ĐT Pháp của “người đàn ông vàng” Didier Deschamps đã không thể chạm tay vào chiếc Cúp Henri Delaunay danh giá mà họ đã với rất gần. Không sao! Bởi người Pháp lãng mạn vốn thích những cái kết dang dở! Có lẽ vì thế, ngay cả khi Les Bleus của họ gục ngã trước cổng thiên đường, người Pháp không rơi vào bi kịch.
Trên suốt đường về từ fanzone Paris, tôi gặp rất nhiều CĐV ĐT Pháp, họ luôn tin tưởng rằng với thế hệ trẻ tài năng hiện tại, Gà trống Gaulois hoàn toàn có cơ hội “gáy vang” tại World Cup trên đất Nga 2 năm sau.
Với riêng tôi, EURO 2016 cũng đã khép lại nhiều kỷ niệm đẹp. Dù vẫn phảng phất nỗi buồn vì đội bóng áo Lam không thể lên ngôi theo quy luật 16 năm (họ vô địch EURO vào các năm 1984 và 2000), nhưng nước Pháp đã thắng lợi ở nhiều mặt.
Họ không hề rầm rầm treo biển quảng cáo khắp nơi, thậm chí nhiều thành phố còn không có cả một tấm bang rôn hay áp-phích nào nói về EURO 2016, nhưng khi nói đến giải đấu số 1 châu Âu này, thì người Pháp ai cũng biết. Ở bất cứ đâu, trên tàu điện ngầm, trong nhà ga, trên đường phố,… khi bạn hỏi về những thứ có liên quan đến EURO 2016, đều được chỉ dẫn nhiệt tình.
Trước giải đấu, biết bao nhiêu quan ngại, lo lắng về an ninh của giải đấu. Bản thân tôi đi tác nghiệp cũng khiến người thân ở nhà đứng ngồi không yên. Song, tất cả đều đã ở lại phía sau. Nước Pháp đã chiến thắng chủ nghĩa khủng bố. Trước, trong và sau trận chung kết có hàng ngàn điểm tụ tập đám đông, có hàng trăm nghìn người đổ xuống đường…
Và gần như không có vụ lộn xộn đáng kể nào, trừ giai đoạn vòng bảng với rất nhiều bạo lực do hooligan các ĐT như Anh, Nga,… mang đến. Thậm chí, với tâm trạng lo lắng, hoang mang chung của một người Việt Nam, tôi từng e ngại không dám ra đường ở trận chung kết, song đó là sai lầm.
Bởi an ninh xung quanh trận đấu cuối cùng của EURO 2016 rất đặc biệt. Việc cấm đường và kiểm tra gắt gao các CĐV, khán giả tại sân Stade de France và các khu vực an ninh được thực hiện từ xa và rất sớm. Ngay từ sáng, các tuyến phố quanh khu fanzone Paris (có sức chứa 90.000 người) đã bị cấm. Ở bất cứ đâu cũng có cảnh sát và nhân viên an ninh túc trực vừa kiểm tra, vừa hướng dẫn người dân và du khách đi lại.
Ở những trận đấu bình thường, bạn sẽ chỉ cần qua một lần kiểm tra an ninh là có thể vào được fanzone. Nhưng trong trận chung kết, bạn bị kiểm tra tới 3 lần. 1 lần trước khi vào các con phố dẫn về chân tháp Eiffel, 1 lần khi bắt đầu vào các cổng đón tiếp và cuối cùng là trong khu vực fanzone.
Cám ơn nước Pháp với những con người thực sự thân thiện và lịch thiệp. Chưa cần phải mở lời nhờ sự giúp đỡ, bạn đã thấy ngay có người đến bên cạnh nói: “Tôi có thể giúp gì được bạn?” bằng cả hai ngôn ngữ Pháp và Anh. Đến bất cứ đâu, ở bất cứ thành phố nào, tôi cũng đều nhận được những nụ cười, sự giúp đỡ tận tình.
Merci la France et à bientôt!
Cám ơn nước Pháp và hẹn gặp lại!