BTC đã hứa sẽ tăng cường an ninh bên trong sân, sau khi 6 CĐV khác nhau tràn vào sân để chụp ảnh với đội trưởng Cristiano Ronaldo trong chiến thắng 3-0 của Bồ Đào Nha trước Thổ Nhĩ Kỳ ở loạt trận thứ hai của vòng bảng.
Ronaldo không bận tâm tới vụ đột nhập và tiếp cận lần đầu tiên vì nó liên quan đến một cậu bé 10 tuổi, nhưng anh đã không vui khi nó xảy ra thêm 5 lần nữa. Trong đó có lần anh bị CĐV đuổi theo vào tận đường hầm dành cho cầu thủ vì quá cuồng nhiệt và say máu.
Cậu bé Berat đã bị cảnh cáo vì hành vi của mình và hình ảnh của cậu ta đã được đăng trên trang nhất của tờ Bild, nhưng không có thông tin chi tiết nào được đưa ra về việc những kẻ đột nhập khác, tất cả đều là người thành niên, đã hành xử như thế nào và bị xử lý ra sao?
Trước những chỉ trích ồ ạt về tình trạng thiếu an ninh tại trận đấu, một phát ngôn viên của UEFA cho biết an toàn và an ninh trong sân vận động, trên sân và tại cơ sở đóng quân của các đội là ưu tiên hàng đầu, và hứa sẽ có các biện pháp an toàn bổ sung để ngăn chặn những sự cố như vậy.
Họ cũng nhắc nhở CĐV rằng việc chạy vào sân sẽ dẫn đến việc bị đuổi khỏi trận đấu, bị cấm đến sân trong các trận đấu khác của giải và “bị khiếu nại hình sự về hành vi xâm phạm”. Tuy nhiên, những biện pháp đó đã không thể ngăn chặn những kẻ đột nhập, với 2 sự cố nghiêm trọng xảy ra trong trận bán kết Tây Ban Nha và Pháp ở Munich.
Vụ đầu tiên liên quan đến việc một CĐV cố gắng chụp selfie với ngôi sao Kylian Mbappé trong hiệp 2, khiến trận đấu bị gián đoạn một thời gian ngắn. Vụ thứ hai xảy ra sau tiếng còi chung cuộc, khi một CĐV khác cố gắng selfie trước ĐT Tây Ban Nha đang ăn mừng. Một nhân viên an ninh đã va phải thủ quân Alvaro Morata trong nỗ lực xử lý vụ đột nhập, khiến tiền đạo này phải đi khập khiễng.
Những sự cố này, cùng với cảnh tượng đáng báo động khi các cầu thủ Uruguay ẩu đả với các CĐV Colombia vào cuối trận bán kết Copa America, đã khiến Liên đoàn cầu thủ toàn cầu (FIFPro) kêu gọi các cơ quan quản lý bóng đá tạo môi trường thi đấu an toàn cho các cầu thủ.
“Vấn nạn CĐV chạy vào sân và ném cốc xuống đường piste tại EURO đã gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự an toàn của cầu thủ, Morata đã bị đau khi an ninh cố gắng ngăn chặn kẻ đột nhập. Ai đó có thể bị thương nặng”, FIFPro cho biết.
Đầu năm nay, FIFPro đã công bố một báo cáo cho biết, 3/4 hiệp hội thành viên tin rằng “an toàn tại nơi làm việc là mối quan tâm ngày càng tăng” đối với các cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp, và 2/3 cho rằng “văn hóa CĐV ngày càng trở nên bạo lực và lạm dụng hơn”.
Mặc dù không có kẻ xâm nhập sân cỏ nào tại EURO 2024 cố gắng tấn công bất kỳ ai, nhưng nỗi lo sợ điều đó có thể xảy ra rõ ràng là mối lo ngại của các cầu thủ và HLV.
“Nếu họ định tấn công ai đó thì các cầu thủ sẽ gặp nguy hiểm”, HLV Roberto Martinez của Bồ Đào Nha nói sau trận gặp Thổ Nhĩ Kỳ. “Chúng ta nên gửi một thông điệp tới người hâm mộ: Hãy dừng làm điều có nguy cơ đó để tránh các hậu quả đáng tiếc”.
UEFA đã phạt 5 LĐBĐ thành viên gồm Albania, Georgia, Romania, Serbia và Ukraine tổng cộng 58.000 euro vì hành vi chạy xuống sân của CĐV trong các trận đấu vòng bảng tại EURO 2024, cũng như ném đồ xuống sân. Còn LĐBĐ Đức (DFB) bị phạt khoảng 20.000 euro vì “không bảo vệ khu vực thi đấu”.
Danh tiếng của những cầu thủ bị những kẻ xâm nhập nhắm tới nhiều nhất đã dẫn đến cuộc tranh luận về lý do tại sao điều này dường như lại xảy ra thường xuyên tại EURO 2024, và có thể làm gì để ngăn chặn nó. Nhiều người cho rằng BTC không bố trí đủ nhân viên an ninh, hoặc do nhân viên an ninh non kinh nghiệm hoặc bởi do CĐV được uống bia bét nhè ở sân.
Nhưng các chuyên gia về kiểm soát đám đông xem bóng đá cho rằng thủ phạm thực sự là mạng xã hội và smartphone. Ronan Evain, giám đốc điều hành của tổ chức Football Supporters Europe có trụ sở tại Đức, cho biết: “Bản chất của các cuộc đột nhập là do háo danh trên mạng xã hội”.
Giáo sư Geoff Pearson, một chuyên gia về CĐV bóng đá tại Đại học Manchester, cũng đồng ý quan điểm này. Ông phân tích: “Trên thực tế, không có hàng rào cứng thì không thể ngăn cản bất cứ ai muốn chạy xuống sân. Họ sẽ cần hàng trăm nhân viên đứng xung quanh sân để ngăn cản. Nhưng rõ ràng có vấn đề với những kẻ thèm khát selfie, và giá trị của bức ảnh selfie hoàn hảo dường như lớn hơn hậu quả trừng phạt. Việc đột nhập và chụp ảnh đôi khi là nhiệm vụ để có được khoản thưởng lớn sau khi vượt qua thách thức”.
Trong trận chung kết Champions League tại Wembley hồi tháng trước, 3 kẻ đột nhập đã thực hiện thử thách của một Vlogger khét tiếng người Nga để giành lấy những phần thưởng tiền mặt khổng lồ. Đó là loạt vụ đột nhập đáng chú ý đầu tiên ở Anh sau giai đoạn bùng phát và nhanh chóng tan biến ở mùa 2012/22
Yếu tố quan trọng trong sự cải thiện đó là hành vi tự kiểm soát của đa số CĐV, những người ý thức được rằng các hình phạt đối với hành vi đột nhập sân cỏ là rất nặng ở Vương quốc Anh. Họ cần phải tuân thủ luật, nếu không BTC sân và CLB sẽ lãnh đủ, với những hình thức phạt như cấm hoàn toàn rượu bia trong các trận đấu, giảm sức chứa hoặc thậm chí đóng cửa sân. Từ đó, dẫn dến tuyên bố của Hiệp hội những người ủng hộ bóng đá: Khán đài dành cho người hâm mộ, sân cỏ dành cho các cầu thủ.