Không ít người ví von rằng EURO 1980 còn kỳ vĩ hơn cả World Cup 1986, nơi Cậu bé vàng Diego Maradona đưa Argentina tới ngôi vô địch. Bởi ở giải đấu cách đây 44 năm, ĐT Bỉ đã làm nên kỳ tích trên đất Ý. Đó là một kỳ tích thực sự - điều chưa từng xảy ra cho đến tận bây giờ. Sau khi liên tục bị bỏ lỡ World Cup 1974, 1978 cùng EURO 1976, Quỷ đỏ cuối cùng cũng giành quyền tham dự một giải đấu lớn.
Có 8 đội tuyển tham dự EURO 1980, chia thành 2 bảng đấu. Bỉ của HLV Guy Thys rơi vào “bảng tử thần” và bị đánh giá là “kẻ lót đường”, nơi có những đối thủ rất mạnh như Anh, Tây Ban Nha và chủ nhà Italia. Tuy nhiên, Quỷ đỏ đi từ ngạc nhiên này đến bất ngờ khác. Họ đánh bại Tây Ban Nha 2-1 rồi hòa cả Anh (1-1) lẫn Ý (0-0). Dựa trên chỉ số phụ bàn thắng bại, Bỉ đứng đầu bảng, đụng độ Tây Đức, giành ngôi nhất bảng đấu còn lại, ở trận chung kết tại sân Olimpico (Roma).
So với dàn sao thượng thặng của Tây Đức khi ấy, bao gồm nhiều tên tuổi như Horst Hrubesch, Karl-Heinze Rummenigge, Hansi Muller, Bernd Schuster, Hans-Peter Briegel hay Karlheinz Forster, thì các thành viên của Bỉ lúc bấy giờ kém danh tiếng hơn nhiều. Có lẽ vì thế, “đứng trước họ, chúng tôi đã sợ hãi một chút”, Julian Cools - đội trưởng ĐT Bỉ khi ấy và thành viên không thể thiếu của thế hệ vàng Bỉ những năm 1980, từng chia sẻ.
Chính vì thế, Quỷ đỏ đã trải qua một số thời điểm rất khó khăn trong hiệp 1 của trận chung kết và bị dẫn bàn từ sớm sau pha lập công của Hrubesch (10’). Nhưng trận đấu đã thay đổi một cách kỳ lạ sau giờ nghỉ. Nhờ ý chí tập thể mạnh mẽ, Bỉ đã kháng cự lại ngoan cường trong hiệp 2, liên tục uy hiếp khung thành Tây Đức, khiến thủ môn Toni Schumacher phải trổ tài nhiều lần. Và bàn gỡ của Rene Vandereycken ở phút 75 như một hệ quả tất yếu. Tuy nhiên, vào những phút cuối trận, khi Quỷ đỏ đã nghĩ đến hiệp phụ, thì Tây Đức đã thực hiện một quả đá phạt góc rất mạnh để Hrubesch hoàn tất cú đúp ở phút 88.
Cuộc chiến giữa gã khổng lồ Goliath và chàng David bé nhỏ đã kết thúc. Người Bỉ tiếc nuối vì họ có cơ hội giành chiến thắng, nếu bước vào hiệp phụ. Bởi khi ấy, áp lức sẽ thuộc về Tây Đức và có vẻ như họ đã phần nào kiệt sức vì thời tiết quá nóng. Sau này, chính các cầu thủ vô địch EURO 1980 cũng thừa nhận rằng, nếu phải đá hiệp phụ thì có lẽ họ sẽ thua trận.
“Chúng tôi không thể giành chiến thắng trong hiệp phụ vì điều đó là quá sức với chúng tôi. Hôm đó (ngày 22/6/1980, thời điểm diễn ra trận chung kết - PV) trời rất nóng và tôi nhớ mình mệt đến mức không thể nâng cao chiếc cúp vô địch. Tôi chỉ muốn gục xuống, nghỉ ngơi và về nhà”, người hùng của Tây Đức trong trận chung kết, Hrubesch chia sẻ trên UEFA.com.
Trên sân Olimpico khi ấy, các hoàng tử Liege, Albert và Paola của Vương quốc Bỉ đều có mặt, đứng bật cả dậy, không ngừng cổ vũ cho đội nhà vì chiến tích vĩ đại mà thầy trò HLV Guy Thys vừa tạo nên. Câu chuyện cổ tích khép lại và nó dang dở với những chiến binh quả cảm nhất của Quỷ đỏ. Song, niềm tự hào đã lấn át nỗi thất vọng. Mỗi khi nhắc lại EURO 1980, thế hệ vàng đầu tiên của Quỷ đỏ luôn tự hào, kiêu hãnh. Bởi đó là thành tích tốt nhất ở một giải đấu lớn của bóng đá Bỉ cho đến tận bây giờ.
Họ đến giải đấu với tư cách là một kẻ ngoại đạo, là “kẻ lót đường” của bảng đấu tử thần. Nhưng họ đã làm được điều không tưởng, chỉ còn cách câu chuyện thần tiên đúng 1 chiến thắng. Tuy vậy, những người yêu mến Quỷ đó sẽ chẳng bao giờ quên thế hệ vàng với những tên tuổi nổi bật như thủ môn Jean-Marie Pfaff, các hậu vệ Eric Gerets và Walter Meeuws hay tiền đạo Jan Ceulemans.
Jan Ceulemans, Quỷ đỏ đầu đàn
Trong đội hình tiêu biểu của EURO 1980, Ceulemans là đại diện duy nhất của Quỷ đỏ góp mặt, bên cạnh 6 cầu thủ của Tây Đức và 4 cầu thủ Italia. Tại giải đấu trên đất Ý, ông thường xuyên được bố trí đá tiền đạo trên hàng công 2 người trong sơ đồ 4-2-2-2 của HLV Guy Thys. Ceulemans khoác áo ĐT Bỉ 96 lần và ghi 23 bàn.
THÔNG TIN VỀ GIẢI ĐẤU
EURO 1980
Thời gian: 11-22/6/1980
Chủ nhà: Italia
Số đội tham dự: 8
Vô địch: Tây Đức
Á quân: Bỉ
Hạng Ba: Tiệp Khắc
Hạng Tư: Italia
Điểm nhấn: Giải đấu cuối cùng tranh Ba, Tư
Chung kết: Tây Đức - Bỉ: 2-1
Cầu thủ ghi bàn: Horst Hrubesch (10’, 88’) - Rene Vandereycken (75’, pen)
Số trận đấu: 14
Số bàn thắng: 27 (trung bình 1,93 bàn/trận)
Vua phá lưới: Klaus Allofs (3 bàn)
Đội hình tiêu biểu (4-4-2)
Horst Hrubesch (Tây Đức), Karl-Heinze Rummenigge (Tây Đức)
Jan Ceulemans (Bỉ), Hansi Muller (Tây Đức), Bernd Schuster (Tây Đức), Marco Tardelli (Italia)
Hans-Peter Briegel (Tây Đức), Gaetano Scirea (Italia), Karlheinz Forster (Tây Đức), Claudio Gentile (Italia)
Dino Zoff (Italia)