Không chỉ có bóng đá…
Người Đức đã phải muối mặt với đội tuyển của họ kể từ đó tới nay. EURO 2021: bị Anh loại ở vòng 1/8 với 2 bàn không gỡ. World Cup 2022: lần thứ 2 liên tiếp bị loại ngay từ vòng bảng.
Tệ hơn, người Đức còn mang tới những lùm xùm trước thềm giải đấu với những tuyên ngôn thách thức các nhà lập pháp Qatar về vấn đề đồng tính, với việc Manuel Neuer đòi đeo băng đội trưởng màu cầu vồng, cả đội đứng chụp ảnh trước trận lấy tay che mồm nhằm khiêu khích truyền thông nước chủ nhà, hay mâu thuẫn nội bộ chia bè phái giữa nhóm Bayern và phần còn lại.
Các cầu thủ Đức tạo cho người hâm mộ cảm giác họ đang thích làm chính trị, hoạt động xã hội hơn là đá bóng. Dù bóng đá không phải địa phận duy nhất nước Đức rơi vào khủng hoảng.
Cả nền kinh tế số 3 thế giới ấy đang gánh chịu những thách thức chưa từng có. Năm ngoái, sản lượng của Đức đã giảm đi 0,3%, do lạm phát cao, lãi suất tăng và chi phí năng lượng gia tăng. Điều này biến Đức trở thành nền kinh tế lớn có kết quả tăng trưởng tệ nhất trong năm 2023.
Hiệu ứng domino ngay lập tức xuất hiện khi Đức chào đón năm 2024 với tình hình còn u ám hơn. Nhân viên trong hệ thống đường sắt (Deutsch Bahn), các sân bay và các đơn vị phương tiện giao thông công cộng ở các tỉnh thành tiếp tục đua nhau đình công liên tục với tần suất dày hơn năm 2023, làm đình trệ rất nhiều hoạt động đời sống quan trọng.
Mọi sự đã bắt đầu từ đầu năm ngoái khi Đức chứng kiến cuộc đình công toàn quốc lớn nhất kể từ năm 1992. Ngày 27/3/2023, các sân bay, ga xe lửa và bến xe buýt trên khắp nước Đức đã tạm ngừng hoạt động vì hiệp hội công đoàn Verdi đòi quyền lợi thay cho 2,5 triệu người lao động. Kể từ đó, hàng tháng, thậm chí đến giờ là hàng tuần, các đơn vị giao thông, vận tải vẫn tiếp tục luân phiên nhau đình công.
2023 cũng là năm nhóm “Letze Generation” hoạt động sôi nổi trên khắp nước Đức, đặc biệt ở thủ đô Berlin. Họ tập hợp được gần 1000 thành viên từ khắp nước Đức để thực hiện một loạt hành động nhằm đưa thủ đô vào tình trạng “ngưng trệ“, ép buộc chính phủ phải thực thi giới hạn tốc độ 100 km/h trên đường cao tốc và phát hành vé phương tiện giao thông công cộng 9 euro/tháng.
Họ thường ngồi 5-6 người trên một mặt đường rộng tám mét với ba làn xe để đóng băng lưu thông trên tuyến đường đó. Thay đổi đâu không thấy, chỉ thấy các tuyến đường trở nên ùn tắc, người tham gia giao thông tức giận và cảnh sát, lính cứu hoả liên tục phải vào cuộc gỡ rối.
Cũng theo tính toán năm 2023, tại Đức có hơn 2,5 triệu người đang tìm việc làm nhưng đất nước cũng thiếu gần 2 triệu lao động lành nghề. Những lĩnh vực thiếu hụt lao động trầm trọng gồm: Nhân viên điều dưỡng và chăm sóc người già, giáo dục, nhân viên xã hội, giáo viên mầm non. Trong các lĩnh vực khác như luyện kim và điện, Đức không chỉ thiếu công nhân lành nghề mà còn cần thêm các chuyên gia và người có trình độ đại học.
Điều này khiến chính phủ Đức phải đưa ra một đề xuất mới nhằm thay đổi luật nhập cư, tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều chuyên gia nước ngoài đến Đức sống và làm việc. Thực chất, người nhập cư không phải là “vấn nạn” như suy nghĩ của những người ngoài cuộc hồ nghi về chính sách của Đức hay các nước châu Âu khác.
Nhưng hệ thống các cơ quan hành chính Đức ngày càng trở nên quá tải trong việc xử lý, sắp xếp, lưu trữ hồ sơ, nhất là khi Bộ Nội vụ Liên bang đưa ra dự thảo luật mới nhằm nới lỏng các yêu cầu lao động tại Đức cho người nước ngoài.
EURO 2024 có phải là "thuốc giải"?
Lần gần nhất Đức tổ chức một đại hội bóng đá là World Cup 2006 và đó là liều thuốc kích thích tăng trưởng kinh tế thần kỳ. Trước Qatar 2022, kỳ World Cup tại Đức vẫn là giải đấu "có lãi" nhất trong lịch sử với lợi nhuận lên tới 8,1 tỷ đô (họ đầu tư hơn 6 tỷ và thu về hơn 14 tỷ cho nền kinh tế). Ngay trước thềm giải đấu, doanh thu từ du lịch của chính phủ Đức đã tăng 400 triệu USD và 500.000 việc làm mới được tạo ra.
Rất trùng hợp, 2006 cũng đánh dấu một bước ngoặt lớn của Die Mannschaft khi HLV trưởng lúc bấy giờ là Jurgen Klinsmann thổi một làn gió mới và đặt niềm tin vào một lớp cầu thủ trẻ: Philipp Lahm, Bastian Schweinsteiger, Lukas Podolski… những cái tên đã trở thành những nhà vô địch thế giới 8 năm sau.
Trước khi ông Klinsmann cầm quân, bóng đá Đức cũng rơi vào khủng hoảng với lối chơi trì trệ, bị loại ngay từ vòng bảng EURO 2004. Một cuộc cách mạng toàn diện đã diễn ra từ đó làm thay đổi bộ mặt bóng đá Đức. Dù chỉ dừng lại ở bán kết, tuyển Đức khi đó đã chinh phục trọn vẹn trái tim người hâm mộ với lối đá đẹp mắt, nhiều bàn thắng và đầy cảm xúc.
Một đội bóng hay là động lực để phát triển kinh tế, nhất là khi Đức là quốc gia yêu bóng đá. Ở đây, bóng đá không chỉ là một môn thể thao. Nó là tinh thần của người Đức. Họ không chỉ lầm lì, bảo thủ mà dám thay đổi, dám làm cách mạng để thay đổi cục diện.
Bây giờ, Đức sẽ lại làm nước chủ nhà một kỳ đại hội bóng đá, nhưng có vẻ như chưa có cuộc Cách mạng nào kịp xảy ra. Hai trận giao hữu với Pháp và Hà Lan là những chiến thắng quan trọng củng cố tinh thần cho các cầu thủ và nhà cầm quân trẻ Julian Nagelsmann, tuy vậy người đàn ông 37 tuổi này không có uy danh và hào quang như Klinsmann trước kia. Về mặt tài chính, tờ Reuter cũng vừa kịp đưa ra những nhận định u ám với dòng tít: “EURO không cứu được nền kinh tế Đức đâu”.
Ngành công nghiệp nặng của Đức vốn dĩ là con át chủ bài thì đã gặp khó khăn kể từ tháng 2 năm 2022 khi cuộc chiến giữa Nga và Ukraine nổ ra. Chi phí năng lượng tăng cao, đây đã là quý thứ 4 liên tiếp Đức có mức tăng trưởng bằng 0 hoặc âm, gây áp lực lên toàn bộ khu vực đồng euro vốn dĩ đang phụ thuộc vào họ.
Ông Michael Groemling, người đứng đầu Viện Kinh tế Đức IW Cologne cho rằng nhiều người tiêu dùng có thể coi EURO 2024 như một cơ hội để mua một chiếc tivi mới, mời mọi người đến xem hoặc uống một cốc bia khi thưởng thức bóng đá. Nhưng họ sẽ tiết kiệm tiền ở khía cạnh khác: mua xúc xích ăn nhanh thay vì đi nhà hàng, xem tivi ở nhà thay vì ra nơi công cộng.
Dự kiến sẽ có khoảng 650.000 người hâm mộ nước ngoài tới Đức tham dự EURO 2024, dự kiến tạo ra 250 triệu euro doanh thu du lịch. Dù rằng 10 thành phố đăng cai tổ chức sẽ được hưởng lợi, nhưng tác động sẽ không đủ lớn để kích thích tăng trưởng GDP cho cả nước.
Tuy vậy gạt bỏ những con số khô khan, bóng đá còn là môn thể thao tinh thần. Ít nhiều, một mùa lễ hội sẽ mang đến cho người Đức một tâm trạng phấn khởi hơn so với những cuộc biểu tình, những cuộc đình công, khi mà người ta chỉ tập trung vào những chi tiết tiêu cực của bức tranh lớn.
Không rõ công đoàn Verdi, Hiệp hội nông dân có “thả” cho EURO một con đường sống hay không bởi nếu họ vẫn tiếp tục biểu tình và đình công, tình trạng giao thông ngưng trệ thậm chí đóng băng sẽ gây ảnh hưởng cực lớn đến công tác tổ chức giải đấu và gây tác động tiêu cực đến du khách.
Không ai muốn một ngày đẹp trời, người người đổ về các sân vận động nơi diễn ra tứ kết, bán kết, chung kết lại va phải các cuộc đình công, nơi công nông đi nườm nượp trên đường, trong khi các nhà ga, bến tàu lại đều đóng cửa. Đấy chắc chắn sẽ là một cơn ác mộng không chỉ cho các du khách, mà cho chính người Đức, vốn đã mệt mỏi lắm rồi.
Đội tuyển Đức không còn được đánh giá như một ông lớn ở các sân chơi lớn sau những màn trình diễn tệ hại ở các giải đấu gần đây. Còn đâu một Die Mannschaft dù trong thời kỳ sa sút cũng vẫn kiêu hãnh chỉ dừng chân ở tứ kết hay bán kết.
Và còn đâu một nền kinh tế lớn, vững mạnh chẳng phải nhúng một ngón chân vào khủng hoảng toàn cầu năm 2008 với sự dìu dắt của cựu Thủ tướng Angela Merkel. Đức ơi, dĩ vãng đã qua!
Bất đồng độc hại
Nước Đức đang chứng kiến làn sóng bất đồng chính trị lớn chưa từng có kể từ thế chiến II khi Đảng Cực Hữu AfD đang ngày một phát triển mạnh, là đảng thành công nhất ở Đức trên nền tảng Tiktok. Maximilian Krah - ứng cử viên hàng đầu của AfD đang là một trong những chính trị gia thành công nhất trên Tiktok, từng công khai ủng hộ chính sách kỳ thị LGBTQ + của Taliban. AfD rất gần với hệ tư tưởng của Adolf Hitler xưa kia, tôn thờ chủ nghĩa bảo thủ dân tộc, với chính sách chống Hồi giáo, chống nhập cư, chủ nghĩa Sô vanh phúc lợi và chủ nghĩa hoài nghi châu Âu.