EURO 2024: Tất cả ăn mừng còn UEFA thu tiền

Phương Minh
19:47 ngày 29/06/2024
EURO 2024 đã đi hết giai đoạn vòng bảng và bắt đầu bước vào loạt trận knock-out. Tính đến thời điểm hiện tại, có thể nói giải đấu này ít nhiều đã thành công. Nhưng nhìn dưới góc độ kinh tế, chỉ có một người thắng duy nhất là UEFA...

UEFA kiếm bẫm nhờ kỳ EURO 2024 tại Đức.

10 sân vận động, 24 đội bóng và 51 trận đấu. EURO 2024 là một siêu sự kiện. Giải đấu do Đức đăng cai và UEFA tổ chức cũng trở thành một ngày hội thực sự, với khoảng 600.000 du khách nước ngoài tràn với hơn 1,5 triệu lượt lưu trú qua đêm tại quốc gia này. Hầu như tất cả các trận đấu cũng đều cháy vé.

Với riêng UEFA, kỳ EURO này là một vụ kinh doanh béo bở. Ước tính, tổ chức điều hành bóng đá châu Âu sẽ thu về hơn 2 tỷ euro, với lợi nhuận ròng là hơn 1 tỷ euro. Nói về điều này, chủ tịch LĐBĐ Đức, Bernd Neuendorf nhận xét: “Chuyện UEFA kiếm tiền từ giải đấu cũng tốt thôi”. Nhưng không phải ai cũng nhìn nhận vấn đề theo cách như vậy.

Theo tính toán, giải đấu năm nay cũng giúp Đức có thêm 1 tỷ euro từ các du khách nước ngoài. Nhưng trong khi chưa nhìn thấy tận mắt số tiền đó, những người đóng thuế ở Đức đã phải chi rất nhiều. Với họ, kỳ EURO này thậm chí còn là một dịp hội hè đắt đỏ. Vì theo một nghiên cứu chung của đài ZDF và tạp chí Spiegel, thì chính quyền liên bang, các bang và thành phố đã phải chi 650 triệu euro cho giải vô địch các quốc gia của lục địa già.

Người Đức đã phải chi 650 triệu euro để tổ chức EURO 2024.

10 thành phố đăng cai các trận đấu của EURO là nơi phải gánh nhiều nhất, mà Dortmund là một trong số đó. Thành phố lớn nhất của vùng Ruhr có thể phải chi ra 24 triệu euro cho giải đấu. Báo giá cụ thể sẽ do UEFA quyết định, khi mỗi thành phố muốn đăng cai EURO đều nhận được một quyển catalogue dày 223 trang, liệt kê các yêu cầu của giải đấu.

Văn bản này không được công khai, nhưng bằng một cách nào đó vẫn lọt vào tay của ZDF và Spiegel. Một vài trong số đó là những chi tiết khá nhỏ nhặt, chẳng hạn như UEFA yêu cầu mọi phòng thay đồ ở các sân vận động phải có tối thiểu... 2 máy sấy tóc. Nhưng bên cạnh các tiểu tiết này, có những thứ thực sự đắt đỏ.

Chẳng hạn, những thành phố đăng cai các trận đấu của EURO phải tổ chức các festival cho CĐV. Những sự kiện công cộng này thường diễn ra gần các sân vận động, nơi các CĐV tụ tập. Theo tính toán của ZDF và Spiegel, riêng khoản này đã khiến 10 thành phố của nước Đức mất tới 260 triệu euro. Trong khi đó, UEFA không bỏ ra một đồng nào.

Thực tế đó khiến Katrin Logering - đại diện của Đảng Xanh trong hội đồng thành phố Dortmund - không giấu nổi sự ngán ngẩm. Cô nhận xét: “UEFA thu hết lợi nhuận, còn các thành phố thì còng lưng ra trả tiền”, và chỉ trích cái gọi là “cách phân chia chi phí có vấn đề” này. Nhưng UEFA thậm chí còn đòi hỏi nhiều hơn thế. Ví dụ: họ đòi cấm các cuộc biểu tình ở khu vực lân cận các sân vận động, và đòi được miễn thuế cho các khoản thu của mình từ EURO.

UEFA đặt ra nhiều yêu cầu với nước đăng cai EURO 2024.

Cả chính quyền liên bang và các thành phố đăng cai đều từng phản ứng lại trước những đòi hỏi của UEFA, nhưng vô hiệu. Nói như nhà xã hội học thể thao Gunter Gebauer thì đây chẳng khác gì “trò tống tiền mềm dẻo”. Vì như phân tích của ông thì “nếu đáp ứng các yêu cầu của UEFA thì bạn sẽ được đăng cai EURO, còn không thì thôi”.

Dĩ nhiên, tổ chức điều hành bóng đá châu Âu phủ nhận những cáo buộc này. Họ khẳng định giải đấu này là một sự kiện thể thao “tối quan trọng”, và nó sẽ giúp quốc gia và các thành phố đăng cai có được “sự chú ý chưa từng có”. Tuy nhiên, với UEFA thì EURO có lẽ chỉ đơn giản là một cơ hội kiếm tiền hiếm có.

Để tổ chức giải đấu, họ đã cùng LĐBĐ Đức (DFB) thành lập một công ty liên doanh có tên là EURO 2024 GmbH. Trong đó, UEFA nắm tới 95% cổ phần, còn DFB chỉ có 5%. Công ty này đã ký hợp đồng với các điều khoản ngặt nghèo với những thành phố đăng cai, buộc đối tác phải chi tiền trước trong khi mình thì thu về lợi nhuận.

Kết quả là những gì đã và đang diễn ra tại các thành phố nước Đức: nước đăng cai chi tiền ra phục vụ công tác tổ chức (dĩ nhiên từ tiền thuế của người dân), trong khi chờ khoản 1 tỷ euro từ kích cầu du lịch trở thành hiện thực. Còn UEFA thì chẳng mất xu nào, nhưng lại được “tay không bắt giặc”.

Điểm tin 29/6: Sao Slovakia tuyên bố đánh bại ĐT Anh, Italia tập đá 11m

 

Nguồn: Bongdaplus
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.
Bạn cần đăng nhập để bình luận.
Tin liên quan
Mới nhất