh nỗi đau tâm lý, như Sigmund Freud đã mô tả”, ông viết. Đơn kiến nghị yêu cầu UEFA tổ chức lại trận tứ kết với Tây Ban Nha vì những “quyết định sai lầm” của trọng tài hiện có tới hơn 400.000 chữ ký.
Người Đức thích thứ bóng đá mà đội tuyển của Nagelsmann chơi. Có lẽ đúng ra họ đã phải được nhận một quả phạt đền. Nhưng thật không may, họ đã thua. Và dù cách họ đối mặt với thất bại này rất tích cực, thì việc… tích cực quá dễ khiến người ta hiểu nhầm rằng Đức đang nhìn nhận mọi thứ qua một lăng kính màu hồng. Nagelsmann còn rất nhiều việc để làm. Toni Kroos sẽ không còn ở đó để chuyền bóng nữa, tương lai của Thomas Mueller còn bỏ ngỏ, Đức chỉ còn Wirtz và Musiala là những mầm non của hy vọng trên hàng công. Họ không thể trông chờ vào sự vô duyên, cẩu thả đến khó hiểu của Sane hay Kai Havertz, dù cuối cùng Nagelsmann có thể vẫn cố chấp sử dụng 2 cái tên này.
Nếu quả phạt đền đó được diễn ra, và cứ cho là Havertz sẽ đá vào, người Đức lọt vào bán kết, thì đội đợi họ ở đó là Pháp, một đội bóng chơi phòng ngự đẳng cấp. Với hàng công nhờ cậy quá nhiều vào những đường chuyền của Kroos, khi Musiala phải “gánh còng lưng” cho những cú vấp của Sane hay Havertz khiến cho anh không có khoảng trống và không có “cạ cứng” đúng nghĩa để phát huy 100% hiệu quả, cơ hội vào chung kết của người Đức không cao như họ nghĩ.
Người Đức đã yêu lại từ đầu đội tuyển của họ, sau 6 năm chìm vào chỉ trích và phê phán. Như tạp chí “DWDL.de” đưa tin, trung bình có 26,13 triệu người đã xem trận tứ kết từ kênh truyền hình quốc gia, không bao gồm những cổ động viên xem ở những nơi công cộng hay quán bar, hàng ăn, các buổi chiếu công cộng. Trận tứ kết đạt thị phần 80,9%, trong đó ở độ tuổi từ 14 đến 49 tuổi thậm chí còn chiếm tới 89,7% thị phần. Họ nói rằng đây là tỷ lệ cao nhất trong mười năm trở lại đây. Lần gần đây nhất tỉ lệ xem một trận đấu của Đức đạt mức cao như vậy là cách đây đúng 10 năm, khi Đức gặp Argentina ở trận chung kết World Cup. Vào thời điểm đó, 90,1% người Đức từ 14 đến 49 tuổi đã xem.
Ngoại trừ trận khai mạc, Thủ tướng Olaf Scholz đã có mặt tại sân vận động trong tất cả các trận đấu của đội tuyển Đức. Sau trận thua Tây Ban Nha, ông đã có lời mời các cầu thủ tới Phủ Thủ tướng để gặp gỡ, vinh danh qua một cuộc trò chuyện trên điện thoại với Nagelsmann. Đúng là cứ như thể chúng ta đang nói về những người hùng đất nước vừa mang chiến tích về cho Tổ quốc.
Đức là một ông lớn với chiều dài lịch sử bóng đá, họ đã vô địch thế giới 4 lần, vô địch châu Âu 3 lần. Thật đáng ngạc nhiên, và chua chát làm sao, khi giờ đây, việc vào tới tứ kết cũng đủ để khiến cả nước ăn mừng.