18 năm trước, trong 4 tuần mùa Hè cổ tích đẹp đẽ, Đức đã khắc cốt ghi tâm khẩu hiệu “Thế giới tới làm khách, chúng tôi làm bạn” (Die Welt zu Gast bei Freunden). Ngày ấy, những vị khách quốc tế tới đây được nhìn thấy một nước Đức ngập chìm trong biển cờ đen-đỏ-vàng với một tinh thần vui vẻ, hưng phấn lan toả cứ như vô hạn, rất khác với hình ảnh nghiêm khắc, thu mình trong mắt thế giới của họ.
Kể từ đó, người Đức gọi World Cup 2006 là “Sommermärchen” (cổ tích mùa Hè) mà đã đi vào lịch sử quốc gia này. Có thể đây là một phiên bản hơi lãng mạn hóa đã được LĐBĐ Đức (DFB) vẽ ra. Tuy nhiên, sau 18 năm, khi Đức chuẩn bị đăng cai EURO 2024, câu hỏi được nhắc tới nhiều nhất là: “Liệu EURO có thể là một cổ tích mùa Hè thứ 2?”
Nhà biên kịch và tác giả Dagrun Hintze, người đã viết một tuyển tập tiểu luận về các khía cạnh văn hóa và giới tính của bóng đá, đã phát biểu như sau: “Thật là một nét văn hoá rất Đức khi luôn nhìn về quá khứ. Người Đức cũng không đặc biệt thích thay đổi. Nhưng điều cuối cùng mà chúng ta cần bây giờ là một lần nữa sa vào sự tự luyến say sưa của những điều tuyệt vời năm 2006. Chỉ có điều, bây giờ chúng ta đang ở một vị thế khác, vốn là một chuyện tốt khi có thể nhìn nhận mọi thứ một cách thực tế. Điều quan trọng hơn của năm 2024 là làm thế nào đưa mọi người xích lại gần nhau một lần nữa”.
Năm 2006 chưa có Covid-19, chưa có cuộc khủng hoảng tị nạn nào từ Trung Đông, châu Âu chưa có những cuộc xung đột và Đức chưa phải trải qua tình trạng đảng Cực hữu và Dân túy trở nên mạnh mẽ lần đầu tiên kể từ sau thời phát xít. EURO 2024 đã tới một đất nước mà sự gắn kết xã hội đang sụp đổ, nơi cư dân ngày càng bị phân cực và các bộ phận nhỏ trong xã hội thấy mình bị chia rẽ với nhau một cách không thể hòa giải.
Nhưng cũng chính vì những lý do này, giải đấu đã diễn ra vào đúng thời điểm. Như nhà sử học và giáo sư thể thao tại Đại học Thể thao Cologne Jürgen Mittag thậm chí còn mô tả nó như một “câu chuyện cổ tích mùa Hè nhỏ”.
Một điểm tích cực rút ra từ EURO là hầu hết người Đức một lần nữa ủng hộ đội tuyển quốc gia của họ - bất chấp, hoặc có lẽ chính là vì sự ra đi không may mắn trong trận tứ kết với Tây Ban Nha, và sự đoàn kết đến từ việc nhai lại bất công đó suốt nhiều ngày sau. Rõ ràng là bóng đã chạm tay trong vòng cấm, rõ ràng là Đức đã bị “xử oan”. Và họ thua không phục chính đội bóng lên ngôi vô địch.
Nhưng bóng đá không đơn giản chỉ là chuyện thắng thua. Nó truyền tải những ý nghĩa, thông điệp, câu chuyện sâu sắc hơn: ta cùng thua hoặc cùng thắng, ta cười và khóc cùng nhau. Đội tuyển Đức đã thua ngay trên sân nhà, nhưng đã thắng trong lòng người hâm mộ. Và điều đó là đủ để một bộ phận người Đức cảm thấy lạc quan hơn về tương lai. Ít nhất thì họ biết rằng mình có thể cùng đoàn kết lại một chút trong một khía cạnh nào đó, mà ở đây là bóng đá, ngay cả trong khủng hoảng.
Nếu bỏ qua những tiếng huýt sáo đáng xấu hổ mà CĐV Đức nhắm vào hậu vệ Tây Ban Nha, Marc Cucurella trong trận bán kết với Pháp, thì Đức đã gây ấn tượng tốt tại EURO 2024: các sân vận động chật kín, hoạt động hết công suất, bầu không khí tuyệt vời tại các sự kiện ngoài trời, các hoạt động hàng ngày suôn sẻ trong thời gian diễn ra giải đấu, an ninh được bảo đảm với 22.000 cảnh sát. Người hâm mộ nước ngoài đã được nhìn thấy một đất nước yêu bóng đá đến từng thớ thịt - trái ngược với World Cup khá vô trùng ở Qatar. Giá như không có sự chậm trễ của hãng đường sắt quốc Deutsche Bahn, những biển hiệu chỉ viết bằng tiếng Đức và công cuộc số hóa vẫn còn tầm thường.
Giờ đây, không chỉ người Đức mà cả châu Âu đều biết mọi thứ đang diễn ra như thế nào với cơ sở hạ tầng của họ, từ Deutsche Bahn đến năng lực khách sạn cho đến tổ chức. Người hâm mộ ở đây nhận ra rằng, được thôi, Đức rõ ràng không phải là quốc gia nơi mọi thứ đều hoạt động hoàn hảo. Họ cũng là con người và mắc sai lầm.