Nghị viện Liên bang Đức hôm 12/04 thông qua một đạo luật có thể khiến nhiều người cảm thấy bối rối. Theo đạo luật này, bất kỳ một công dân Đức nào cũng có thể tự xác định giới tính cho mình, là “nam” hay “nữ” hay giới tính thứ ba, bất kể họ được tạo hóa trao cho hình hài ra sao. Tất cả những gì cần làm là một tờ khai dân sự với chính quyền và 3 tháng chờ đợi, để mỗi người đều chắc chắn về lựa chọn của mình.
Trước đó 2 tuần, những nhà lập pháp Đức cũng đã cho phép người dân trưởng thành được phép mua cần sa sử dụng hoàn toàn với mục đích giải trí. Tất nhiên là giới hạn ở mức chỉ 25g, và 3 cây “cần”, với những ai muốn làm nông dân để tự trải nghiệm ở nhà.
Nếu chỉ lướt qua những dòng tin tức trên, nhiều người rất dễ lầm tưởng rằng đó là những gì đang diễn ra ở các quốc gia châu Âu khác vốn nổi tiếng về độ cởi mở, thông thoáng của luật pháp, như Hà Lan, Đan Mạch hay đảo Cyprus… chứ không phải là một nước Đức vốn được biết đến nhiều hơn về sự kỷ luật, chặt chẽ và tổ chức khoa học.
Nhưng, giống như cách nước Đức đang khiến ngay cả những người láng giềng của mình cảm thấy ngạc nhiên về tốc độ cởi mở, những cổ động viên bóng đá có lẽ cũng cần được chuẩn bị tâm thế cho những bất ngờ mà nước Đức có thể mang đến vào mùa Hè này, khi giải bóng đá lớn nhất châu Âu - EURO 2024 lần đầu tiên trở lại với nước Đức thống nhất sau hơn 3 thập kỷ.
Áo hồng & Xe tăng
Trên thực tế, sự ngỡ ngàng đã đến từ giữa tháng 3, khi Die Mannschaft công bố áo đấu chính thức của mình cho EURO 2024.
Chiếc áo sân nhà màu trắng, với những sọc đen-vàng-đỏ trên cầu vai và 2 dòng đen mảnh chạy dọc thân là một thiết kế xuất sắc, vừa có tính truyền thống hoài cổ, vừa có điểm nhấn hiện đại.
Nhưng chiếc áo sân khách lại là một câu chuyện khác.
Đó là chiếc áo với 2 màu chủ đạo là hồng và tím. Chưa bàn về việc đó là 2 màu sắc không có liên hệ nào với quốc kỳ đen-đỏ-vàng của Đức, hồng và tím là lựa chọn khiến không ít người Đức phải nhíu mày.
Tờ Bild gọi chiếc áo là một “sự nhảm nhí” vì hồng-tím không phải là màu sắc của thể thao, càng không phải cho những người đàn ông. Trên mạng xã hội Đức tràn ngập những bình phẩm về chiếc áo hồng, với những meme trở thành viral, như hình ảnh các cầu thủ Đức bước xuống từ xe bus với những chiếc váy hồng giống như những vũ công đang tham dự Gay Parade. Thậm chí, một hashtag mang tên #TrikotDerSchande (chiếc áo ô nhục) đã được tạo ra trên mạng xã hội X, chỉ để các CĐV bày bỏ sự giận dữ.
Và, như với bất kỳ sự kiện ầm ĩ nào có thể gây tiếng vang truyền thông, các chính trị gia vào cuộc. Lãnh đạo của đảng cực hữu AfD (Lựa chọn thay thế cho nước Đức) chỉ trích chiếc áo hồng quảng bá cho giới LGBTQ+ thay vì bản sắc quốc gia Đức và cho rằng DFB (Liên đoàn bóng đá Đức) cổ vũ cho những thế hệ lệch lạc.
Tất nhiên, DFB có lí lẽ của riêng mình khi cho rằng chiếc áo hồng đại diện cho sự đa dạng văn hóa mới của nước Đức và hướng đến Gen Z, những người trẻ đang ngày càng có xu hướng nữ tính hơn và ít khắt khe hơn trong việc lựa chọn màu hồng. Florian Wirtz, một Gen Z trong Die Mannschaft, ủng hộ quan điểm này và ca ngợi chiếc áo hồng là một sự khác biệt thích thú.
Không phấn khích như Wirtz nhưng đa số huyền thoại của bóng đá Đức cũng không muốn bàn tán quá nhiều. Với Uli Hoeness, những gì mà các cầu thủ mặc trên người đều là “rác rưởi” và cầu thủ thậm chí chơi bóng tốt nhất nếu được cởi trần và vẽ thứ gì đó lên người thay cho áo đấu. Nói như Hoeness, kết quả trên sân là tối thượng, mọi thứ khác đều là nhảm nhí.
Trước mắt, tỷ số có vẻ như đang là 1-0 nghiêng về DFB, khi chiếc áo hồng được các CĐV chào đón trong các cửa hàng và có một sự khởi đầu thuận lợi với chiến thắng 2-0 gây ngỡ ngàng ngay trên sân Pháp, đội bóng được xem là ƯCV số 1 cho chức vô địch EURO 2024.
Nhưng, câu chuyện có thể rất khác nếu mọi việc diễn ra không thuận lợi trong mùa Hè này. Đến khi đó, chắc chắn nhiều người sẽ muốn nhớ đến hình ảnh của một chiếc “xe tăng” Die Mannschaft trong quá khứ hơn là sự mềm mại gây ra một chút dị ứng như hiện nay.
Cởi mở và sáng tạo không phải lúc nào cũng mang lại hiệu quả như mong đợi, nếu sai thời điểm.
Đôi khi nó còn là bàn phản lưới nhà.
Giống như chiếc áo số 44 mà DFB đã buộc phải huỷ bỏ, chỉ vì những nhà thiết kế đã không ý thức được rằng cách mà họ sáng tạo với số 44 lại tạo ra một hình ảnh quá giống với logo SS của quá khứ phát xít mà nước Đức đã cố gắng lãng quên.
Tái hiện Sommermarchen?
Với các CĐV bóng đá, áo hồng của ĐT Đức không phải là thứ duy nhất gây tò mò trong mùa Hè này. Với những ai may mắn được đến với EURO 2024, danh sách “khám phá” còn có xúc xích chay, bia không độ và toilette không phân biệt nam-nữ tại các sân vận động…
Những đổi thay này đều là phản ánh của một xã hội Đức rất khác so với trước kia. Ít nhất là khác so với tưởng tượng của nhiều người.
Nước Đức của hiện tại đương nhiên vẫn tràn ngập những quại bia khổng lồ, những đĩa xúc xích, chân giò hầm cải chua quyến rũ và những khán đài hầm hập nam tính tại Dortmund, Munich hay Leipzig... Nhưng nước Đức của hiện tại cũng là nơi có thủ đô Berlin là một trong những thành phố phóng khoáng nhất trên thế giới về nghệ thuật, khởi nghiệp và xu hướng tình dục. Đó cũng là quốc gia mà người dân, đặc biệt là giới trẻ, đang ngày càng có xu hướng quan tâm đến các vấn đề về phát thải carbon, không gian xanh và phi giới tính hơn là bóng đá hay các bữa tiệc bia thâu đêm sau mỗi trận đấu của ĐTQG.
Một cách khách quan, thành tích kém cỏi của Die Mannschaft trong 3 giải đấu lớn gần đây đóng góp vào sự suy giảm hứng thú của người Đức. Sau World Cup 2022, 40% người dân Đức tuyên bố ít quan tâm hơn đến ĐTQG. Hậu quả là các khán đài vắng hơn trong các trận đấu và ĐTQG Đức ngày càng chuyển đến thi đấu ở các sân đấu nhỏ hơn, như khi thua Nhật Bản 1-4 trước sự chứng kiến của chỉ hơn 20.000 khán giả nhà ở Wolfsburg.
Gunter Pilz, một nhà xã hội học Đức chuyên nghiên cứu về các CĐV, cho rằng đây là một vòng xoáy luẩn quẩn, khi thành tích kém cỏi trên sân khiến Die Mannschaft ngày càng kém tự tin hơn, thu mình lại trong các khách sạn ngoại ô và sân đấu của các thành phố nhỏ và vô tình lại tạo ra ấn tượng về một ĐTQG khó tiếp cận và kênh kiệu với các CĐV. Điểm tích cực, theo Gunter Pilz, đó là giờ đây rất ít người Đức có kỳ vọng lớn vào ĐTQG, do đó, áp lực với đội tuyển tại EURO 2024 cũng ít đi, dù là chủ nhà của giải đấu.
Ngay cả sự kỳ vọng về một cú hích mà EURO 2024 mang lại cho nước Đức cũng ít đi.
Vào cuối năm ngoái, chỉ có 5% người dân Đức cho rằng EURO 2024 sẽ tái hiện Sommermarchen, mùa Hè cổ tích rực lửa năm 2006, khi nước Đức đăng cai World Cup, Die Mannschaft vào đến bán kết và cả nước Đức sống trong không khí hội hè cuồng nhiệt.
Sự kiện của gần 20 năm trước, cũng là giải đấu thể thao lớn gần nhất mà Đức đăng cai, đã mở đầu cho một chu kỳ thành công rực rỡ của bóng đá Đức, với việc vào chung kết EURO 2008, bán kết World Cup 2010 và đỉnh cao là chức vô địch World Cup 2014 tại Brazil.
Tầm ảnh hưởng của Sommermarchen còn rộng lớn hơn thế, khi công tác tổ chức hoàn hảo của giải đấu đã gia tăng mạnh mẽ quyền lực mềm của nước Đức. Cùng với thành công kinh tế của “mô hình Đức”, trong nhiều năm sau mùa Hè 2006, Đức luôn là một trong những quốc gia được yêu thích nhất trên toàn thế giới.
Nhưng sau gần 2 thập kỷ, bức tranh kinh tế-xã hội Đức không còn màu hồng như chiếc áo mà ĐTQG lựa chọn. Từ chỗ là hình mẫu cho cả châu Âu, kinh tế Đức đang rơi vào suy thoái và trong năm tổ chức EURO 2024, Đức có thể sẽ là nền kinh tế lớn duy nhất trên thế giới tăng trưởng âm. “Mô hình Đức” về kỷ luật ngân sách, công nghệ chế tạo tân tiến, tối ưu xuất khẩu… đang gặp trục trặc vì các biến động địa chính trị to lớn tại châu Âu.
Quan trọng hơn, là tâm trạng của người Đức không còn lạc quan như trước. Rất nhiều người cảm thấy đang bước vào một biến động mang tính thời đại mà không biết điều gì đang chờ ở phía trước.
EURO 2024, vì thế, có thể là thời điểm để nước Đức tự giới thiệu với thế giới một hình ảnh khác về đất nước, với tất cả những đổi thay trong cuộc vận động quyết liệt để làm mới mình.
Dù sẽ có thể có những đổi thay khiến nhiều người cảm thấy tiếc nuối.